Thị trường đầu vào-đầu ra của hộ nông dân.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ NÔNG DÂN Ở HUYỆN THANH MIỆN TỈNH HẢI DƯƠNG (Trang 29 - 32)

4.1-Thị trường đầu vào.

Hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Miện, các loại đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được cung ứng khá đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều cửa hàng đại lý và bán lẻ khác nhau, khá đầy đủ với mức độ cung ứng khối lượng lớn phục vụ tới tất cả các xã, các thôn trong huyện. Tuy nhiên thị trường này còn nhiều điều bất cập về chất lượng, cách sử dụng và mức độ đáp ứng. Trong những năm vừa qua những tồn tại của nó đã gây nhiều phiền phức và thiệt hại cho hộ nông dân trong huyện.

a-Thị trường cung ứng giống lúa.

Hàng năm tổng số nhu cầu-theo tính toán của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn-về giống lúa khoảng trên 600 tấn các loại. Đây là con số rất lớn nhưng trong những năm vừa qua nhu cầu này đã được đáp ứng khá đầy đủ về số lượng.Giống lúa được đưa vào gieo cấy trên đồng đất của huyện từ rất nhiều nguồn khác nhau: XN giống cây trồng TW1-Thái Bình; XN giống cây trồng Quỳnh Hưng-Thái Bình; XN giống lúa Lai Cách-Hải Dương; XN giống lúa Nam Hà; Công ty giống cây trồng Miền Trung; XN giống lúa Mỹ Văn-Hưng Yên; XN giống lúa Phù Cừ-Hưng Yên; XN giống lúa Đông Triều- Quảng Ninh. Cho nên cùng một giống lúa nhưng chất lượng và giá bán thì có sự khác nhau khá rõ rệt. Các giống lúa này từ nơi sản xuất, qua các đại lý lớn, đến các cửa hàng bán lẻ rồi cuối cùng tới tay các hộ nông dân. Tuy nhiên khác với mạng lưới tiêu thụ rất rộng rãi và nhịp nhàng thì công tác quản lý lại bị buông lỏng. Chỉ những hộ kinh doanh lớn, những đại lý mới phải đăng ký và cam kết về chất lượng còn những điểm bán lẻ thì hầu như không phải chịu một sự kiểm tra, kiểm soát nào. Hiện nay riêng Thị Trấn Thanh Miện đã có tới 7 đại lý lớn của các công ty và xí nghiệp nêu trên, hàng năm cung cấp khoảng gần 300 tấn giống lúa cho thị trường. Còn ở mỗi xã đều có từ 3 đến 4 điểm bán lẻ khác nhau với những chủ cửa hàng hầu hết đều không có chuyên

môn, chỉ bíêt dựa vào sự chỉ dẫn có trên bao bì và giấy hướng dẫn có từ các công ty gửi xuống. Phải nói rằng thị trường giống lúa hiện nay ở Thanh Miện đã bị thả nổi mặc dù Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhiệm vụ quản lý nhưng do lực lượng cán bộ quá ít nên không thể làm tốt nhiệm vụ này. Một cơ quan trước kia chuyên cung cấp giống lúa cho các hộ nông dân trong huyện là Công ty vật tư nông nghiệp huyện thì nay hầu như không còn hoạt động.

Thị trường các giống cây trồng khác cũng diễn ra tương tự. Các cửa hàng tự do cung ứng cho các hộ nông dân, công tác quản lý rất lỏng lẻo.

b-Thị trường phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Theo tính toán của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Miện hiện nay, mỗi năm nhu cầu về phân bón của toàn huyện lên tới trên một vạn tấn các loại. Trong đó đạm Urê 2.500 tấn, Lân 6.000 tấn và Kaly 2000 tấn. Nông dân ở đây hàng năm phải tiêu tốn tới trên 4 tỷ đồng tiền thuốc phòng, trừ sâu bệnh. Đây là những chi phí cực lớn đối với người nông dân quanh năm chỉ biết trông vào hạt thóc, nếu những chi phí này không được sử dụng có hiệu quả thì đó là một sự lãng phí quá lớn. Cũng như thị trường giống lúa, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được đưa vào tiêu thụ trong huyện từ rất nhiều nguồn khác nhau. Phân bón được cung ứng chủ yếu từ: Nhà máy phân đạm Hà Bắc; Nhà máy Supe phốt phát và hoá chất Lâm thao; Nhà máy phân lân nung chảy Văn Điển và nhập ngoại. Còn thuốc phòng trừ sâu bệnh có từ: Công ty thuốc BVTV-Bộ NN&PTNT; Công ty Việt Thắng; Công ty thuốc BVTV Lào cai...Và nhập từ Trung Quốc. Mỗi xã, Thị Trấn thường có từ 4 đến 5 điểm bán phân bón và thuốc BVTV. Hầu như những cửa hàng cung ứng đầu vào cho các hộ nông dân đều có bán hai loại sản phẩm này, các chủ cửa hàng phần lớn đều chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn nên còn nhiều lúng túng trong vai trò của mình.

Sự đa dạng về nguồn cung ứng cộng với sự phong phú của các điển bán lẻ đã gây khó khăn rất nhiều cho công tác quản lý, giám sát.Thị trường bị thả nổi và hậu quả của nó cũng đã đến là tình trạng phân bón giả; Thuốc BVTV giả, kém chất lượng... được sử dụng mà người chịu hậu quả này không ai khác chính là những hộ nông dân bởi họ không biết mà giả sử có biết sau khi sử dụng cũng chẳng biết kêu ai. Một thiệt thòi nữa cho những hộ nông dân là họ không được sự hướng dẫn kịp thời từ các cơ quan có chức năng nên sử dụng phân bón và thuốc BVTV không

đúng cách, thiếu khoa học và không đúng ngưỡng cho nên bón tới 9 kg đạm Urê, 15 kg Lân; 7kg Kaly cho một sào mà lúa vẫn không cho thu hoạch cao, phun tới 15 đến 20 nghìn đồng thuốc sâu mà sâu vẫn hoàn sâu.

4.2-Thị trường đầu ra cho các hộ nông dân .

Thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chính là vấn đề gây nhiều lo lắng nhất cho các hộ nông dân sản xuất hàng hoá .Nó không những quyết định đến sự thành bại của một quá trình sản xuất mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của những hộ nông dân này.

Trên địa bàn huyện Thanh Miện hiện nay, khối lượng nông sản hàng hoá không nhiều nhưng lại phân tán thành rất nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm hàng hoá chủ yếu là vải, nhãn, nấm, dưa chuột, ớt, hành , tỏi, lợn sữa, gà công nghiệp.Thóc được bán ra rất nhiều nhưng đó chỉ là những lượng dư thừa ngoài tiêu dùng của các hộ nông dân. Các sản phẩm nông nghiệp khác chưa đạt tới sản phẩm hàng hoá hoặc chỉ đủ tiêu dùng trong nội bộ huyện.

Theo thống kê của Phòng thống kê huyện thì trong năm 2000 vừa qua, những hộ nông dân sản xuất hàng hoá trên địa bàn toàn huyện đã bán ra 1074 tấn nhãn, vải tươi, 28 tấn nấm tươi; 1092 tấn dưa chuột xuất khẩu; 106 tấn ớt; 668 tấn hành, tỏi; 110 tấn lợn sữa; 200 tấn gà công nghiệp. Đây tuy là những con số ít ỏi so với dân số toàn huyện nhưng cũng là kết quả bước đầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của những hộ nông dân. vì vậy nó cần được quan tâm đúng mức, nhưng trong những năm vừa qua nguồn thu mua các sản phẩm này không ổn định và không thống nhất.

Sản lượng nhãn, vải sản xuất ra hàng năm hoàn toàn do các tư thương thu gom tự sấy khô, làm long hoặc trở đi nơi khác. Sản phẩm ớt, dưa chuột xuất khẩu, hành, tỏi chỉ do một địa điểm thu mua đó là Trạm xuất khẩu nông sản thực phẩm thuộc Công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm tỉnh Hải Dương đóng trên địa bàn huyện. Lợn sữa chỉ do một cơ sở chế bíên thuộc huyện Ninh Giang thu mua; Còn gà công nghiệp hoàn toàn do các tư thương bảo đảm.

Trong các nguồn thu mua đầu ra trên thì chỉ duy nhất trạm xuất khẩu nông sản hoạt động khá ổn đinh. Còn lại các nguồn khác đều rất bấp bênh cả về thời điểm thu mua lẫn giá cả. Tình trạng này diễn ra đã gây rất nhiều thiệt hại cho người nông dân trong huyện cũng như không khuyến khích được hộ nông dân chuyển sang sản

xuất hàng hoá. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cũng có một điều rất đáng mừng là riêng sản phẩm nấm sản xuất ra, đã có nhiều hộ có điều kiện đầu tư, thu gom của bà con xung quanh tự chế biến và đưa đi bán tại các nơi khác. Đây là một sự khởi đầu đầy hiệu quả cho một cách làm ăn mạnh dạn của những hộ nông dân Thanh Miện.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ NÔNG DÂN Ở HUYỆN THANH MIỆN TỈNH HẢI DƯƠNG (Trang 29 - 32)