Ngày nay bảo vệ và PTBV tài nguyên rừng đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách cho nhiều quốc gia và trên toàn cầu. Trên nguyên lý chung của sự PTBV, tính bền vững của rừng được đánh giá dựa trên sự ổn định về diện tích, về khả năng cung cấp gỗ và chất lượng gỗ, về chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, về mặt sinh thái, về tính bền vững của kinh tế xã hội và đảm bảo việc làm cho con người.
Rừng được coi là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo. Nếu khai thác hợp lý sẽ bảo đảm cho việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Khai thác hợp lý tài nguyên rừng được hiểu là quá trình khai thác luôn nằm trong giới hạn cho phép của khả năng tái sinh của rừng. Bảo đảm cho sự khai thác ổn định lâu dài đồng thời vẫn duy trì được các tính năng của rừng về cung cấp tài nguyên, phòng hộ môi trường, bảo đảm sinh thái cảnh quan cũng như tính đa dạng sinh học vốn có của rừng. Chính vì vậy mà những biện pháp quản lý tài nguyên rừng phải phù hợp các điều kiện sinh thái, kinh tế, xã hội và nó sẽ thay đổi khi các điều kiện này thay đổi.
Những nhiệm vụ cơ bản trong quản lý tài nguyên rừng là nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên vốn có của rừng, trước hết là nguồn tài nguyên sinh học và bảo vệ môi trường. Trong một số trường hợp sẽ bao gồm các mục đích cho sản xuất lâm nghiệp xã hội, cung cấp củi, gỗ, lương thực thực phẩm. Dù trong điều kiện nào thì điều quan trọng là phải xác định được sự phù hợp giữa lợi ích trước mắt của nhân dân địa phương và lợi ích quốc gia lâu dài. Phát triển tài nguyên rừng không chỉ phụ thuộc đơn thuần vào quản lý rừng mà còn là vấn đề kinh tế xã hội của mỗi vùng, mối quốc gia. Do vậy, mỗi quốc gia cần có những
chính sách riêng phù hợp với điều kiện thực tế của họ. Một số biện pháp chung có thể tập trung vào những khía cạnh sau:
Quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên rừng hiện còn và trồng rừng mới
Áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc chặt phá rừng. Tăng cường trồng rừng và các cây công nghiệp phù hợp, phát triển hình thức nông lâm kết hợp ở những vùng bắt buộc phải trồng cây nông nghiệp trên đất dốc. Nâng cao hiệu suất sử dụng củi đốt, phát triển khí sinh học và sử dụng năng lượng mặt trời. Thâm canh cây công nghiệp và tạo việc làm mới để phát triển nông thôn, giảm sức ép của sản xuất nông nghiệp đối với các đất rừng còn lại. Việc bảo vệ rừng phải đi đôi giữa bảo tồn, phục hồi với trồng rừng và quản lý buôn bán gỗ nhằm PTBV tài nguyên rừng.
Việc áp dụng một giải pháp đơn lẻ nào đó sẽ không có khả năng giải quyết được vấn đề này, dù chỉ là làm chậm một cách có ý nghĩa việc phá rừng hiện nay. Trong quá trình áp dụng các giải pháp bảo vệ rừng, cần chú ý bảo đảm quyền lợi của những người dân bản xứ với nền văn hóa, lối sống và kiến thức bản địa của họ.
Thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên và các vườn quốc gia
Đây được coi là biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, trước hết là nguồn tài nguyên sinh vật. Tuy vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có những yêu cầu riêng nhưng đều được xây dựng trên cơ sở bảo tồn sự đa dạng sinh học, đa dạng mục đích sử dụng với mục tiêu hàng đầu là bảo tồn thiên nhiên.
Các vườn quốc gia trên thế giới đã được thành lập từ rất sớm ở nhiều nước khác nhau, ở Nam Phi có vườn quốc gia được thành lập từ 1898, ở Ấn Độ từ 1908, ở Achentina từ 1909, ở Úc từ 1915. Đến năm 1990 đã có khoảng 560 khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia được thiết lập ở vùng rừng mưa nhiệt đới, với tổng diện tích khoảng 780.000 km2 (chiếm 4% tổng diện tích rừng mưa nhiệt đới).
Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
Chứng chỉ rừng được định nghĩa là một quá trình dẫn đến việc chứng nhận bằng văn bản do một tổ chức thứ ba (ngoài người sản xuất gỗ và tiêu dùng gỗ) độc lập thực hiện, xác nhận về địa điểm và hiện trạng quản lý của khu rừng sản xuất gỗ là bền vững. Thông thường có hai nội dung cơ bản thực hiện trong quá trình cấp chứng chỉ rừng là: kiểm toán rừng và dán nhãn cho phép.
Chứng chỉ rừng ra đời nhằm đảm bảo với người tiêu dùng về nguồn gốc đáng tin cậy của các sản phẩm rừng về các mặt sản xuất bền vững (tài nguyên không bị suy giảm), an toàn về môi trường và tuân thủ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chứng chỉ rừng có thể đóng vai trò như một công cụ kinh tế trong hệ thống các công cụ chính sách nhưng
không thể thay thế các quy định, luật pháp và giáo dục tuyên truyền trong việc quản lý rừng bền vững.