- Sao chú lại tên là Thểu?
Không nén nổi xúc động. Thểu lặng người đi, nước mắt trào ra.
Bác đưa cho Thểu một chén nước, Thểu nghẹn ngào kể lại với Bác tình cảnh riêng của mình.
Nhà Thểu nghèo lắm. Lúc nhỏ Thểu được cha mẹ đặt tên là “thằng cu Nậy”. Thểu cũng biết rằng tên đó không hay, nhưng quanh xóm, bọn trẻ cùng cảnh nghèo như Thểu, tên cũng xấu vậy thôi. Chỉ có con nhà giàu mới có tên đẹp! Rồi đến năm
1945, mẹ Thểu chết đói, cha Thểu phải bồng bế dắt díu con ngược dòng sông Lam, sang tận bên Lào kiếm sống. Cơ cực quá, không nuôi nổi các con, cha Thểu phải bán các em cho nhà giàu. Còn Thểu thì lang thang thất tha thất thểu, đầu đường xó chợ kiếm ăn. Cũng từ đó, người ta quen gọi nó là “thằng Thểu” và thế là cái tên “thằng Nậy” mà cha mẹ nó đặt ra cũng mất nốt.
Vào bộ đội, chiến đấu dũng cảm, trở thành Chiến sĩ thi đua, Thểu vẫn giữ cái tên cũ.
Lắng nghe Thểu kể xong, Bác rất xúc động. Người cầm tay Thểu và nói: - Bác cháu ta làm cách mạng để xoá bỏ kiếp sống cũ, xây dựng cuộc đời mới, chú nên đặt tên mới để thể hiện sự thay đổi của cuộc đời mình.
Bác ngừng lời, nhìn các chiến sĩ một lượt. Các chiến sĩ, nhất là Thểu, cùng nhìn Bác chăm chú chờ đợi.
Bác nói tiếp:
- Từ nay chú Thểu sẽ tên là Thảo. Như thế vừa giữ được vần cũ, lại có ý nghĩa hiếu thảo với nhân dân.
Thểu cảm động và sung sướng nhận tên mới: Nguyễn Văn Thảo. Sau đồng chí Thảo, gặp đồng chí Thái Doãn Thiếp. Bác lại hỏi: - Sao tên chú lại như tên con gái vậy:
Câu hỏi của Bác làm Thiếp xấu hổ. - Thưa Bác, cháu không rõ ạ! Bác nói:
- Các cụ đặt tên là có ý lắm và bao giờ cũng giải thích cho con cháu nghe ý nghĩa tên của mình.
- Thưa Bác, cháu nghe cha mẹ cháu nói là vì hiếm hoi, lúc mới sinh cháu lại gầy yếu và trông như con gái, nên mới lấy tên con gái để đặt tên cho cháu ạ!
Bác cười và nói:
- Ừ, thế mới đúng - Bác nhìn Thiếp và nói tiếp - Bây giờ chú là chiến sĩ bảo vệ - chiến sĩ bảo vệ thì không những phải dũng cảm, cảnh giác, thông minh, tận tuỵ, mà còn phải lịch thiệp nữa. Cho nên đổi tên “Thiếp” thành tên “Thiệp” là hơn.
Thiếp phấn khởi nhận ngay cái tên mới mà Bác vừa đặt cho: Thái Doãn Thiệp.
Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ Sđd, T.4, tr.33 [60.] Nhận tên mới.
Một đồng chí trong chúng tôi hỏi Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu nghĩ mãi vẫn chưa rõ tại sao phải đánh trường kỳ, vì đánh trường kỳ thì hại người, hại của lắm!
Bác phân tích cho chúng tôi rõ các mặt lợi hại, rồi lấy một ví dụ:
- Sức ta lúc này như trai mười sáu, mà giặc như một lão già quỷ quyệt, độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa sao chắc thắng được! Phải vừa đánh vừa nuôi sức cho
mình lớn lên. Khi sức đã khoẻ, giặc đã suy yếu, già cỗi, ta mới lừa thế quật ngã, như vậy có chắc thắng không?
Bác dừng lại nhìn chúng tôi. Và khi thấy chúng tôi đã nhận thức được, Bác kết luận:
- Vì vậy mới nói trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Sau đó, Bác bảo chúng tôi:
- Các chú ở đây mỗi người một tên, khó gọi, dễ lộ bí mật. Để dễ gọi, để giữ bí mật và cũng thể hiện quyết tâm kháng chiến của chúng ta, từ nay Bác đặt cho các chú tên mới theo câu Bác vừa nói. Các chú có đồng ý không?
- Dạ! - chúng tôi đều phấn khởi nhận tên mới.
Bác chỉ vào tôi và lần lượt đặt tên cho từng đồng chí. Từ đó tám anh em chúng tôi có tên mới là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.
Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ Sđd, T.4, tr.40