Trong kinh doanh, con người là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp bởi chính con người mới có thể kết hợp các yếu tố vốn, tài sản, kỹ thuật, công nghệ… trong quá trình sản xuất kinh doanh để tạo ra kết quả cuối cùng cho doanh nghiệp. Người cán bộ, công nhân kỹ thuật phải có trình độ khoa học kỹ thuật, nắm chắc chuyên môn, nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, dù có vốn lớn, máy móc thiết bị hiện đại mà người lao động không có trình độ, tay nghề thì sẽ không phát huy được tác dụng của máy móc, công nghệ. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả cao. Ngược lại, người công nhân có trình độ kỹ thuật, nắm chắc chuyên môn, không những khai thác được tối đa tác dụng của máy móc, công nghệ, mà còn có thể đưa ra những sáng kiến nhằm đổi mới quá trình làm việc giúp cho hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được nâng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, người lãnh đạo cũng giữ vai trò hàng đầu trong một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng. Một nhà lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn chiến lược, đề ra những định hướng đúng đắn cho doanh nghiệp phát triển; có những mối quan hệ tốt trong và ngoài phạm vi doanh nghiệp cũng như phạm vi quốc gia; tạo ra cho nhân viên môi trường làm việc cởi mở, chuyên nghiệp; và biết phát huy khả năng của nhân viên là một trong những yếu tố quyết định tới chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, qua đó trực tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
1.4.2.2.Nhân tố công nghệ
Trình độ tiên tiến của hệ thống máy móc, nhà xưởng, thiết bị, dây chuyền sản xuất trong doanh nghiệp tác động trực tiếp đến năng suất chất lượng sản phẩm cũng như các chỉ tiêu về giá thành, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc giảm giá thành và chi phí sản xuất để tối đa hoá lợi nhuận là mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh quốc tế.
Một doanh nghiệp được đầu tư đúng đắn về nhà xưởng, máy móc với công nghệ và dây chuyền tiên tiến chắc chắn sẽ thu được những sản phẩm đạt chất lượng cao. Vì thế, để nâng cao
khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, lựa chọn được những cơ hội kinh doanh tốt trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế, doanh nghiệp nên quan tâm đến việc đầu tư đổi mới công nghệ, tiếp thu công nghệ tiên tiến và trình độ khoa học kỹ thuật cao của dây chuyền sản xuất trong Doanh nghiệp.
1.4.2.3.Trình độ quản trị doanh nghiệp.
Đây là một trong những nhân tố có vai trò quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Quản trị doanh nghiệp chú trọng đến việc sác định cho doanh nghiệp một hướng đi đúng, một chiến lược hành động để phát triển doanh nghiệp. Quá trình quản trị hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng gồm các khâu cơ bản như: định hướng chiến lược cơ bản phát triển doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, xây dựng kế hoạch - phương án kinh doanh, tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh, đán giá kiểm tra và điều chỉnh các hoạt động kinh doanh. Nếu thực hiện tốt các khâu cơ bản của quá trình này sẽ tạo điều kiện làm tăng sản lương, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ, giảm chi phí quản lý, chiếm được lợi thế trong cạnh tranh, tăng thị phần, ngăn ngừa thất bại trong kinh doanh và quan trọng là tăng lợi nhuận. Việc này càng có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi tham gia thị trường quốc tế với mức độ cạnh tranh gay gắt.
1.4.2.4.Chất lượng hàng hoá
Chất lượng hàng hóa là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả và hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động xuất khẩu nói riêng. Hàng hoá có chất lượng tốt không chỉ thu hút được khách hàng, tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp, làm tăng khối lượng sản phẩm tiêu thụ mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm ưu thế trong việc định giá sản phẩm ở mức cao hơn mà không làm ảnh hưởng đến doanh số bán của doanh nghiệp. Ngược lại, hàng hoá kém chất lượng hoặc không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng sẽ làm cho hoạt động tiêu thụ bị chậm lại, uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng bị giảm sút, dẫn đến hoạt động kinh doanh không đạt hiệu quả mong muốn.
Điều mà mỗi doanh nghiệp cần lưu ý là, chất lượng sản phẩm phải được đánh giá dựa trên quan điểm của khách hàng chứ không phải là chất lượng do doanh nghiệp tự đánh giá. Chất lượng đó thể hiện ở sự thoả mãn tối đa nhu cầu của khách hàng.
1.4.3.Sản phẩm than và những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu than
Từ lâu, Than đã trở thành một nguồn nhiên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất cũng như trong đời sống con người. Trong sản xuất, than là nguồn
nhiêu liệu chính của nhiều ngành công nghiệp, như công nghiệp gang thép, công nghiệp luyện kim, công nghiệp hoá dầu, công nghiệp điện… làm nguyên liệu luyện cốc, sản xuất than nhiệt luyện, điện cực…
Đó là một loại khoáng sản rắn, có nguồn gốc trầm tích, được hình thành trong quá trình than hoá (carbon hoá) các tàn dư thực vật, có thành phần là các chất hữu cơ, các chất khoáng và độ ẩm; thời gian phân hủy càng dài, than càng già và hàm lượng cacbon trong than càng cao. Than được phân chia làm nhiều loại và theo nhiều phương pháp, dựa trên các đặc điểm về thành phần thạch học, tính chất vật lý, đặc tính hoá học và công nghệ… Tuy nhiên, có những loại than dưới đây thường được đề cập và sử dụng phổ biến là:
- Than nâu bao gồm lignit và á bitum, là than biến chất thấp có thành phần acid và màu nâu, được tạo thành chủ yếu từ vật chất mùn và bitum.
- Than đá còn được gọi là than bitum là than biến chất trung bình, đặc
trưng bởi sự carbon hoá đến mức trong chúng không còn vật chất acid, thường có khả năng thiêu kết. Than đá là nguồn nhiên liệu sản xuất điện năng lớn nhất thế giới.
- Antraxit bao gồm siêu antraxit, antraxit và bán antraxit, là loại than biến chất cao, có màu đen, đen xám, ánh kim loại phớt vàng.
- Than bùn loại than có độ tro cao, nhiệt lượng thấp, ở một số khu vực có thể khai thác làm nhiên liệu, còn lại chủ yếu sẽ được sử dụng làm phân bón phục vụ nông nghiệp
Việt Nam là nước có tiềm năng về trữ lượng than rất lớn và công nghiệp than là một ngành kinh tế quan trọng, đặc thù, và chiếm tỷ trọng xấp xỉ 30% trong bảng cân bằng năng lượng quốc gia. Than được khai thác ở Việt Nam hiện nay hầu hết là Antraxit, đây là loại than hiếm, trên thế giới không có nhiều. Nó là nguyên liệu trực tiếp cho nhiều ngành kinh tế khác như Điện lực, Xi măng, Vật liệu xây dựng và phục vụ các nhu cầu dân sinh trong nước. Không những vậy, còn mang lại cho nền kinh tế một nguồn ngoại tệ lớn thông qua xuất khẩu.
Xuất khẩu than có đạt hiệu quả hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố cơ bản sau:
1) Sản xuất và khai thác than
2) Điều kiện tài nguyên và môi trường tự nhiên
Ngành công nghiệp than phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thuộc về môi trường tự nhiên. Với hai phương pháp khai thác than, khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò, bất kỳ một sự biến động nào về địa chất và thời tiết đều có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và hiệu quả hoạt động khai thác. Do đó, nó ảnh trực tiếp đến chất lượng sản phẩm than. Trong khi đó, đối với xuất khẩu than, giá bán than lại phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng và phẩm cấp than. Chất lượng có tốt, than xuất khẩu mới được định giá cao, nhờ đó, doanh nghiệp sẽ đạt được doanh thu và lợi nhuận xuất khẩu cao hơn.
Bên cạnh đó, khai thác than là một ngành sản xuất trong điều kiện tài nguyên là đối tượng khai thác chính dần cạn kiệt và không tái tạo được; trong khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng than khai thác nói chung, sản lượng than xuất khẩu nói riêng.
3) Công tác dự trữ, bảo quản và vận chuyển than xuất khẩu
Như trên đã đề cập, chất lượng than quyết định đến giá bán than. Nếu dự trữ than với cơ cấu không hợp lý, bảo quản không tốt trong cả quá trình dự trữ lẫn vận chuyển than, sẽ dẫn tới việc làm thay đổi một số thông số kỹ thuật của than. Than khi giao lên tàu để vận chuyển so với than khi giao cho khách hàng tại điểm đến có sự chênh lệch về phẩm cấp, sẽ không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Bên cạnh đó, người cung cấp còn phải mất thêm chi phí để khắc phục. Do vậy, kết quả cũng như hiệu quả của việc xuất khẩu than không được đảm bảo.
4) Chính sách quản lý của Chính phủ
Ở Việt Nam, với chính sách ưu tiên tiêu thụ than trong nước của Chính phủ, giá bán than nội địa thấp hơn giá thành sản xuất và càng thấp hơn nhiều so với giá bán xuất khẩu. Và theo quy luật thị trường, xuất khẩu than càng gia tăng khi chênh
lệch giữa giá bán than nội địa và giá than xuất khẩu ngày càng lớn nhằm góp bù lỗ phần sản lượng than tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, 5 đến 10 năm nữa, khi nhu cầu nội địa về than sẽ tăng nhanh theo sự phát triển của các ngành công nghiệp, cùng với chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ sẽ hạn chế mức than xuất khẩu. Vì thế, doanh thu cũng như lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu than sẽ giảm.