Nhóm các nhân tố bên ngoà

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG ĐẤU THẦU XÂY DỰNG CỦA CÔNG TY XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH 545 (Trang 31 - 37)

2.3.2.1 Cơ chế, chính sách

Chính sách và cơ chế của Nhà nước là một nhân tố quan trọng tác đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp xây dựng nói riêng. Kể từ khi tiến hành đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho đến nay Nhà nước đã ban hành rất nhiều Luật và văn bản dưới luật để quản lý sự hoạt động của các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống văn bản quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước đã ban hành và thay đổi nhiều lần từ Nghị định số 42/NĐ - CP đến Nghị định số 53/NĐ - CP rồi đến Nghị định 12/NĐ-CP sửa đổi và sau nhiều lần sửa đổi Nhà nước đã ban hành Luật xây dựng để quản lý các vấn đề trong xây dựng. Trong lĩnh vực đấu thầu ban đầu để quản lý Nhà nước ban hành Nghị định số 43/NĐ-CP sau đó có Nghị định số 88/NĐ-CP sửa đổi và đến cuối năm 2005 đã ban hành Luật đấu thầu. Ngoài ra Nhà nước trong thời gian

này còn ban hành nhiều luật áp dụng chung cho các doanh nghiệp như luật thương mại, luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh,... có thể nói hệ thống văn bản pháp lý ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, qua nghiên cứu có thể nhận thấy các văn bản pháp luật chỉ có các điều khoản phạt cao nhất là 50 triệu đồng hoặc cấm tham gia đấu thầu cao nhất là 5 năm chứ chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các vi phạm Quy chế đấu thầu, Luật đấu thầu. Qua thống kê từ trước cho đến nay chưa thấy có doanh nghiệp và chủ đầu tư nào bị xử lý theo pháp luật khi vi phạm cả, bị phạt cao nhất là 20 triệu đồng hoặc cùng lắm là chỉ bị cấm tham gia đấu thầu 1 đến 2 năm. Vì vậy, chưa ngăn chặn được tình trạng tiêu cực trong quá trình đấu thầu.

2.3.2.2 Chủ đầu tư

Chủ đầu tư suy cho cùng thì có thể hiểu đó là khách hàng của doanh nghiệp. Chủ đầu tư có thể là tổ chức hay cá nhân bỏ vốn đầu tư thực hiện dự án, họ có thể trực tiếp quản lý hay gián tiếp quản lý dự án, chịu trách nhiệm chọn nhà thầu, nếu họ đủ năng lực thì có thể tự đứng ra thực hiện mời thầu và tổ chức đấu thầu. Nếu không đủ năng lực thì thuê 1 tổ chức có đủ năng lực và tư cách pháp nhân làm thay mình nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là chủ đầu tư và họ chịu trách nhiệm về quá trình lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, có thể nói rằng chủ đầu tư có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Hiện nay nhóm khách hàng là chủ đầu tư của công ty phần lớn thuộc nhóm vốn nhà nước và tập trung chủ yếu ở thành phố Đà Nẵng, điều này rất thuận tiện cho công ty trong việc phối hợp thực hiện các công việc trong quá trình thực hiện dự án như công tác nghiệm thu khối lượng, tạm ứng, thanh toán, điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự toán. Đi đôi với những thuận lợi nói trên thì công ty cũng gặp không ít bất lợi vì đây là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật đấu thầu cũng như các văn bản khác về quản lý xây dựng nên trong quá trình thi công nếu phát sinh sự cố ngoài thiết kế thì phải tạm dừng rất lâu do phải qua xét duyệt của đầy đủ các cấp, các ngành theo quy định. Do đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công, từ đó làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của nhà thầu.

Qua quá trình tham gia đấu thầu và thắng thấu, tổ chức thi công. Đến nay, công ty xây dựng công trình 545 đã dần dần tạo dựng được vị thế và năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường đồng thời cũng đã xây dựng được uy tín và các mối quan hệ thuận

lợi với các chủ đầu tư. Đây có thể xem là thuận lợi lớn của công ty trong những lần đấu thầu trong thời gian đến.

2.3.2.3 Cơ quan tư vấn

Cơ quan tư vấn là đơn vị thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập dự toán đầu tư,.. nếu công tác tư vấn thực hiện đầy đủ, chính xác, chặt chẽ sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện tốt mọi công việc từ đấu thầu đến thi công, gián tiếp góp phần nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Ngược lại, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình, đặc biệt nếu tư vấn về giá không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, trong nhiều dự án các bên tham gia tư vấn vẫn chưa ý thức được vai trò và trọng trách của mình nên chất lượng của công tác tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc khảo sát thiết kế không chính xác dẫn đến giá dự toán không chính xác, khi thi công thì phát sinh khối lượng dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thi công vô hình chung làm giảm niềm tin của doanh nghiệp đối với chủ đầu tư, làm giảm uy tín năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Điển hình như công trình đường Trường Sa do khi khảo sát tiến hành không kỹ nên khi thiết kế nền đường bị đẩy lên quá cao dẫn đến đoạn cuối tuyến nối với đường Núi Thành chênh lệch đến hơn 1m không thể khớp nối được buộc phải tạm dừng thi công mất một thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của công ty. Hoặc công trình kè bảo vệ đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan khảo sát không kỹ địa chất, số lượng mũi khoan thăm dò quá ít nên chất lượng khảo sát không đạt yêu cầu nên trong quá trình thi công khi đến giai đoạn đóng cọc thì chỗ xuống không hết nửa cọc, chỗ thì lún xuống quá mức cho phép buộc đơn vị thi công phải mất nhiều công sức và thời gian xử lý.

Trước thực trạng trên, các nhà thầu để bảo đảm uy tín, thương hiệu của mình thì trong quá trình làm việc cần phải phân tích rõ vai trò và trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn đồng thời phải sẵn sàng và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xử lý các sự cố trong quá trình thi công. Một điều cũng cần lưu ý thêm là trước khi quyết định đấu thầu cũng cần phải kỹ thông tin về những đơn vị tư vấn cho dự án đó.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thị trường xây dựng gia tăng mạnh mẽ về quy mô cũng như số lượng các nhà thầu trong nước và các nhà thầu nước ngoài xâm nhập khi tiến hành mở cửa. Ban đầu các nhà thầu nước ngoài đến chủ yêu để nhận thầu các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài hoặc dự án viện trợ không hoàn lại, nhưng sau này các nhà thầu nước ngoài vào dự thầu và thắng thầu hàng loạt các gói thầu thuộc nguồn vốn ODA, WB, ADB và thậm chí các dự án vốn trong nước như sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nhà hát lớn Hà Nội,..Cho đến nay các nhà thầu nước ngoài đã thực hiện một khối lượng lớn về tư vấn và xây lắp công trình tại Việt Nam, chiếm thị phần rất lớn trong ngành xây dựng, trong đó phần lớn các dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài và dự án viện trợ không hoàn lại. Theo Bộ Kế hoạch đầu tư thì đến nay có 314 nhà thầu nước ngoài đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện 673 công trình tại Việt Nam, trong đó các nhà thầu Nhật Bản chiếm đông nhất với 69 nhà thầu. Còn số lượng nhà thầu thi công trong lĩnh vực giao thông ở Việt Nam hiện nay là hơn 400.

Tại thành phố Đà Nẵng, theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch - Đầu tư thì đến cuối năm 2005 có tổng cộng 138 công ty xây dựng thuộc tất cả các thành phần kinh tế đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua khảo sát thực tế thì thấy có khoảng 20 nhà thầu (trừ các nhà thầu cùng tổng công ty) có năng lực cạnh tranh tương đương trở lên với công ty 545 (chỉ tính những nhà thầu có khả năng thực hiện gói thầu có giá trị 10 tỷ đồng trở lên).

Trên thị trường xây dựng hiện nay sự cạnh tranh đang diễn ra gay gắt do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước được nâng lên rất nhiều sau quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà thầu nước ngoài từ khi Việt Nam tiến hành mở cửa và tham gia hội nhập. Việc xác định và nắm rõ thông tin về thị trường và đối thủ cạnh tranh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thắng thầu. Tuy nhiên hiện nay công tác nắm bắt thông tin về các đối thủ cạnh tranh của công ty còn sơ sài, yếu kém. Trong nhiều trường hợp vì chưa nắm rõ năng lực và số lượng đối thủ cạnh tranh khi tham gia đấu thầu, nhất là trong các gói thầu đấu rộng rãi nên công ty đã đánh mất ưu thế cạnh tranh của mình.

Từ số liệu về các nhà thầu đã nêu ở phần trên và đặc biệt là thị phần của công ty ta có thể thấy rõ vị trí hiện tại của doanh nghiệp là rất khiêm tốn. Cùng với việc

đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường và tham gia hội nhập với nền kinh tế thế giới. Hiện nay và trong tương lai, trên thị trường ngày càng xuất hiện rất nhiều nhà thầu, đặc biệt là những nhà thầu đến từ nước ngoài với năng lực tài chính mạnh mẽ. Khi tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm sau những lần đấu thầu thì nhận thấy một trong những nguyên nhân trong nhiều gói thầu công ty bị trượt thầu nguyên nhân một phần cũng là do chưa tìm hiểu kỹ thông tin các năng lực của đối thủ, nhất là trong các gói thầu đấu thầu theo hình thức rộng rãi.

Vì vậy, công ty cần phải tăng cường thu thập, tìm hiểu thông tin về các đối thủ cạnh tranh, nhất là các đối thủ trong lĩnh vực mà công ty còn yếu như dân dụng, thủy điện, cầu. Từ đó xây dựng được các chiến lược cạnh tranh để tuỳ theo thời điểm đưa ra thực thi cho phù hợp.

2.3.2.5 Các nhà cung cấp

Các chi phí trong xây dựng bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí máy thi công. Trong đó chi phí vật liệu chiếm tỷ trọng cao nhất. Vì vậy các nhà cung cấp có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp trong đấu thầu xây dựng.

Do đặc thù riêng biệt của sản phẩm xây dựng là làm việc trong một thời gian dài, giá trị của sản phẩm là rất lớn nên việc bị ứ đọng vốn trong sản phẩm dở dang là một tất yếu khách quan. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp nguyên liệu trong một thời gian dài với chất lượng, giá cả ổn định là điều rất khó khăn, nhất là trong tình hình hiện nay, giá cả các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, nhựa đường biến động liên tục do biến động chính trị từ Trung Đông. Hiện nay công ty đã thiết lập được quan hệ tốt với một số nhà cung cấp nguyên vật liệu chính như xi măng, sắt thép, đá, nhựa đường,.. tuy vậy công ty vẫn luôn bị động vì với nguồn hạn mức tín dụng hạn chế mà công ty phải chi phí cho rất nhiều việc nên mức bảo lãnh để mua trả chậm là có hạn, vì vậy khi chủ đầu tư chưa thanh toán kịp thời thì công ty gặp rất khó khăn.

Hiện nay, phần lớn các đối thủ cạnh tranh của công ty (những đối thủ có năng lực tương đương trở lên) đã chủ động phần nào trong việc cung cấp nguyên vật liệu bằng cách đầu tư mua các mỏ nguyên liệu như đá xây dựng, đất cấp phối, xí nghiệp sản xuất gạch,.. trong khi đó công ty vẫn chưa chủ động về nguồn nguyên liệu và vẫn phải đi mua ngoài. Đây cũng là một điểm yếu mà doanh nghiệp cần phải khắc phục sớm.

Kết luận chương 2

Bằng các phương pháp điều tra, thu thập dữ liệu sơ cấp và thứ cấp, phân tích, tổng hợp,... chương 2 của luận văn đã tập trung phân tích và đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc thực trạng về các nguồn lực, về kết quả đấu thầu và về năng lực cạnh tranh trong đấu thầu của Công ty Xây dựng công trình 545 trong thời gian vừa qua dựa trên các tiêu chí cụ thể của chương 1. Từ đó đưa ra những so sánh, đánh giá cụ thể các tiêu chí này với các nhà thầu cùng tham dự, rút ra nguyên nhân, kinh nghiệm trúng hoặc trượt thầu.

Chương 2 cũng tập trung phân tích đánh giá các mặt mạnh, mặt yếu, các cơ hội và thách thức đồng thời cũng xác định được các nguyên nhân chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu của công ty. Đây là những căn cứ quan trọng để xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu xây dựng của Công ty Xây dựng công trình 545 sẽ được trình bày ở chương 3.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG ĐẤU THẦU XÂY DỰNG CỦA CÔNG TY XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH 545 (Trang 31 - 37)