* Những hạn chế
Qua 3 năm hoạt động, ngoài những kết quả đáng khích lệ trong công tác huy động vốn, MHB Chi nhánh Hà Nội vẫn còn những hạn chế:
- MHB Chi nhánh Hà Nội mới chỉ đưa ra các hình thức huy động vốn truyền thống, các sản phẩm tiết kiệm còn nghèo nàn, trong khi các hình thức tiết kiệm tích luỹ, tiết kiệm rút gốc linh hoạt, lãi suất bậc thang đã được các ngân hàng khác áp dụng từ lâu, nhưng MHB Chi nhánh Hà Nội mới chỉ dừng lại ở hình thức tiết kiệm phú lộc, lãi suất luỹ tiến… Chi nhánh còn thụ động chờ các đợt phát hành kỳ phiếu, trái phiếu của Hội sở chứ chưa tích cực nghiên cứu đề xuất phát hành kỳ phiếu từng thời kỳ tuỳ theo nhu cầu về nguồn vốn. Thời gian qua, các dịch vụ thanh toán của MHB đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của khách hàng như: thanh toán chuyển tiền điện tử qua mạng của Ngân hàng Nhà nước và mạng nội bộ, thanh toán nhờ thu, thanh toán chuyển tiển, tín dụng chứng từ…nhưng hệ thống đường truyền và công nghệ còn hạn chế nên ảnh hưởng khá lớn đến việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và do vậy cũng ảnh hưởng lớn đến việc thu hút vốn. Những hạn chế nêu trên
đã làm giảm sức cạnh tranh của MHB Chi nhánh Hà Nội với các ngân hàng khác, việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng cũng bị hạn chế nên một số khách hàng đã rút vốn chuyển qua ngân hàng khác.
- MHB Chi nhánh Hà Nội đã bước đầu xây dựng chính sách khách hàng trên cơ sở các quy định chung của Hội sở, song việc triển khai chiến lược khách hàng, quảng cáo tiếp thị đạt hiệu quả chưa cao, công tác nghiên cứu khách hàng chưa thực sự được hoàn thiện, các biện pháp sử dụng trong nghiên cứu khách hàng mới chỉ dựa vào các nguồn thông tin sẵn có nên thực hiện rất nhanh chóng, chi phí thấp song độ chính xác không cao, các nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng chưa được khai thác hết. Việc quảng cáo trên báo chí, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng đã bước đầu được tiến hành song chưa đều đặn và thực hiện đồng bộ nên chưa thực sự tạo ra một hình ảnh rõ nét về ngân hàng trong lòng dân chúng. Đội ngũ nhân viên marketing của ngân hàng đã được thành lập ngay từ buổi đầu đi vào hoạt động nhưng thực sự chưa có nền tảng vững chắc và hoạt động chuyên nghiệp bài bản nên hiệu quả đạt được chưa cao. Đây là yếu tố quan trọng cho một chi nhánh ngân hàng non trẻ mới gia nhập trên địa bàn Thủ đô, dường như thương hiệu MHB chưa thực sự gây ấn tượng trong dân chúng, khách hàng chưa thấy được nét “phong cách mới” của ngân hàng.
- So với khối NHTM Nhà nước thì lãi suất của MHB Chi nhánh Hà Nội ở mức cao đối với tiền gửi Việt Nam đồng và ở mức trung bình đối với tiền gửi ngoại tệ, nhưng so với khối ngân hàng thương mại cổ phần thì lãi suất của MHB Chi nhánh Hà Nội rất khó cạnh tranh, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động vốn của MHB Chi nhánh Hà Nội. Bên cạnh đó, cơ cấu huy động vốn theo loại tiền còn chưa hợp lý, vốn huy động bằng ngoại tệ (USD, EUR) chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nguồn...Như vậy, nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ trong tương lai sẽ không đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn bằng ngoại tệ.
- Dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, chưa có hoặc mới bước đầu triển khai các dịch vụ bổ trợ cho huy động vốn nên MHB Chi nhánh Hà Nội còn rất khó khăn trong thu hút khách hàng, đây cũng là khó khăn chung của hệ thống MHB.
- Mạng lưới hoạt động của MHB Chi nhánh Hà Nội ngoài trụ sở chính có 02 chi nhánh cấp 2 và 04 phòng giao dịch trực thuộc nhưng chưa được trải rộng trên tất cả các quận nội thành mà chủ yếu tập trung ở địa bàn quận Đống Đa và Thanh Xuân (mỗi quận có 02 điểm giao dịch). Do chưa triển khai hình thức gửi tiền một nơi rút nhiều nơi trong hệ thống MHB nên mạng lưới hoạt động hiện tại của MHB Chi nhánh Hà Nội ít nhiều cũng gây khó khăn cho công tác huy động vốn của ngân hàng.
- Nguồn vốn có sự tăng trưởng cao song chưa ổn định, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế chiếm tỷ trọng thấp (bình quân khoảng 30%) trong tổng nguồn huy động, phần lớn là tiền gửi có kỳ hạn nên chi phí huy động cao. Quy mô của từng khoản huy động còn thấp do MHB Chi nhánh Hà Nội tuy đã xây dựng chiến lược khách hàng song việc thực hiện còn chưa hiệu quả, khách hàng đem gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác nhau với mục đích vừa đa dạng lãi suất, vừa phòng chống rủi ro. Hiệu quả huy động vốn của MHB Chi nhánh Hà Nội nói chung là chưa cao. Vốn huy động chỉ được sử dụng ~70%, phần còn lại Chi nhánh chuyển vốn điều hoà vào Hội sở chính.
* Nguyên nhân
- Nguyên nhân khách quan:
Nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2003-2006 có rất nhiều biến động phức tạp như giá vàng, bất động sản tăng cao đã liên tục tác động đến đầu tư của dân chúng, các nguồn vốn lớn được đầu tư vào bất động sản thay vì gửi vào ngân hàng.
MHB Chi nhánh Hà Nội là chi nhánh của một NHTM Nhà nước, ra đời muộn trong hệ thống ngân hàng, lại nằm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra sự cạnh tranh gay gắt của các tổ chức tài chính ngân hàng (Ngân hàng liên doanh, ngân hàng cổ phần, ngân hàng nước ngoài…) và các tổ chức tài chính phi ngân hàng (Bảo hiểm, Bưu điện, Các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…), trong khi thương hiệu, hình ảnh và vị thế của MHB Chi nhánh Hà Nội trước công chúng chưa được tạo lập vững vàng đã dẫn đến sự chia sẻ về thị phần trong hoạt động huy động vốn.
Tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong dân cư, các dịch vụ và tiện ích ngân hàng chưa đi sâu vào tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.
Sự phát triển “mạnh” và “nóng” của thị trường chứng khoán từ giữa năm 2006 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng nói chung, một lượng vốn lớn đã được rút ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán.
- Nguyên nhân chủ quan:
Với mạng lưới hoạt động còn mỏng như hiện nay (tính cả trụ sở chính là 07 điểm giao dịch, chưa có các điểm giao dịch trực thuộc tại các quận nội thành như Ba Đình, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng) MHB Chi nhánh Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn từ các tầng lớp dân cư, tổ chức kinh tế.
Công tác quản trị điều hành chỉ mang tính chất thủ công, chưa được thực hiện qua các chương trình phần mềm quản trị vốn nên việc xây dựng chính sách huy động vốn về dài hạn còn gặp nhiều khó khăn.
Các hình thức huy động vốn còn mang tính truyền thống, sản phẩm dịch vụ nghèo nàn, chẳng hạn, các ngân hàng trên địa bàn đã triển khai hệ thống ATM từ nhiều năm trước, nhưng chỉ đến đầu năm 2006, MHB Chi nhánh Hà
Nội mới đưa ra tiện ích này; sản phẩm tiết kiệm gửi một nơi rút tiền nhiều nơi đã được hầu hết các ngân hàng triển khai, song tại MHB Chi nhánh Hà Nội vẫn chưa có. Điểm này cho thấy trình độ công nghệ, dịch vụ ngân hàng của MHB Chi nhánh Hà Nội chưa theo kịp các ngân hàng bạn.
Căn cứ theo cơ cấu vốn huy động bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ thì dường như đối với MHB Chi nhánh Hà Nội, việc tập trung thu hút nguồn vốn bằng ngoại tệ chưa được phát huy hết thế mạnh. Ngân hàng đã chưa đưa ra chính sách khai thác nguồn ngoại tệ kiều hối chuyển về Việt Nam…
Công tác Marketing tuy đã được triển khai nhưng chưa mang tính chiến lược dài hạn, các hoạt động marketing chủ yếu mang tính thời điểm, chỉ để phục vụ những nhu cầu cấp thiết trước mắt. Các hình thức quảng cáo, tiếp thị còn ít, dàn trải nên hiệu quả chưa cao. Đó là do đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác marketing chưa được đào tạo thực sự bài bản, chưa có tầm nhìn chiến lược để tạo ra những đột phá cho một chi nhánh ngân hàng còn chưa có tên tuổi tại địa bàn Thủ đô.
Các sản phẩm dịch vụ đã được đưa ra nhưng do chưa có bộ phận chuyên trách làm công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm nên chưa thực sự nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của từng đối tượng khách hàng để đưa ra những sản phẩm phù hợp mang tính cạnh tranh cao.
Điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn do trụ sở phải đi thuê, vì vậy tính ổn định chiến lược lâu dài chưa có.
Cán bộ nhân viên ngân hàng đa số là cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy, có trình độ nhưng còn thiếu kinh nghiệm, khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc mở rộng phát triển mạng lưới chưa được phát huy tối đa để đáp ứng yêu cầu công việc.
Có thể nói, sau hơn 3 năm hình thành và phát triển, MHB Chi nhánh Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, phát triển được thương hiệu và
nâng cao uy tín ngân hàng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn và quản lý nguồn vốn, song năm nào MHB Chi nhánh Hà Nội cũng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, đáp ứng một phần nhu cầu về vốn cho hệ thống nói riêng và cho phát triển kinh tế của thủ đô, đất nước nói chung. Tuy nhiên, hoạt động huy động vốn còn nhiều tồn tại đòi hỏi cần phải tìm ra giải pháp tăng cường huy động vốn tại MHB Chi nhánh Hà Nội trong thời gian tới, đây là việc làm thực sự cần thiết và có ý nghĩa quyết định trong định hướng chiến lược phát triển của ngân hàng.