Hải Phòng về vai trò nhà nước trong phát triển thị trường sức lao động.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm về vai trò nhà nước trong phát triển thị trường sức lao động ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho chính quyền thành phố Hải Phòng trong phát triển thị trường sức lao động như sau:
Một là, chính quyền thành phố Hải Phòng phải không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở nhu cầu lao động của xã hội, coi đây là một giải pháp quan trọng nhất, năng động nhất quyết định đến sự phát triển của thị trường sức lao động.
Hai là, thực hiện cải cách chế độ tiền lương, thu nhập cho người lao động: bởi vì giá cả sức lao động (tiền lương, thu nhập) là nhân tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của cung - cầu lao động và sự dịch chuyển lao động trên thị trường sức lao động. Việc cải cách cần tính toán đến mức độ đóng góp của người lao động, kết hợp chặt chẽ lợi ích cá nhân của người lao
động với lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, đồng thời chú ý thang bậc lương cho người lao động trong các ngành nghề, các khu vực kinh tế khác nhau.
Ba là, Chính quyền thành phố thực sự quan tâm đến đời sống an sinh xã hội của người lao động di cư như: các vấn đề nhà ở, vấn đề giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, an ninh trật tự…để cho người lao động nhập cư có đủ điều kiện "an cư lạc nghiệp".
Bốn là, thành phố nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm và thông tin thị trường sức lao động. Dịch vụ việc làm là một loại hình dịch vụ nhạy cảm, phát sinh do nhu cầu thị trường. Do đó, cần có sự quản lý, hỗ trợ để nó hoạt động có hiệu quả. Cần phải xây dựng mạng lưới thông tin thị trường sức lao động một cách rộng rãi đến tận cơ sở để tuyên truyền phổ biến sâu rộng những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người lao động đưa những thông tin về thị trường sức lao động tới người lao động và người tuyển dụng lao động một cách nhanh và đầy đủ nhất. Thường xuyên tiến hành điều tra, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu làm việc, chất lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp… ở tất cả các lứa tuổi, ngành nghề, lĩnh vực để có những chính sách điều chỉnh hoạt động của thị trường sức lao động một cách có hiệu quả.