Giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai

Một phần của tài liệu Tiểu luận Giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân địa phương (Trang 26)

5. Đóng góp mới của đề tài

2.3.Giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng phổ biến và trở nên gay gắt, nếu không giải quyết kịp thời, nhanh chóng và triệt để thì hậu quả để lại là rất lớn. Những quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án tỏ ra còn nhiều bất cập và pháp luật cần phải xem xét để sửa đổi, bổ sung trong thời gian sớm nhất. Xuất phát từ những bất cập đã được phân tích ở trên, tác giả đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật như sau:

Thứ nhất, vì tranh chấp đất đai là tranh chấp về loại tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như lợi ích của từng người, từng nhóm người trong xã hội nên thiết nghĩ pháp luật phải quy định những ngoại lệ trong việc giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân. Khi tòa án giải quyết vụ án hành chính về tranh chấp đất đai, pháp luật nên trao cho tòa án ngoài quyền xem xét ngoài tính đúng hoặc sai của quyết định hành chính, hành vi hành chính thì còn phải xem xét đến nội dung của quyết định hành chính ấy và được quyền phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực quản lý đất đai để yêu cầu cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp của cơ quan bị kiện ban hành một quyết định hành chính phù hợp chứ không nên dừng lại ở việc tuyên hủy bỏ quyết định hành chính rồi yêu cầu chính cơ quan đó ban hành lại. Điều này rất dễ dẫn đến động cơ cá nhân trong quá trình cơ quan nhà nước đó ban hành lại quyết định hành chính. Cụ thể, cá nhân hoặc cơ quan có quyền ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính sau khi bị kiện thì rất khó trung thực, khách quan trong việc ban hành quyết định hành chính mới. Tác giả cho rằng đây là ngoại lệ trong phạm vi quyền hạn giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân địa phương mà pháp luật nên xem xét và sửa đổi trong thời gian tới. Vì vậy, thiết nghĩ pháp luật nên quy định ngoại lệ đối với tòa án

trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng hành chính bằng cách cho phép tòa án nhân dân can thiệp vào nội dung của quyết định hành chính.

Thứ hai, tranh chấp đất đai ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của từng người, từng nhóm người khác nhau trong xã hội. Thực tế các dạng tranh chấp tính đúng hoặc sai của quyết định hành chính khi được tòa án nhân dân thụ lý thì quyền và nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp là không bình đẳng với nhau. Một bên đại diện cho quyền lực nhà nước quản lý về đất đai và có cơ chế để buộc các cá nhân, tổ chức thực thi các quyết định của mình. Điều đáng nói ở đây là ngay cả khi có phán quyết của tòa án yêu cầu hủy bỏ quyết định đã ban hành thì cơ quan nhà nước đó có quyền không thi hành phán quyết của tòa án nhân dân mà không có cơ chế để cưỡng chế thi hành. Bởi vì trên thực tế nước ta có cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự nhưng không có cơ quan chuyên trách nào để thi hành án hành chính. Trong khi nếu người khởi kiện trong vụ án hành chính thua kiện thì có rất nhiều chế tài đối với họ không những bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn tiếp tục chịu tác động của quyết định hành chính đó. Chúng ta thừa nhận rằng hoạt động quản lý nhà nước cần có những cơ quan chuyên trách để bảo vệ và thực thi mệnh lệnh của cơ quan nhà nước. Điều này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết đối với một nhà nước. Tuy nhiên, khi có tranh chấp đất đai xảy ra thì nên đặt cơ quan nhà nước với vai trò như một người bị kiện và quy định quyền và nghĩa vụ tố tụng bình đẳng với người khởi kiện. Có như thế thì vấn đề tranh chấp đất đai không còn là một điểm nóng trong xã hội, mức độ gay gắt của tranh chấp cũng không cao. Khi đó quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất cũng được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, pháp luật nên quy định quyền và nghĩa vụ của người bị kiện trong vụ án hành chính bình đẳng với người khởi kiện. Đồng thời, pháp luật cũng xem xét và thành lập cơ quan thi hành án hành chính chuyên trách để bảo đảm án hành chính được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất thì pháp luật hình sự cũng phải quy định các tội phạm trong hoạt động hành pháp để trừng trị những người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cố ý ban hành các quyết định hành chính trái pháp luật gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Tác giả cho rằng đây là việc làm cần thiết và cấp bách vì các chủ thể trong quan hệ tranh chấp đất đai phải được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Không thể một bên có quyền ban hành quyết định hành chính buộc bên còn lại thi hành mà không chịu trách nhiệm đối với các quyết định hành chính sai trái đó.

Thứ ba, tranh chấp đất đai là dạng tranh chấp đặc thù, không nên hòa giải nhiều lần trước khi khởi kiện lên tòa án nhân dân. Tác giả cho rằng tranh chấp đất đai phải được khởi kiện trực tiếp lên tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng đặc biệt để được giải quyết kịp thời, nhanh chóng và triệt để, tránh trường hợp giao cho những cơ quan không có đủ chuyên môn làm công tác hòa giải càng gây mâu thuẫn sâu sắc cho các bên trong tranh chấp. Để làm được điều đó, cần phải lập ra tòa án chuyên trách trong lĩnh vực tranh chấp đất đai và khi có tranh chấp đất đai thì tòa chuyên trách phải thụ lý đơn khởi kiện mà không thông qua bất cứ một thủ tục hòa giải nào. Khi đó, tất cả những vụ việc tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết nhanh chóng và chính xác, góp phần giảm nhẹ hậu quả trong tranh chấp đất đai. Việc quy định rút gọn thủ tục hòa giải trong tranh chấp đất đai và thành lập tòa án chuyên trách trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp đất đai chắc chắn sẽ làm cho tranh chấp đất đai không trở nên gay gắt như tình hình hiện nay.

Quá trình nghiên cứu những nội dung của chương 2 đã thấy được những điểm mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng hành chính và thủ tục tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, chương 2 cũng làm sáng tỏ hơn về thủ tục giải quyết các tranh chấp hành chính, tranh chấp dân sự về đất đai. Trên hết, những nội dung trong chương 2 còn chỉ ra thực trạng của việc tòa án nhân dân áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp đất đai, từ đó tác giả đã đề ra được một vài kiến nghị để góp phần hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân địa phương.

KẾT LUẬN

Đề tài “Giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân địa phương” không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Về lý luận, đề tài đã làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý luận về tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai cũng như thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân. Về mặt thực tiễn, đề tài nêu lên cái nhìn khách quan về thực trạng giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân địa phương và đóng góp những giải pháp cấp bách để hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân địa phương trong tình hình hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Dân sự năm 2005.

2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). 3. Hiến pháp năm 1959.

4. Hiến pháp năm 1980. 5. Hiến pháp năm 2013. 6. Luật Đất đai năm 1987. 7. Luật Đất đai năm 2003. 8. Luật Đất đai năm 2013.

9. Luật Tố tụng hành chính năm 2010. 10. Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP.

11. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đất đai, Nxb. Tư pháp 2005.

12. Từ điển tiếng Việt thông dụng.

13. ThS Lưu Quốc Thái (2006), Bàn về khái niệm tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai 2003, Tạp chí khoa học pháp lý số 2 (33).

Một phần của tài liệu Tiểu luận Giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân địa phương (Trang 26)