ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CỦA CÔNG TY.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CỦA CÔNG TY VILEXIM (Trang 29 - 35)

CỦA CÔNG TY.

Sự biến động tình hình kinh tế, chính trị, tài chính thế giới trong thời gian qua đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam nói chung và của công ty VILEXIM nói riêng. Vượt lên những khó khăn trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản của công ty VILEXIM đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động vẫn còn rất nhiều tồn tại mà công ty cần giải quyết.

1. Thành tựu.

Chủng loại hàng xuất khẩu ngày càng phong phú và đa dạng, số lượng xuất khẩu của từng mặt hàng ngày càng tăng. Công tác thu mua tạo nguồn hàng xuất khẩu và xúc tiến tiêu thụ hàng nhập khẩu đang từng bước được hoàn thiện để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Chất lượng hàng của công ty đang ngày một nâng cao. Từ chỗ hàng của công ty chưa xâm nhập được vào các thị trường khó tính như thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Châu Mỹ đến nay hàng xuất khẩu của công ty đã có mặt tại các thị trường này.

Thị trường tiêu thụ hàng của công ty cũng được mở rộng đáng kể theo hướng đa dạng hơn. Nếu như những năm mới tham gia xuất khẩu, thị trường của công ty chỉ bó hẹp ở Châu á (thị trường tương đồng về thói quen, sở thích tiêu dùng và yêu cầu về chất lượng không cao) thì đến nay hàng xuất khẩu của công ty đã có mặt trên khoảng 23 nước ở hầu khắp các Châu lục.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của công ty tăng lên qua các năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều cá nhân ở trong và ngoài công ty.

2. Tồn tại và nguyên nhân.

Trong thời gian qua, hàng nông sản xuất khẩu của công ty chủ yếu là ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế nên chất lượng chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu chung của các thị trường khó tính và nhiều tiềm năng như thị trường Châu Âu, Nhật Bản . Có rất nhiều nguyên nhân làm cho chất lượng hàng xuất khẩu của công ty chưa cao:

 Trước hết xuất phát từ hoạt động sản xuất hàng nông sản trong nước. Công ty VILEXIM có chức năng kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản song công ty không trực tiếp sản xuất hàng để xuất khẩu. Do vậy chất lượng hàng xuất khẩu của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động sản xuất hàng nông sản trong nước. Tuy nhiên trong thời gian qua hoạt động sản xuất nông sản trong nước chưa thực sự nhận được sự đầu tư, quan tâm chỉ đạo sắt sao của nhà nước. Hoạt động sản xuất nông sản hầu như mang tính tự phát, tự giác. Nông dân thích gieo trồng loại cây nào, giống nào, thời vụ gieo trồng, kỹ thuật gieo trồng như thế nào là tùy. Do vậy có hiện tượng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và các thuốc kích thích tăng trưởng được sử dụng một cách bừa bãi; nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều hộ nông dân chạy theo năng suất, số lượng, chưa chú ý đến chất lượng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng hàng nông sản của Việt Nam nói chung và của công ty nói riêng chưa cao. VD: Do chưa có sự chỉ đạo của nhà nước nên việc mở rộng quá mức diện tích lúa vụ 3 ở Đồng Bằng Sông Cửu Long hay việc sử dụng các giống lúa lai cho năng suất cao nhưng chất lượng lại thấp của nông dân các tỉnh phía Bắc.

 Ngoài ra, công tác chế biến, bảo quản hàng sau khi mua cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng xuất khẩu của công ty. Trong thời gian qua công ty chưa đầu tư thích đáng vào công tác chế biến hàng xuất khẩu. Hàng xuất khẩu của công ty chủ yếu là ở dạng thô hoặc mới chỉ qua sơ chế nên hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới. Chẳng hạn:

+ Đối với mặt hàng cà phê: Thế giới chuyển sang dùng cà phê hòa tan, bánh kẹo bằng cà phê, cà phê chè được tiêu thụ chủ yếu thì cà phê xuất khẩu của công ty chủ yếu là cà phê thô hoặc mới chỉ qua sơ chế.

+ Đối với mặt hàng chè: 80% tổng lượng tiêu thụ chè của thế giới là chè túi, chè hộp, thì chè xuất khẩu của công ty chủ yếu là chè đen và chè xanh. Thông thường một kho chứa hàng nông sản phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định như phải vệ sinh, có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp với đặc tính của từng mặt hàng nhằm hạn chế sự biến dạng, biến chất, nấm mốc. Tuy nhiên kho chưa hàng của công ty mới chỉ đơn thuần là nơi chứa hàng chứ

chưa đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật. Do vậy đã gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng xuất khẩu của công ty và nhiều khi còn gây thiệt hại cho công ty. VD: Mùa lạc năm 19996-1997 do công ty bảo quản không tốt tại kho Đan Phượng - Hà Tây nên toàn bộ số lạc 50 tấn của công ty đã bị mốc hỏng, tới hạn giao hàng công ty đã không giao đủ số hàng nên đã phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Chiến lược kinh doanh của công ty chưa rõ ràng.

Nếu có một chiến lược kinh doanh rõ ràng, công ty sẽ biết được đâu là thị trường trọng điểm và đâu là mặt hàng chủ lực, cách thức thâm nhập vào thị trường trọng điểm như thế nào trong những năm tiếp theo. Khi ấy công ty sẽ có một sự chuẩn bị chu đáo cho các công việc có liên quan sau này. Chẳng hạn: Khi biết được mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong những năm tiếp theo công ty sẽ có thu mua dự trữ hoặc tạo nguồn cung cấp ổn định thông qua việc thiết lập mối quan hệ tốt với người sản xuất. Đồng thời công ty sẽ tập trung nguồn lực vào công tác bảo quản và chế biến nhằm nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu. Hoặc khi xác định được thị trường chủ lực, công ty sẽ có các chính sách Marketing thích hợp để thúc đẩy xuất khẩu như: mở các văn phòng đại diện ở nước ngoài để giới thiệu sản phẩm của công ty và tìm kiếm khách hàng, thu thập thông tin, chuẩn bị để tham gia các cuộc hội chợ triển lãm được tổ chức trong hoặc ngoài nước...

Tuy nhiên một thực tế đang tồn tại ở công ty hiện nay đó là chiến lược kinh doanh của công ty còn rất chung chung. Chính vì vậy mà hoạt động xúc tiến thương mại của công ty rất yếu, công ty không tập trung nguồn lực của mình vào bất cứ mặt hàng nào, hoạt động kinh doanh của công ty dàn trải trên tất cả các mặt hàng với cơ cấu mặt hàng thay đổi một cách liên tục. Do đó công ty không thực sự mạnh ở bất cứ một mặt hàng nào. Nguyên nhân là do:

 Công ty thiếu thông tin về sự biến động tình hình cung, cầu, gía cả... trên thị trường.

 Ngoài ra sự việc này còn bị gây ra bởi yếu tố nhân lực trong công ty. Hiện tại nếu phân theo độ tuổi thì trong công ty có 24% người ở độ tuổi từ 18 - 25, 64% người ở độ tuổi từ 36 - 50 và 12% người ở độ tuổi trên 50. Nếu phân theo trình độ văn hóa thì hiện tại trong công ty có 7% số người tốt

nghiệp phổ thông trung học, 38% tốt nghiệp cao đẳng, 48,7% tốt nghiệp đại học và có 6,7% số người tốt nghiệp trên đại học. Như vậy ta có thể thấy hiện tại vẫn còn một số lượng khá lớn số người trong công ty có trình độ dưới đại học. Đây là một khó khăn lớn cho quá trình hoạt động của công ty. Thêm vào đó hiện tại có tới 76% số người trong công ty có độ tuổi trên 35. Đây là độ tuổi mà ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của cơ chế tập trung quan liêu. Bởi vậy nên mặc dù đã cố gắng rất nhiều song trình độ chuyên môn chọ vẫn còn hạn chế, họ vẫn quen với lề lói làm việc quan liêu và thụ động.

Qua phân tích tình hình của công ty ta thấy việc đề ra một chiến lược kinh doanh rõ ràng là thực sự cần thiết đối với công ty trong thời gian tới. Một chiến lược kinh doanh rõ ràng phải nêu rõ mục tiêu và công việc công ty cần phải làm để thực hiện mục tiêu đó. Tuy nhiên trước mắt công ty cần phải chỉ ra được đâu là mặt hàng chủ lực và đâu là thị trường trọng điểm và cách thức thâm nhập được vào thị trường đó trong tương lai.

Công tác thu thập thông tin, nghiên cứu và tìm kiếm thị trường của công ty hoạt động thực sự chưa hiệu quả.

Thông tin là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp. Cũng như các doanh nghiệp nhà nước, một vấn đề bức xúc của công ty VILEXIM hiện nay là công ty rất thiếu thông tin về thị trường. Do thiếu thông tin nên công ty không phản ứng nhanh nhạy với sự biến động của thị trường và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đồng thời do thiếu thông tin nên công ty không chớp được thời cơ kinh doanh. Khi gía thị trường lên cao thì công ty lại không có hàng để xuất. Ngược lại khi giá thị trường xuống thấp thì hàng lại dư thừa, công ty phải xuất khẩu với giá thấp.

Hiện tại, công tác thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường của công ty còn mang nặng tính hình thức, công ty chưa có một bộ phận chuyên trách đảm nhận nhiệm vụ thu thập thị trường, nghiên cứu thị trường. Công tác này được thực hiện bởi từng cá nhân trong công ty nên rất yếu ớt và lẻ tẻ. Thông tin thu thập được thường có độ trễ và độ chính xác không cao.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do công ty chưa có được sự hỗ trợ thích đáng từ phía nhà nước. Ngoài ra do nguồn vốn hoạt động hạn hẹp nên công ty chưa có sự đầu tư tích đáng vào công tác này.

Công tác thu mua tạo nguồn hàng xuất khẩu của công ty cũng còn nhiều bất cập.

 Do chưa có hệ thống nghiên cứu thị trường (cả thị trường trong và ngoài nước) nên công ty không thể dự báo trước được khả năng cung ứng, sự biến động cầu về hàng hóa tại thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, công tác thu mua tạo nguồn hàng xuất khẩu của công ty thường rất bị động. Công ty thu mua hàng chủ yếu dựa vào các đơn đặt hàng của nước ngoài chứ ít có sự chuẩn bị dự trữ sẵn hàng để đáp ứng cho những đơn đặt hàng vào những lúc trái vụ nên nhiều khi công ty đà bỏ lỡ cơ hội ký kết hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt là với kiểu kinh doanh chắc bán, chắc mua như hiện nay công ty dễ bị nhà cung ứng cấu kết ép giá mỗi khi công ty cần lô hàng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

 Công ty mới chỉ thực hiện được các hoạt động thu mua đơn thuần mà chưa thiết lập được mạng lưới thu mua rộng khắp tại các cơ sở. Công ty chưa có hệ thống chân hàng ổn định và có thể cung cấp hàng hóa có chất lượng cao. Một trong những nguyên nhân làm nguồn cung cấp hàng của công ty chưa ổn định là sự thay đổi trong cơ chế chính sách của nhà nước . Cơ chế phân bổ hạn ngạch trước đây của nhà nước cũng đã từng tạo ra tâm lý bất ổn định , không muốn đầu tư lâu dài cho sản xuất.

 Công tác kiểm tra chất lượng khi thu mua chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, công cụ kiểm tra rất thô sơ, chủ yếu dựa vào trực quan của cán bộ thu mua. Chẳng hạn: Đối với mặt hàng lạc xuất khẩu. Mặt hàng này thường được kiểm tra dựa vào sự quan sát màu sắc của lụa lạc và độ bong của nó. Hoặc có chăng thì nó được kiểm tra bằng một cái máy đo nhỏ, chỉ kiểm tra được với một khối lượng nhỏ. Như vậy có thể thấy với cách kiểm tra này công ty chỉ kiểm tra được với một khối lượng nhỏ và độ chính xác của cách kiểm tra này sẽ không cao.

 Quá trình vận chuyển hàng xuất khẩu khi đi giao hàng của công ty chưa được giám sát theo một quy trình chặt chẽ. Công ty chỉ kiểm tra chất lượng khi mua hàng chứ chưa kiểm tra, giám sát khi bốc hàng lên phương

tiện vận chuyển ra cảng nên xảy ra hiện tượng hàng xuất khẩu khi còn ở trong kho thì có chất lượng tốt nhưng khi ra đến cảng giao hàng thì lại bị dập nhiều và có chất lượng không đảm bảo.

Các nguyên nhân làm cho công tác thu mua của công ty chưa được thực hiện tốt đó là:

 Vốn hạn hẹp nên công ty chưa thiết lập được mang lưới thu mua rộng khắp tại các cơ sở, không tổ chức liên doanh liên kết được với các cơ sở sản xuất và không có sự trợ giúp cho các hộ gia đình sản xuất nên công ty không tạo được chân hàng ổn định. Đặc biệt do thiếu vốn nên công ty không thể đầu tư mua sắm trang thiết bị và xây dựng kho bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

 Cơ chế thưởng phạt cán bộ thu mua chưa phát huy hết tác dụng. Nó chưa khuyến khích người thu mua cống hiến công sức một cách tối đa.

 Ngoài ra cơ chế chính sách của nhà nước thường xuyên thay đổi trong thời gian qua cũng là nguyên nhân làm cho công tác thu mua của công ty chưa thực hiện tốt. Chẳng hạn sự thay đổi trong cơ chế phân bổ hạn ngạch của nhà nước gây tâm lý không ổn định cho công ty, công ty không yên tâm đầu tư lâu dài cho sản xuất.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CỦA CÔNG TY VILEXIM (Trang 29 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(35 trang)
w