Nguyên nhân tồn tại gian lận và sai sót

Một phần của tài liệu Gian lận và sai sót với trách nhiệm của kiểm toán viên độc lập trong kiểm toán báo cáo tài chính (Trang 30)

3.1.1 Nguyên nhân từ phía đơn vị được kiểm toán

Không có quy định rõ ràng và biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm

Hệ thống chính sách và cấu trúc quản lý kém được biểu hiện ở tỷ lệ thay thế công nhân cao, sự trốn việc, thiếu các tài liệu chứng minh, nhận thức kém về các quy định và thiếu sự minh bạch trong hệ thống khen thưởng, xử phạt. Điều này làm cho những người mắc lỗi tiếp tục sai phạm, tạo cơ hội cho gian lận và sai sót gia tăng. Bên cạnh đó, khi Ban quản trị bị nhìn nhận là không

nhạy cảm, không vững chắc, bốc đồng hay quá chặt chẽ, bạc đãi nhân viên, đánh giá hiệu quả của nhân viên chỉ dựa trên những kết quả ngắn hạn hoặc không xét đến những áp lực công việc. Sự bất bình trong nhân viên có thể gây ra gian lận và sai sót.

Thủ tục kiểm soát và hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém tạo điều kiện cho gian lận và sai sót có cơ hội phát sinh

Phần lớn các gian lận đều bắt đầu từ một điều nhỏ, sau đó tăng dần. Nếu người ta cho rằng họ sẽ bị bắt nếu thực hiện hành vi gian lận thì chưa chắc họ đã gian lận. Các hệ thống, quy trình trong tổ chức và những chính sách tổ chức đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Một tổ chức có các chính sách không rõ ràng, hệ thống kiểm soát nội bộ không phù hợp hay yếu kém, nhiều quy định ngoại lệ, tệ quan liêu, hệ thống báo cáo không phù hợp hoặc đã từng có trong lịch sử xảy ra vi phạm dường như thường có nhiều khả năng có gian lận và sai sót hơn.

Tồn tại hiện tượng cấu kết, lạm dụng chức quyền

Khi hai hay một số người trong tổ chức cấu kết với nhau đặc biệt là việc lạm dụng chức quyền của những người đứng đầu tổ chức nhằm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân sẽ làm cho gian lận và sai sót gia tăng và khó bị phát hiện. Đây là một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tổ chức và đang có xu hướng ngày càng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, gây không ít khó khăn cho kiểm toán viên.

3.1.2 Nguyên nhân từ kiểm toán viên

Do hạn chế về năng lực chuyên môn nên không phát hiện ra sai phạm

Nếu kiểm toán viên không nắm chắc nghiệp vụ, tay nghề còn non kém, năng lực chuyên môn còn hạn chế thì sẽ khó lòng phát hiện ra sai phạm.

Hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ

Yêu cầu đối với mỗi kiểm toán viên là phải có kiến thức sâu rộng, bao quát ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, kiểm toán viên phải thường xuyên

trau dồi, nâng cao không chỉ kiến thức chuyên môn mà cả kiến thức xã hội đồng thời cũng phải am hiểu pháp luật. Nếu kiểm toán viên hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ có thể sẽ có những đánh giá không đúng về khách hàng, nhìn nhận không toàn diện về hoạt động kinh doanh của khách hàng. Từ đó có thể không phát hiện ra những gian lận và sai sót trong đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán viên có tính bảo thủ, không thường xuyên cập nhật văn bản, chế độ mới

Với những người đi kiểm toán như kiểm toán viên thì có nhiều tài liệu phải quan tâm nhưng một trong những ưu tiên hàng đầu là cập nhật những văn bản luật pháp, chế độ, chính sách mới ban hành hoặc sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên, một số kiểm toán viên có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau mà không thường xuyên cập nhật văn bản, chế độ mới. Điều này khiến cho kiểm toán viên khó phát hiện ra sai phạm trong đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán viên tự cao, thiếu khiêm tốn, không chú ý nâng cao đạo đức nghề nghiệp

Báo cáo kiểm toán là nơi cung cấp, chứng thực thông tin, giúp cho các nhà đầu tư ra quyết định đầu tư đúng đắn, giúp cơ quan thanh tra, kiểm tra có được những số liệu thực, giúp nhà quản lý nắm được tình hình của công ty từ đó có biện pháp điều chỉnh…Báo cáo kiểm toán là kết quả của cuộc kiểm toán và được lập ra bởi kiểm toán viên, chịu sự chi phối của năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Với năng lực cao, trình độ giỏi kiểm toán viên có thể phát hiện ra gian lận, sai sót trọng yếu nhưng chưa chắc họ đã phản ánh những phát hiện đó trên báo cáo kiểm toán khi bản thân kiểm toán viên tự cao, thiếu khiêm tốn, không chú ý nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên đang là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm.

3.1.3 Nguyên nhân khác:

Một cuộc kiểm toán luôn chịu sự chi phối của sức ép thời gian. Cho dù có là một kiểm toán viên có năng lực cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, dày dặn kinh nghiệm nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, gấp rút thì cũng không thiết kế được đầy đủ các thủ tục để phát hiện ra sai phạm và không thu thập đủ các bằng chứng kiểm toán chứng minh cho sự tồn tại của sai phạm.

Cám dỗ vật chất

Một số kiểm toán viên không tránh khỏi cám dỗ vật chất đã tiếp tay che giấu cho sai phạm, nhận xét không đúng thực tế trên báo cáo kiểm toán, đưa ra những thông tin không chính xác cho những người quan tâm.

Sự can thiệp trái thẩm quyền làm cho kiểm toán viên lâm vào tình trạng khó xử

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các công ty kiểm toán độc lập muốn tồn tại và phát triển cần phải tạo mối quan hệ với công ty khách hàng. Chính những mối quan hệ này nhiều khi đã tạo ra sự can thiệp trái thẩm quyền làm cho kiểm toán viên lâm vào tình trạng khó xử. Việc phải lựa chọn giữa một bên là mệnh lệnh cấp trên, một bên là đạo đức nghề nghiệp thực sự gây khó khăn cho kiểm toán viên. Một khi kiểm toán viên lựa chọn tuân theo mệnh lệnh cấp trên cũng đồng nghĩa với việc họ tạo điều kiện cho gian lận và sai sót gia tăng.

3.2 Giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc phát hiện gian lận và sai sót trọng yếu

Một phần của tài liệu Gian lận và sai sót với trách nhiệm của kiểm toán viên độc lập trong kiểm toán báo cáo tài chính (Trang 30)