Bảng 1.2: Phân loại các loại spread
1.3.2. Đối với nền kinh tế nói chung
Đối với các quốc gia đang phát triển thì việc đáp ứng yêu cầu chất lượng của các hợp đồng chuẩn hàng hóa trên sở giao dịch có khuyến khích người sản xuất mạnh dạn đầu tư cho sản xuất đổi mới phương thức sản xuất để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn có chất lượng cao. Ví dụ như người nông dân trước đây không dám đầu tư vào các giống lúa
chất lượng cao, các loại cà phê chế biến vì sợ khó cạnh tranh về giá cả so với các sản phẩm cùng loại khác, nhất là trên thị trường nội địa thì nay với những hợp đồng chuẩn và với một sự đảm bảo về đầu ra nhất định họ sẵn sàng đầu tư để sản xuất ra các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn môi trường vốn là những vấn đề ngày càng đáng lo ngại đặc biệt là với những quốc gia đang phát triển. Hơn nữa, khi bước vào hội nhập kinh tế thì thị trường đòi hỏi chất lượng cao sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm đủ sức thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khi đó người dân mạnh dạn vay vốn, mua vật tư sản xuất có tác dụng kích cầu đối với các thị trường khác như thị trường vốn, thị trường tư liệu sản xuất...Hơn nữa, khi đã biết trước được việc sẽ tiêu thụ đầu ra thì họ sẽ có điều kiện để mua sắm các sản phẩm tiêu dùng từ đó kích cầu đến toàn bộ nền kinh tế. Với những quốc gia Việt Nam, nếu như hình thành được các sở giao dịch nông sản thì với một tỷ lệ gần 70% dân số nông nghiệp tăng tiêu dùng sẽ là một động lực rất lớn cho nền kinh tế phát triển.
Sở giao dịch hàng hóa cũng là một trong những công cụ góp phần củng cố thị trường trong nước và gắn thị trường trong nước với các thị trường nước ngoài, tạo điều kiện để phát huy có hiệu quả các nguồn lực phát triển của đất nước. Các sở giao dịch góp phần tăng khối lượng và cường độ của các loại giao dịch về hàng hóa trong nước và với những quốc gia khác trên thế giới, góp phần bình ổn cung cầu và giá cả trên thị trường nhờ khả năng cung cấp nguồn hàng lớn. Đối với những quốc gia đang phát triển việc hình thành một sở giao dịch giúp các doanh nghiệp và thương gia của các quốc gia này có cơ hội làm quen dần với thông lệ tập quán và luật pháp quốc tế, thực hiện các loại kỹ thuật mua bán theo đúng quy định của sở giao dịch. Đây cũng là cách thức để giảm bớt sự tụt hậu giữa trình độ của nền thương mại các quốc gia này với trình độ của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Một sở giao dịch hàng hoá sẽ giúp cho các nhà chế biến, nhà buôn lớn, nông dân và ngân hàng có điều kiện xích lại gần nhau. Khi chưa có một địa điểm tập trung như sàn giao dịch, việc liên hệ hơp tác giữa các bên là rất tốn kém. Sàn giao dịch và các dịch vụ do sàn cung cấp tạo điều kiện cho các nhà buôn, nông dân gặp gỡ nhau, chia sẻ một hệ thống thông tin minh bạch và tương đối chính xác. Từ đó giảm thiểu một phần rủi ro do thông tin
bất cân xứng. Khi các bên có điều kiện tiếp cận như nhau với thông tin thì rõ ràng là quá trình giao dịch sẽ thuận tiện hơn và đặc biệt là công bằng hơn cho cả hai bên tham gia. Đây là một trong những ý nghĩa cơ bản khi thành lập một sở giao dịch hàng hóa. Sở giao dịch hỗ trợ họat động giao thương thuận lợi sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế hàng hóa.
Trên đây là những vấn đề chung nhất về sở giao dịch hàng hóa trên thế giới. Sở giao dịch hàng hóa không được hình thành một cách tự phát và không có mục đích, nó sinh ra từ nhu cầu của những nhà sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và phát triển kinh tế nói chung. Để có thể hình thành và phát triển được sở giao dịch hàng hóa thì trước nhất phải hiểu được sự hình thành cũng như cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của nó. Sở giao dịch hàng hóa là một hình thức thị trường tiên tiến và phức tạp mà ngay cả những quốc gia phát triển cũng có thể xây dựng một sở giao dịch hàng hóa không hiệu quả. Bởi lẽ sở giao dịch có những điều kiện nhất định về việc thành lập và phát triển, những điều kiện đó sẽ được bàn đến ở chương sau đây.