NHỮNG TIẾNG ĐỒNG NGHĨA

Một phần của tài liệu 7 bước đên thành công (Trang 54)

CHƯƠNG II I ĐẮC NHÂN TÂM[18]

NHỮNG TIẾNG ĐỒNG NGHĨA

Nhiều người bảo tiếng Việt nghèo. Về vài phương diện, lời đó đúng, như: những danh từ khoa học ta hoàn toàn phải mượn của nước ngoài và cũng mới mượn được chút ít thôi. Những tiếng trừu tượng của ta cũng ít, phải mượn của Trung Quốc. Nhưng nhiều khi tiếng của ta cũng rất phong phú. Chắc bạn đã nghe nhiều người cử ra thí dụ sau này. Tiếng Pháp chỉ có một tiếng “Porter” mà tiếng Việt thì có cả chục tiếng như: mang, ẵm, bế, bồng, bưng, cầm, cắp, cáng, cõng, chở, đem, đội, đeo, đèo, gánh, gồng, kèm, khênh, khiêng, khuân, mặc, ôm, quảy, tải, vác, võng, xe, xách, thồ…

Tiếng Pháp chỉ có mỗi một tiếng “Noir” mà tiếng Việt có: đen, mun, mực, ô, hắc.

Tiếng “bọn” cũng vậy, có cả chục tiếng đồng nghĩa như: bầy, bè, đám, đàn,

đảng, đoàn, hội, lũ, nhóm, phe, phường, toán, tốp, tụi, vạn…

Bạn có phân biệt được những tiểu dị trong các tiếng đó không? Không! Vậy tôi xin giới thiệu với bạn cuốn Việt ngữ tinh nghĩa tự điển của ông Long Điền Nguyễn Văn Minh, một cuốn sách viết công phu.

Và bạn cũng nên mỗi khi gặp mỗi tiếng lạ trong những sách có giá trị - nhất là trong những cuốn truyện Thuý Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Hoa tiên, Bích Câu kỳ ngộ, Đại Nam quốc ngữ diễn ca – chép ngay cả câu có tiếng đó để hiểu rõ cách dùng nó.

DÙNG TIẾNG

Một tiếng mà bạn hiểu nghĩa chưa hẳn là một tiếng mà bạn biết dùng. Ông Mark Twain, một văn hào Anh, cho rằng khi nào bạn đã dùng một tiếng ba lần rồi thì tiếng đó mới thật là của bạn.

Trên kia tôi đã nói mỗi tiếng có một đẳng cấp, giá trị riêng. Nhưng khi dùng thì không có tiếng nào quí hơn tiếng nào hết. Một tiếng thông thường mà khéo dùng còn hay hơn một tiếng văn chương mà vụng dùng.

Như trong câu:

“Lơ thơ tơ liễu buông mành”

Tiếng nào cũng là những tiếng thông thường hết mà thi sĩ khéo ghép nhau lại, làm nổi bật một cảnh êm dịu, đẹp đẽ, nên thơ làm sao!

Vậy có khi ta phải dùng những tiếng cổ, có khi phải dùng những tiếng mới, có khi lời văn hoa mỹ, có khi lại nên bình dị. Cần nhất lúc nào cũng phải rõ ràng, nếu có thể dùng tiếng Việt hay Việt hoá thay những tiếng Hán-Việt thì càng hay. Nhưng ta cũng nên nhớ rằng tiếng Việt chưa thể rời cái gốc Hán tự được, cho nên phải dùng tiếng Hán-Việt, dù là tiếng mới đi nữa thì cũng cứ dùng. Bây giờ là mới, dùng lâu nó sẽ quen tai, sẽ hoá cũ. Cách đó là một trong những cách làm giàu Việt ngữ.

Sau cùng, tôi tưởng không cần phải nhắc rằng đừng chêm tiếng Pháp hoặc tiếng Anh vào trong câu chuyện bằng tiếng Việt, nhất là những tiếng “vous, toi, lui, miss, madame” nghe lố lăng lắm.

Khi nghe một người chưa quen biết kêu tôi bằng “vous” trong câu chuyện bằng tiếng Việt, thì tôi có cảm tưởng rằng người đó thiếu giáo dục. Mong rằng cảm tưởng của tôi sai.

Một phần của tài liệu 7 bước đên thành công (Trang 54)