Đánh giá tổng quát

Một phần của tài liệu Tiếp cận hệ thống trong phân tích tăng trưởng các ngành kinh tế tỉnh Bình Định (Trang 113)

Bình Định là một tỉnh Nam Trung bộ, có một số lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế như : có bờ biển dài; có điều kiện giao thông tương đối thuận lợi là cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, vị trí của tỉnh xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt hay gặp bão lụt gây trở ngại để phát triển kinh tế . Trong những năm qua, Bình Định đã khắc phục các khó khăn, phát huy các lợi thế duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên Bình Định còn bộc lộ những yếu kém làm cho tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Dưới đây là những thành tựu, nguyên nhân và những yếu kém mà Bình Định cần phát huy và khắc phục.

2.5.1. Thành tựu và nguyên nhân

Trong giai đoạn 1990-2005, thực hiện các Nghị quyết Đảng bộ tỉnh (XIV, XV, XVI) về phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế Bình Định đã có bước phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trên mức bình quân của cả nước, nền kinh tế đã đi dần vào thế ổn định, nhiều lĩnh vực có chuyển biến

tích cực, cơ cấu kinh tế thay đổi một cách đáng kể, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đời sống của đại đa số nhân dân ổn định và dần được cải thiện.

Đạt được những thành tựu trên là do các nguyên nhân sau đây:

- Thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nền kinh tế nhỏ nhiều thành phần, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Năng lực của đội ngũ cán bộ, chất lượng của lực lượng lao động đã được nâng lên một bước đáng kể đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

2.5.2. Khuyết điểm và yếu kém

Mặc dù tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nhìn chung chưa tương xứng với nguồn lực, tiềm năng của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các thời kỳ tuy tăng khá nhưng chưa thật ổn định và bền vững. Cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chuyển dịch còn chậm. Quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thu ngân sách hàng năm tuy tăng khá, nhưng tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách còn thấp, bội chi ngân sách lớn, thường xuyên dựa vào sự hỗ trợ ngân sách của trung ương. Tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế nhỏ bé, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài còn chiếm tỷ trọng quá nhỏ, chưa có những dự án lớn đủ sức cho nền kinh tế phát triển mạnh.

Công nghiệp qui mô nhỏ, thiết bị công nghệ nhìn chung còn lạc hậu, chưa có những cơ sở công nghiệp lớn tạo đòn bẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Chất lượng giống cây trồng và vật nuôi chưa đáp ứng được cho nền nông nghiệp hàng hoá. Năng suất và hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác còn thấp. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Cơ sở hạ tầng,

nhất là thuỷ lợi, giao thông còn gặp nhiều khó khăn.

Cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm, lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành khác còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đặc biệt thiếu đội ngũ cán bộ vừa có trình độ chuyên môn giỏi, trình độ quản lý tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.

Tỉnh Bình Định là một tỉnh nằm trong khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong nhiều năm qua kinh tế phát triển với tốc độ tương đối khá. Tuy nhiên chất lượng tăng trưởng còn thấp, thể hiện qua năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư thấp (hệ số ICOR cao), vai trò của vốn trong tăng trưởng quá cao trong khi yếu tố lao động và TFP còn đóng vai trò hết sức khiêm tốn.

Khả năng cạnh tranh của các của các doanh nghiệp rất thấp so với cả nước (tỷ suất lợi nhuận trên vốn thấp).

Giai đoạn 1990-2005, ngành dịch vụ là ngành đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng Bình Định. Để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, Bình Định cần đầu tư thích đáng cho ngành dịch vụ phát triển.

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế của Bình Định, chính vì vậy Bình Định cần tiếp tục tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển, đây chính là động lực của tăng trưởng kinh tế Bình Định.

CHƯƠNG 3

MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Chương 1 đã trình bày các mô hình lý thuyết về tăng trưởng. Trong phần này luận án chỉ trình bày một số kết quả áp dụng các mô hình cho kinh tế địa phương và được sử dụng cho phân tích và dự báo tăng trưởng cho tỉnh Bình Định.

Một phần của tài liệu Tiếp cận hệ thống trong phân tích tăng trưởng các ngành kinh tế tỉnh Bình Định (Trang 113)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w