Qua quá trình tìm hiểu công tác thẩm định tại Sở giao dịch NH NNo&PTNT VN, người viết có một số nhận định đánh giá sau:
*Cán bộ thẩm định có rất ít cơ hội tìm kiếm thông tin để kiểm chứng do đó dễ dẫn đến sai lầm trong tính toán khi lập báo cáo thẩm định do số liệu gốc đã bị sai lệch. Ngoài ra, khi cán bộ thẩm định của Ngân hàng đến kiểm tra thực trạng, tìm hiểu số liệu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp gây khó dễ đối với Ngân hàng làm ảnh hưởng đến kết quả thu thập thông tin.
* Hiện nay, các doanh nghiệp khi đưa ra một dự án thường thuê một trung gian lập báo cáo để gửi lên Ngân hàng. Các trung gian này thường tập trung nhiều cán bộ giỏi do đó các bản báo cáo về dự án thường đạt độ hoàn hảo nên rất khó phát hiện sai sót đối với các cán bộ thẩm định. Trước tình hình đó, đòi hỏi cán bộ thẩm định phải hết sức nhạy bén, thu thập và xử lý thông tin thật chính xác để có thể lập báo cáo thẩm định hiệu quả.
* Còn về phía Ngân hàng thì cán bộ thẩm định có trình độ, năng lực quản lý kinh doanh còn hạn chế, việc phân tích dự án không chính xác, dẫn đến tình trạng xử lý thông tin kém hiệu quả gây lãng phí thông tin, không đem lại lợi ích trong quá trình thẩm định.
* Khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp không theo kịp với phương thức sản xuất kinh doanh mới dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không có khả năng cạnh tranh, dự án đầu tư không hiệu quả. Trong khi đó, một số cán bộ tín dụng lại có tâm lý chủ quan trong cho vay, đôi khi lại cho rằng đó là khách hàng quen nên không cần giám sát chặt chẽ, giải quyết cho vay chỉ dựa trên các thông tin do doanh nghiệp cung cấp qua trình bày thay cho số liệu tài chính đáng tin cậy mà không xét đến hiệu quả kinh tế của dự án. Đôi khi các thông tin, số liệu trong dự án gửi đến Ngân hàng chưa được xem xét đến độ chính xác và tin cậy mà đã được cán bộ thẩm định thụ động lắp số liệu vào công thức để tính toán. Vì vậy, việc tính toán các chỉ tiêu đôi khi chỉ là hình thức. Trong rất nhiều trường hợp các chỉ tiêu đã bị bỏ qua. Như vậy, các chỉ tiêu được gọi là quan trọng nhất trong việc đánh giá hiệu quả dự án đầu tư không được sử dụng, vấn đề giá trị thời gian của tiền không được coi trọng đúng mức.
* Việc lựa chọn lãi suất chiết khấu cũng không thống nhất. Về chi phí hàng năm của dự án thì có những chi phí chưa chính xác.
* Trong việc tính toán doanh thu từ dự án thì việc tính mức công suất huy động, mức giá thành còn dựa quá nhiều vào nhận định chủ quan của các cán bộ thẩm định. Ngân hàng chưa có kế hoạch xây dựng, áp dụng những phương pháp định lượng chính xác cao hơn những chỉ tiêu. Trong khi đó việc phân tích thị trường còn chưa đầy đủ, nhiều dự án chỉ phân tích cung cầu thị trường trong khu
vực hẹp mà chưa quan tâm tới thị trường quốc gia, những tiến bộ khoa học kỹ thuật và sự cạnh tranh từ nước ngoài…
* Trong việc phân tích tài chính dự án đầu tư hàng năm, Ngân hàng cũng dường như chưa quan tâm tới dòng tiền thực sự của dự án. Các con số doanh thu, chi phí mới chỉ là những số dự tính trên chứng từ kế toán mà chưa hẳn đã giống với dòng tiền thực tế do ảnh hưởng của các khoản phải thu, phải trả, tồn kho, sản phẩm dở dang.
* Trong việc quản lý rủi ro thì hiệu quả tài chính có khả năng trả nợ các dự án chủ vẫn còn được đánh giá trong trạng thái tĩnh. Ngân hàng không chú trọng tới các biến động của các yếu tố có liên quan, sự thay đổi của môi trường có thể gây ra tác động xấu tới dự án.
* Hoạt động thẩm định là một hoạt động hết sức đa dạng và phức tạp. Các dự án ngày càng lớn hơn cả về quy mô lẫn trình độ kỹ thuật. Điều này đòi hỏi cán bộ thẩm định ngoài trình độ nghiệp vụ thẩm định còn cần phải có linh hoạt trong mọi khía cạnh có liên quan. Một cán bộ thẩm định phải tập hợp trong mình một khối lượng kiến thức hết sức đa dạng và phong phú vì họ phải đứng trước các dự án khác nhau. Trong khi đó, ở nước ta, việc đào tạo chuyên sâu vào nghiệp vụ thẩm định không được hiệu qủa. Do đó, dẫn đến tình trạng chuyên môn không cao làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định của dự án. Mặc dù NH NNo&PTNT VN đã hình thành một số cán bộ thẩm định có trình độ cao, kinh nghiệm nhưng do đội ngũ này vẫn làm việc trong điều kiện, phương thức làm việc “cũ” chưa đáp ứng đủ yêu cầu ngày càng cao về tính phức tạp của dự án do vậy ảnh hưởng tới chất lượng thẩm định dự án đầu tư.
* Việc ban hành các cơ chế, chính sách chồng chéo, chưa rõ ràng, thậm chí thay đổi liên tục, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác thẩm định tài chính của Ngân hàng. Không có chuẩn mực để thực hiện một cách thống nhất, mất thời gian cho việc điều chỉnh cũng như rủi ro phát sinh do những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách. Mặt khác, hoạt động thẩm định của cơ quan chức năng còn hạn chế mà nguyên nhân không chỉ thuộc về năng lực thẩm định mà còn ở tính hiệu lực của pháp luật không cao.
* Nhà nước cũng chưa có một cơ quan chuyên trách trong việc thu thập, cung cấp thông tin trong nền kinh tế do đó vai trò hỗ trợ cung cấp thông tin cho Ngân hàng trong công tác thẩm định dự án đầu tư là hạn chế bởi thông tin từ các bộ ngành liên quan không đầy đủ, việc xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật cũng như chỉ tiêu hiệu quả chung, riêng cho từng ngành để làm chỉ tiêu tham chiếu, so sánh khi thẩm định dự án đầu tư.
Vai trò cung cấp thông tin về uy tín, khả năng tài chính của khách hàng cũng như những thông tin vĩ mô về nền kinh tế còn hạn chế, việc trao đổi thông tin giữa các Ngân hàng chưa hiệu quả.