VII. Khuyến nghị chính sách
3. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
1. Giải tán các tổng công ty và thận trọng với các tập đoàn : Các Tổng Công Ty được thành lập để khai thác lợi thế kinh tế theo quy mô và để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thế nhưng cho đến nay, mặc dù cả hai mục tiêu này đều không đạt được nhưng các Tổng Công Ty vẫn tồn tại như một tập hợp lỏng lẻo các doanh nghiệp thành viên quy mô nhỏ với công nghệ lạc hậu và hướng nội. Những cải cách thực sự chỉ có thể xảy ra khi những doanh nghiệp này được dẫn dắt bởi các doanh nhân thực thụ, hoạt động dưới áp lực của cạnh tranh, khi mua bán - sáp nhập công ty được thực hiện trên cơ sở thương mại, và khi tồn tại cơ chế đào thải một cách dứt khoát các doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh. Tất cả những điều kiện này hoặc không tồn tại hoặc không thể thực hiện được trong hệ thống Tổng Công Ty hiện nay. Sở dĩ phân tích này đề xuất một chính sách mạnh mẽ và dứt khoát như vậy là do việc chuyển Tổng Công Ty thành tập đoàn cũng không phải là giải pháp đúng đắn vì những vấn đề kể trên của mô hình Tổng Công Ty vẫn được chuyển giao gần như nguyên vẹn sang mô hình tập đoàn.
2. Hỗ trợ khu vực dân doanh : Bài viết này đã chỉ ra rằng mặc dù chính phủ Việt Nam luôn tuyên bố cam kết hỗ trợ khu vực dân doanh, nhưng trên thực tế khu vực nhà nước vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều ưu ái, bao gồm khả năng tiếp cận đất đai và vốn trong khi khu vực dân doanh vẫn tiếp tục phải chịu sự nhũng nhiễu của quan chức và đối xử bất công của hệ thống chính quyền, đặc biệt là của hải quan và thuế vụ. Chính phủ Việt Nam cần loại bỏ sự bất bình đẳng này bằng cách đảm bảo rằng nguồn lực sẽ được phân bổ cho những ai có khả năng sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất. Tất cả các doanh nghiệp bất kể quy mô, loại hình, sở hữu đều phải công bố kết quả kiểm toán do những công ty kiểm toán độc lập và có uy tín thực hiện.
3. Thành lập Hệ thống Sáng tạo Quốc gia : Công viên công nghệ cao và các trường đại học nghiên cứu là các cấu phần của một hệ thống sáng tạo quốc gia, nhưng tự thân chúng thì vẫn chưa đủ. Việt Nam cần nhanh chóng thành lập Hội đồng Sáng tạo Quốc gia bao gồm các quan chức chính phủ (hiện đang làm việc hay đã về hưu), các doanh nhân xuất sắc, và các học giả trong và ngoài nước để xây dựng một kế hoạch sáng tạo quốc gia và sau đó tổ chức thực hiện kế hoạch này.
4. Hệ thống tài chính
1. Giảm lạm phát : Phân tích của bài viết này đã chỉ ra rằng lạm phát ở Việt Nam là kết quả của những chính sách sai lầm của chính phủ, chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém trong quản lý - điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động đầu tư công kém hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cần phải tái lập sự kiểm soát về các chính sách kinh tế vĩ mô. Để hoạch định chính sách một cách thích hợp trong bối cảnh môi trường vĩ mô của Việt Nam đã trở nên hết sức phức tạp đòi hỏi phải có một đội ngũ các chuyên gia kỹ trị. Có vẻ như trong chính phủ hiện nay đang thiếu các chuyên gia như vậy một cách trầm trọng, hay giả sử có một nhóm chuyên gia như vậy thì tiếng nói của họ cũng không đến được tai công chúng cũng như những nơi cần đến.
Lạm phát không chỉ là một thách thức về kinh tế, mà nó còn là một thách thức về chính trị. Sự ổn định về kinh tế vĩ mô sẽ giúp cải thiện hình ảnh và tính chính trực của nhà nước trong con mắt của doanh nghiệp và người dân. Nếu tình trạng lạm phát vẫn tiếp diễn hoặc trở nên xấu đi thì chắc chắn sự bất mãn của người dân sẽ dâng cao đến độ gây bất lợi cho hoạt động điều hành và uy tín của chính phủ.
2. Biến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành một ngân hàng trung ương thực thụ : Cải cách khu vực ngân hàng ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, những thành tựu này sẽ không thể bền vững khi thiếu một ngân hàng trung ương thực thụ, có thNm quyền và khả năng điều tiết, giám sát hệ thống ngân hàng, đồng thời điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường giờ đây đã trở nên phức tạp và tinh vi hơn rất nhiều. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi ngân hàng trung ương phải được độc lập trên các phương diện cơ bản, bao gồm độc lập về mặt tài chính, nhân sự, công cụ, và mục tiêu. Có như vậy cơ quan này mới có khả năng sử dụng quyền hạn và công cụ của mình để điều hành chính sách tiền tệ, giải quyết vấn đề lạm phát và mất ổn định vĩ mô một cách hiệu quả. Cũng cần nói thêm là tính độc lập này phải được tạo lập và duy trì bởi những cấu trúc thể chế thích hợp . Kinh nghiệm và mô hình ngân hàng trung ương của nhiều nước đã phát triển sẽ là những bài học quý cho Việt Nam trong quá trình xây dựng một ngân hàng trung ương vững mạnh.