Đây là loại rủi ro do những sai sót mang tính kỹ thuật trong quy trình thanh toán L/C, như sự khác nhau giữa bộ chứng từ thanh toán với nội dung quy định trong L/C hay việc các bên tham gia thực hiện sai một khâu trong quy trình nghiệp vụ thanh toán. Do đặc thù của thanh toán tín dụng chứng từ là ngân hàng chỉ làm
việc trên giấy tờ cho nên nó đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối giữa bộ chứng từ thanh toán và L/C. Những tranh chấp trong quá trình lập chứng từ hay quy trình nghiệp vụ là hoàn toàn có thể xảy ra, thực tế thì tỷ lệ sai sót trong các bộ chứng từ được xuất trình là rất lớn, chiếm khoảng 30%.
Rủi ro từ phía khách hàng như: sai sót về tên, địa chỉ của các bên có liên quan, mô tả hàng hoá,… thậm chí là những sai sót lớn như: thiếu chứng từ, chứng từ do bạn hàng nước ngoài gửi ghi sai tên ngân hàng phát hành, chứng từ khác biệt so với L/C. Những sai sót của bộ chứng từ có thể được người bán chủ động sửa chữa như sai sót trong hoá đơn thương mại, bản kê chi tiết hàng hoá,… nhưng cũng có những sai sót chứng từ do bên thứ 3 lập và người bán không thể sửa được như vận đơn, xuất xứ hàng hoá, phiếu kiểm định hàng hoá,… Với những sai sót loại này ngân hàng hàng hoá thường từ chối thanh toán để bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong nước nhưng thường không được nhà xuất khẩu chấp nhận dẫn đến tranh chấp gây thiệt hại cả về vật chất và uy tín cho ngân hàng.
Rủi ro đến do phía ngân hàng: ngân hàng phát hành mở L/C có trách nhiệm mở L/C, tu chỉnh L/C, kiểm tra chứng từ và thanh toán. Ở bất cứ khâu nào sai sót cũng có thể xảy ra. Khi xem xét mà phát hiện thấy sai xót thì ngân hàng phải thông báo ngay cho bên mua, nếu họ vẫn chấp nhận thanh toán thì ngân hàng sẽ chấp nhận thanh toán và thu phí bất hợp lệ của bộ chứng từ. Trong trường hợp ngược lại, ngân hàng phải gửi điện thông báo cho ngân hàng nước ngoài trong vòng 07 ngày. Nếu quá thời hạn 07 ngày, ngân hàng nước ngoài sẽ từ chối gây thiệt hại lớn cho ngân hàng.