Quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tạo ra những cơ hội lớn và những thách thức cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Cùng với việc thực thi chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài ngày càng được tự do hơn về phạm vi và quy mô hoạt động ở Việt Nam. Tính đa dạng về sản phẩm dịch vụ, công nghệ và kinh nghiệm ứng dụng dịch vụ ngân hàng của họ tạo động lực thúc đẩy công cuộc cải cách tái cơ cấu hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng quan tâm nhiều hơn đến dịch vụ ngân hàng.
Nhìn trên bình diện toàn bộ nền kinh tế, tiềm năng của dịch vụ ngân hàng còn rất lớn với một số biểu hiện như sau:
- Giao dịch của quảng đại dân cư với các ngân hàng mới bó hẹp trong phạm vi gửi tiền tiết kiệm, các dịch vụ khác chỉ phát triển ở một bộ phận khách hàng nhỏ.
- Mặc dù sự phát triển thương mại ở Việt Nam đã và đang có những thay đổi khá mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ nhưng chi tiêu cho nền kinh tế vẫn dựa trên phương thức thanh toán tiền mặt là chủ yếu. Việc thanh toán qua ngân hàng tuy đã được đưa vào từ rất sớm nhưng hiện chưa thu hút được bộ phận lớn dân cư.
- Các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt mới đang ở giai đoạn đầu được triển khai bởi các ngân hàng thương mại lớn. Các ngân hàng khác vẫn còn nhiều khả năng mở rộng hoạt động của mình.
- Nền kinh tế đang khởi sắc, dân số đông (trên 80 triệu dân) với thu nhập của người dân ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận dân cư có thu nhập rất lớn. Đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các ngân hàng triển khai dịch vụ.
Dựa trên những đặc điểm như vậy, dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam được đánh giá là sẽ bùng phát trong thời gian tới và nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra những chiến lược rõ ràng đối với mỗi dịch vụ riêng biệt. Hiện nay, các dịch vụ trên thị trường đang được mở rộng nhanh chóng hướng tới những cuộc chạy đua phi giá giữa các ngân hàng.
Nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần là bộ phận nhanh nhạy nhất đối với xu hướng phát triển mảng dịch vụ, có thể nhắc tới ACB, Techcombank, Sacombank, VPbank, EIB, Đông Á... Những ngân hàng này đang củng cố hoạt động và chiếm lĩnh thị trường ngân hàng bằng những sản phẩm cụ thể như cho vay du học, cho vay mua nhà, phát hành thẻ Master Card, . . .
Về phía các ngân hàng thương mại nhà nước, quá trình cơ cấu lại tình hình tài chính đang diễn ra cùng với quá trình hiện đại hóa hệ thống trong đó chú trọng đến mở rộng mạng lưới hoạt động. Trong thời gian tới, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ thành công trong toàn hệ thống, các ngân hàng này sẽ có ưu thế hơn những ngân hàng thương mại cổ phần về nguồn vốn, thương hiệu, công nghệ, mối quan hệ khách hàng, ... Trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước thì Ngân hàng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Việt Nam là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng và cũng là ngân hàng đi đầu trong việc phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Kết luận chương 1
Chương 1, luận văn nghiên cứu mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng của ngân hàng thương mại: từ khái niệm, nội dung, tính chất và các nhân tố tác động đến mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng theo một hệ thống lý luận, trên cơ sở đó các nhà ngân hàng hoạch định ra chiến lược kinh doanh dịch vụ
ngân hàng nhằm tìm kiếm lợi nhuận và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Từ đặc điểm hoạt động cơ bản của ngân hàng thương mại hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, nên trong điều kiện ngày nay cần phải mở rộng và phát triển dịch vụ là một nhu cầu bức xúc. Việc mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng trở thành mục tiêu thiết yếu trong kinh doanh ngân hàng.