Chính sách của nhà nước và chiến lược hỗ trợ ngành

Một phần của tài liệu Hỗ trợ Xúc tiến Thương mại và Phát triển Xuất khẩu tại Việt Nam Chiến lược Xuất khẩu - Hướng dẫn Tiếp thị Xuất khẩu. BÁO CÁO Ngành rau quả.doc (Trang 25 - 28)

3. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NGÀNH

3.4. Chính sách của nhà nước và chiến lược hỗ trợ ngành

Trong những năm gần đây, nhà nước đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích phát triển nông nghiệp trong đó có ngành rau quả. Dưới đây là một số tóm tắt về chính sách liên quan.

Chính sách về đất đai.

Trong những năm qua, những thay đổi quan trọng nhất về mặt chính sách trong nông nghiệp là chính sách về đất đai. Luật đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2003) đã thể chế hoá và mở rộng các quyền sử dụng đất. Điều này đã khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất dài hạn và chuyển hoặc thay đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển sản xuất một cách có hiệu quả. Ví dụ, nông dân có thể chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại cây ăn quả, từ cà phê sang cây ăn quả… Nhờ đó đã từng bước hình thành các cơ sở sản xuất lớn hơn hoặc các nông trang trồng rau và hoa quả.

Thông tư số 95/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế quan nhằm phát triển các vùng nguyên liệu và ngành chế biến nông lâm thuỷ sản và muối.

Thông tư số 35/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thanh toán thuê đất, tham gia liên doanh dưới hình thức quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân.

Các chính sách trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các vùng nguyên liệu để có thể xuất khẩu rau và hoa quả với khối lượng lớn. Với các điều khoản ưu đãi, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ có thêm nhiều cơ hội để đầu tư trồng rau và hoa quả.

Chính sách thuế quan

Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Thông tư số 18/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính, các nhà đầu tư sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm đầu và tiếp tục được giảm tới 50% trong vòng ba năm tiếp theo nếu trồng các cây ăn quả lâu năm ở các vùng đất hoang hoặc vùng đồi núi trọc hoặc tham gia các ngành bảo quản, chế biến và gây giống… Với các nông trang hoặc doanh nghiệp mới thành lập ở các vùng núi, họ có thể được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng bốn năm và tiếp tục được giảm tới 50% trong bảy đến chín năm tiếp theo.

Miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)

Theo Thông tư số 91/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có thể được miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp nếu họ quay vòng các sản phẩm nông sản nhằm khuyến khích tận dụng các sản phẩm mùa vụ.

Miễn giảm thuế đất đai

Theo Nghị quyết số 15/2003/QH11 do Quốc hội ban hành, có thể khuyến khích người trồng rau quả dưới hình thức miễn giảm thuế đất nông nghiệp.

Các chính sách tài chính khác

Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/06/2002 khuyến khích các nhà kinh doanh ký kết hợp đồng thu mua nông sản. Theo đó, chính phủ khuyến khích doanh nghiệp ký các hợp đồng tiêu thụ nông sản trực tiếp với người trồng, các hợp tác xã và các hộ nông dân, kết nối trực tiếp các nguồn cung nông sản với các nhà chế biến cũng như người tiêu dùng cuối cùng nhằm giúp cho việc sản xuất ổn định và bền vững hơn. Tuy nhiên, việc thực thi Quyết định này còn gây ra những khó khăn cho nhà xuất khẩu.

Người trồng rau quả/ người sản xuất và doanh nghiệp ký các hợp đồng tiêu thụ hoặc có các dự án sản xuất/ chế biến hàng xuất khẩu sẽ được hỗ trợ đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ Phát triển với lãi suất ưu đãi (thấp hơn mức thông thường). Doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp và thực hiện xuất khẩu sẽ được phép vay từ Quỹ Hỗ trợ Xuất khẩu và có thể sử dụng tài sản cố định có được từ nguồn này để thế chấp cho khoản vay.

Chính sách phát triển thị trường nội địa

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 quy định việc phát triển và quản lý chợ và Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 20/03/2003 phê duyệt đề án tiếp tục tổ chức thị trường nội địa và tập trung phát triển thương mại nông thôn đến năm 2010. Một trong những vấn đề chính được đề cập đến trong các văn bản này là việc củng cố và phát triển các cơ sở hạ tầng thị trường trong nước như xây dựng các chợ đầu mối, các khu trao đổi hàng hoá… Một số khu vực đang tiến hành chương

trình này như: tỉnh Tiền Giang đầu tư vào chợ đầu mối hoa quả và thành phố Đà Lạt dự định xây dựng một trung tâm đấu giá hoa tươi.

Chính sách khuyến khích xuất khẩu rau và hoa quả

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hoàn thuế VAT và thưởng xuất khẩu nếu đạt kim ngạch xuất khẩu gia tăng lớn.

Rau quả tươi và đã chế biến xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Tây Âu và Hàn Quốc sẽ được hưởng ưu tiên trong các chương trình xúc tiến thương mại (hỗ trợ tài chính tham gia các triển lãm quốc tế, tham gia các khoá đào tạo marketing…).

Chính sách xúc tiến thương mại và các chính sách hỗ trợ khác

Cũng giống như các lĩnh vực xuất khẩu khác, ngành xuất khẩu rau quả cũng nhận được sự hỗ trợ nhất định từ Chính phủ trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Ví dụ, gần đây Chính phủ đã xóa bỏ một số thủ tục và các loại phí liên quan đến hàng xuất khẩu. Chính phủ cũng có một số quy định khuyến khích các nhà xuất khẩu mở rộng thị trường.

Các cam kết của Chính phủ về tự do thương mại rau quả của Việt Nam

Theo biểu thuế MFN hiện tại, thuế suất đối với mặt hàng rau quả được bảo hộ ở mức từ trung bình đến cao: 30% đối với rau quả tươi và từ 40% đến 50% đối với rau quả chế biến.

Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)

Rau và hoa quả tươi thuộc danh mục hàng hóa theo Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT). Mặc dù rau và hoa quả chế biến đã được xếp vào danh mục loại trừ tạm thời và theo kế hoạch sẽ được giảm thuế chậm hơn so với rau quả tươi, từ 1/1/2006 thuế quan đối với tất cả các loại rau quả đã giảm xuống còn từ 0 đến 5%. Việc Việt Nam trở thành một thành viên của AFTA đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu rau quả và vì thế ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này. Tác động của AFTA phụ thuộc nhiều vào khả năng cạnh tranh của rau quả Việt Nam so với hàng hóa của các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, cũng có thể thấy được rõ rệt các tác động của AFTA ở sự khác biệt về giá giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước do việc giảm thuế, đơn giản hóa thương mại và các quy trình thủ tục an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm giảm giá các mặt hàng nhập khẩu. Những yếu tố khác như tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã cũng sẽ thay đổi theo áp lực cạnh tranh từ các nước thành viên AFTA.

Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (AC-FTA)

Chương trình thu hoạch sớm (EHP) được xúc tiến từ năm 2004, các mặt hàng nông sản được liệt kê trong 8 chương đầu chủ yếu là rau quả tươi, rau quả sơ chế và các loại hoa (chương 6, 7 và 8). Đối với rau quả tươi, Việt Nam được hưởng thuế suất 0% từ 1/1/2006, Đối với rau quả chế biến, thuế quan sẽ giảm xuống còn từ 0 đến 5% trước năm 2009.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình thương lượng mở cửa thị trường nông sản với nhiều nước. Nhiều nước thành viên WTO, đặc biệt là các nước có các mặt hàng nông sản xuất khẩu mạnh như Ôx- trây-lia, Niu-Di-lân và Bờ-ra-xin, đang yêu cầu giảm thuế hàng nông sản. Vì thế, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường trong nước cho các mặt hàng rau quả nhập khẩu từ nước ngoài. Gia nhập WTO sẽ đem lại những cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt là những nước có nền sản xuất phát triển hơn như Thái Lan.

Tóm lại, hội nhập thương mại khu vực và toàn cầu mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn cho ngành rau quả Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể nhằm hỗ trợ ngành rau quả, như hỗ trợ xuất khẩu rau quả, nhưng vẫn cần phải tăng cường hơn nữa việc cung cấp thêm thông tin thị trường, nâng cao chất lượng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu rau quả.

Một phần của tài liệu Hỗ trợ Xúc tiến Thương mại và Phát triển Xuất khẩu tại Việt Nam Chiến lược Xuất khẩu - Hướng dẫn Tiếp thị Xuất khẩu. BÁO CÁO Ngành rau quả.doc (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(45 trang)
w