KẾT LUẬN CHUNG

Một phần của tài liệu ĐẨU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM (Trang 25 - 26)

Giáo dục và kinh tế có quan hệ mật thiết với nhau. Giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế. Nhất là trong điều kiện kinh tế toàn cầu và nền kinh tế tri thức, nền kinh tế lấy sự sản xuất, phổ biến và ứng dụng tri thức là yếu tố cơ bản thúc đẩy sự phát triển thì giáo dục lại càng có vị trí quan trọng. Giáo dục là nhân tố cơ bản để hội nhập vào nền kinh tế thế giới; phát triển kinh tế - xã hội; góp phần xoá đói, giảm nghèo, tăng cường sức khoẻ, chất lượng cuộc sống... (HDI). Tuy nhiên, giáo dục không thể có được những thành quả to lớn nếu không có chi phí thoả đáng. Chi phí cho giáo dục càng cao thì hiệu quả của nó đối với kinh tế - xã hội và con người càng lớn. Đối với nước ta, giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu, đầu tư giáo dục và đầu tư phát triển. Đầu tư cho giáo dục cần được ưu tiên tuyệt đối trong mọi ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, chỉ đầu tư cho giáo dục không thôi cũng không đạt được hiệu quả. Cần chú ý đầu tư cả vốn vật chất và vốn người, trong đó vốn người là quan trọng. Thông qua vốn người, vốn vật chất mới có điều kiện để phát huy tác dụng.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Bằng phương pháp phân tích tỷ suất lợi nhuận ta thấy: đầu tư vào giáo dục đem lại hiệu quả kinh tế cho cả xã hội và cá nhân. Vì vậy, các chính phủ và gia đình và mỗi thành viên trong xã hội cần phải quan tâm đến giáo dục, đầu tư cho giáo dục. Đầu tư cho giáo dục ngày càng cao trong tỷ lệ GDP. Cần huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục (ngân sách Nhà nước, gia đình, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế và cả vay vốn để phát triển giáo dục) trong đó nguồn vốn ngân sách giữ vai trò chủ đạo.

Nhờ có đầu tư, trong những năm qua giáo dục đã đạt được các thành tựu nhất định. Giáo dục đã có sự tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập trong đầu tư phát triển giáo dục. Đó là những khó khăn về vốn, hiệu quả của đầu tư chưa cao. Vì vậy vấn đề đặt ra cần phải nâng cao chất lượng của hiệu quả đầu tư bằng cách ưu tiên hơn nữa đối với giáo dục và quan tâm đến hiệu quả của đầu tư.

Đầu tư cho giáo dục được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau: Cấp độ vĩ mô (Nhà nước): Đầu tư cho giáo dục = Ngân sách + Chính sách. Cấp độ trung gian bằng việc phân bổ các nguồn tài chính, các nguồn nhân lực, vật lực, cụ thể hoá các chính sách phát triển giáo dục cho phù hợp với khả năng của nền kinh tế và thực tiễn đất nước. Cấp độ nhà trường đòi hỏi chúng ta phải sử dụng các nguồn tài lực, nhân lực, vật lực như thế nào để vừa phù hợp với quan điểm đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, vừa mềm dẻo cho đạt hiệu quả đầu tư cao.

Chuyên đề kinh tế học giáo dục mới cho ta những vấn đề chung về mối quan hệ giữa kinh tế và giáo dục. Nó vẫn chưa chỉ ra được cách quản lý cụ thể các nguồn vốn đầu tư cao có hiệu quả. Tất nhiên, đây là vấn đề khó lại phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hoá và phong tục tập quán mỗi địa phương. Do vậy, việc đầu tư và sử dụng các nguồn lực giáo dục sao cho có hiệu quả cần được tiếp tục suy nghĩ trong thực tiễn công tác của mỗi chúng ta.

Một phần của tài liệu ĐẨU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM (Trang 25 - 26)