Là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, cũng như bao doanh nghiệp khác, hoạt động của ngân hàng phải chịu tác động các quy luật kinh tế thị trường: quy luật cung cầu, giá cả, cạnh tranh, vì trong nền kinh tế thị trường sự cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng mà còn với các tổ chức tín dụng khác, ngân hàng không thể ngồi chờ khách hàng đến gửi tiền mà phải luôn luôn có những phương hướng, giải pháp tiếp cận khách hàng, thu hút khách hàng, tăng quy mô nguồn vốn, tăng hiệu quả huy động vốn. Một số nguyên nhân khách quan có tác động tới công tác huy động vốn của ngân hàng Tây Hồ.
Do sự tác động của môi trường kinh tế: Như ta đã biết sự tăng trưởng và phát triển của ngân hàng luôn gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế, nền kinh tế ở vào thời kỳ tăng trưởng thì sản xuất được đẩy mạnh tạo điều kiện cho hoạt động tích luỹ, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút vốn của ngân hàng, mặt khác, nó tạo ra môi trường đầu tư cho ngân hàng, tăng thu nhập và tạo tiền đề cho việc mở rộng vốn tự có của ngân hàng và ngược lại. Nằm trên địa bàn quận mới thành lập, hoạt động sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, hoạt động dịch vụ chưa phát triển mạnh, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm, sản xuất công nghiệp hầu như không có do vậy, nguồn vốn huy động của ngân hàng Tây Hồ chủ yếu là vốn ngắn hạn phục vụ cho sản xuất trong ngắn hạn, nền kinh tế trên địa bàn chưa thật sự phát triển, thu nhập của người dân chưa cao, quá trình tích luỹ còn nhỏ hẹp, công tác huy động vốn của ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn và nguồn vốn huy động của ngân hàng chưa có tính ổn định cao.
Do các chính sách của nhà nước tác động: Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế của nhà nước trên địa bàn quận Tây Hồ chưa thật sự phát triển mạnh, các dự án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phát huy hiệu quả, do vậy, hoạt động tín dụng của ngân hàng chưa đạt hiệu quả cao, ảnh hưởng đến công tác huy động vốn của ngân hàng.
Do tác động của môi trường pháp lý: Các chế định pháp luật liên quan đến hoạt động của ngân hàng còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, các thủ tục còn rườm rà, điểm hình là việc quản lý của nhà nước về đất đai. Hoạt động của ngân hàng NN&PTNT Tây Hồ cũng như nhiều ngân hàng khác đóng trên địa bàn chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, khi người dân hay TCKT vay tiền ngân hàng thường đem giấy tờ đất thế chấp nhưng việc quản lý đất đai, chứng nhận quyền sở hữu của người dân (cấp sổ đỏ) của chính quyền địa phương quá rườm rà, nhiều thủ tục ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng của ngân hàng, tác động đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng.
Do tâm lý, thói quen tích luỹ và tiêu dùng của người dân: Thói quen tiêu dùng, tích luỹ của người dân cũng ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng Tây Hồ. Nằm trên địa bàn mà đại bộ phận người dân có thói quen tiêu dùng, thanh toán bằng tiền mặt và tích trữ tiền mặt hoặc vàng tại nhà, hoạt động của ngân hàng chưa thật sự gắn chặt với đời sống người dân, hơn nữa, hoạt động sản xuất chính trên địa bàn là nông nghiệp, thu nhập của người dân chưa cao, nhu cầu thanh toán qua ngân hàng thấp, gây khó khăn cho công tác huy động vốn của ngân hàng. Ngoài ra, để có thể huy động vốn của các tầng lớp dân cư trên địa bàn quận, ngân hàng phải áp dụng một mức lãi suất tương đối cao (thường huy động thông qua phát hành kỳ phiếu), điều này làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và làm hạn chế khả năng huy động vốn của ngân hàng.