Các nhân tố từ bên trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN CHUNG VỀ NHẬP KHẨU, HIỆU QUẢ KINH DOANH NHẬP KHẨU VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH NHẬP KHẨU CỦA DOANH NGHIỆP (Trang 27 - 31)

4. Các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh nhập khẩu của doanh nghiệp

4.2Các nhân tố từ bên trong doanh nghiệp

Môi trường bên trong doanh nghiệp là môi trường do bản thân doanh nghiệp tạo nên, đây cũng là nơi doanh nghiệp có thể có những tác động làm thay đổi nó theo ý muốn chủ quan, theo hướng có lợi cho hoạt động của mình. Môi trường bên trong doanh nghiệp ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể kể đến các yếu tố như: nguồn nhân lực, trình độ quản lý, nguồn vốn và khả năng huy động vốn, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin. Mỗi yếu tố có sự tác động khác nhau tới hiệu quả kinh doanh nhập khẩu của doanh nghiệp, nhưng những sự tác động đó là khá rõ ràng và ý nghĩa.

4.2.1 Nguồn nhân lực

Nhân lực được coi là yếu tố quan trọng nhất thuộc về bản thân doanh nghiệp. Người lao động chính là chủ thể thực hiện tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, duy trì và điều hành các hoạt động đó. Trong kinh doanh nhập khẩu, khi hoạt động vượt ra khỏi biên giới quốc gia thì vai trò nguồn nhân lực lại càng quan trọng. Người lao động nắm chắc các nghiệp vụ nhập khẩu, am hiểu và thông thạo các quy định pháp luật về thủ tục thông quan hàng hóa, thủ tục thanh toán quốc tế, quy định về hạn nghạch, giấy phép… sẽ giúp cho các giao dịch của doanh nghiệp diễn ra liên tục, thông suốt và nhanh chóng. Mặt khác, khi nhân lực công ty có trình độ và chuyên môn sẽ làm cho các giao dịch thương mại, công tác đàm phán ký kết đơn đặt hàng cho công ty diễn ra nhanh chóng, chính xác và đạt hiệu quả cao. Tất cả những điều đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức cho doanh nghiệp, góp phần làm tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, khi hoạt động nhập khẩu được nâng cao hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện đầu tư để hoàn thiện và nâng cao hơn trình độ chuyên môn cho nguồn nhân lực của mình.

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, khi chất lượng sản phẩm không còn là yếu tố duy nhất tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp, thì yếu tố chất lượng dịch vụ cung ứng cũng như thế mạnh về nguồn nhân lực lại là cơ sở để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Điều đó càng cho thấy vai trò quan trọng của yếu tố nguồn nhân lực. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh mà còn tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị tường.

4.2.2 Trình độ tổ chức quản lý

Trình độ tổ chức quản lý của doanh nghiệp chính là khả năng sắp xếp thành hệ thống, quản lý hệ thống các nguồn lực của doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trình độ tổ chức của doanh nghiệp càng cao thì hiệu quả sử dụng các nguồn lực đó càng lớn, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng từ đó được nâng cao.

Trong kinh doanh nhập khẩu, trình độ quản lý của doanh nghiệp không chỉ thể hiện ở việc doanh nghiệp tổ chức các nguồn lực của mình như thế nào mà còn thể hiện khá rõ qua công tác lập kế hoạch, xây dựng chiến lược nhập khẩu một cách khoa học và hợp lý. Trình độ quản lý của doanh nghiệp càng cao thì khả năng tổ chức kế hoạch nhập khẩu hàng hóa càng chính xác, kịp thời. Điều này thể hiện ở việc doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội thị trường, tận dụng được các cơ hội kinh doanh, có đáp ứng kịp thời các nhu cầu của thị trường hay không. Trình độ quản lý cao sẽ cho phép doanh nghiệp có kế hoạch nhập khẩu đúng đắn, vừa tận dụng được cơ hội kinh doanh, vừa sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý nguồn vốn. Đồng thời, trình độ quản lý cao còn cho phép doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tiêu thụ hàng hóa một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Những điều này góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực cũng như hiệu quả hoạt động tiêu thụ hàng nhập khẩu, qua đó làm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn vốn là điều kiện đảm bảo cho các hoạt động trong doanh nghiệp có thể diễn ra liên tục và ổn định. Nguồn vốn là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện các giao dịch nhập khẩu hàng hóa, là yếu tố đảm bảo cho doanh nghiệp có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu. Nguồn vốn cho phép doanh nghiệp chi trả các chi phí để duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động. Sau các kỳ kinh doanh, khi hiệu quả ngày càng cao, lợi nhuận doanh nghiệp thu được ngày càng nhiều là điều kiện để doanh nghiệp gia tăng lượng vốn cho hoạt động của mình. Doanh nghiệp có thể sử dụng lợi nhuận thu được để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh.

Trong thực tế, khi nắm bắt cơ hội kinh doanh, doanh nghiệp có thể tiến hành các giao dịch, các đơn đặt hàng có giá trị lớn. Khi đó, nguồn vốn doanh nghiệp không đủ để đáp ứng nhu cầu đó. Doanh nghiệp có thể huy động vốn từ bên ngoài, từ các tổ chức ngân hàng tài chính. Khả năng huy động vốn có tác động rất lớn tới hoạt động doanh nghiệp. Nó cho phép doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội kinh doanh kiếm lời.

Nguồn vốn cũng như khả năng huy động vốn có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng duy trì và thực hiện các đơn hàng, giúp doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định, tìm kiếm lợi nhuận, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho mình.

4.2.4 Hệ thống thông tin của doanh nghiệp

Thông tin có vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động kinh tế cũng như các hoạt động xã hội. Đặc biệt trong hoạt động ngoại thương, yếu tố thông tin lại càng có vai trò quan trọng. Với doanh nghiệp nhập khẩu, thông tin cho phép doanh nghiệp nắm bắt được chính xác các cơ hội kinh doanh, theo dõi sự biến động của nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước cũng như thị trường nhập khẩu để có những thay đổi, những hành động kịp thời và hiệu quả. Có đầy đủ thông tin giúp cho doanh nghiệp có thể tìm kiếm các nguồn hàng đảm bảo chất lượng, chi phí hợp lý, đồng thời cho phép doanh nghiệp có được các kế hoạch đưa hàng tới thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả nhất. Thông tin kịp

thời, nhanh nhạy và chính xác là điều kiện để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.

Mặt khác, hệ thống thông tin trong chính doanh nghiệp sẽ giúp quá trình phối hợp giữa các phòng ban chức năng được chính xác và kịp thời. Điều đó góp phần hoàn thiện hoạt động làm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

4.2.5 Cơ sở vật chất kỹ thuật

Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật là yếu tố đảm bảo cho hoạt động nhập khẩu diễn ra một cách hiệu quả. Cơ sở vật chất đảm bảo cho phép doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian giao dịch với đối tác cung cấp hàng. Hệ thống kho bãi, nhà xưởng đảm bảo cho phép doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cho công tác lưu kho,bảo quản hàng hóa. Mức độ trang bị các thiết bị hiện đại cho phép nhân viên doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ một cách hiệu quả, góp phần làm tăng năng suất lao động. Mặt khác, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại cho phép doanh nghiệp nắm bắt và dễ dàng xử lý các tình huống đột xuất. Cơ sở vật chất có vai trò thúc đẩy tiến trình thực hiện hoạt động nhập khẩu. Điều kiện vật chất đảm bảo cho phép doanh nghiệp tự thực hiện tất cả các nghiệp vụ mà không cần qua trung gian, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo tính chủ động cho chính doanh nghiệp mình.

Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thể hiện ở khả năng áp dụng các kỹ thuật mới, tiên tiến vào hoạt động kinh doanh của mình. Điều này cũng cho phép doanh nghiệp mua được những hàng hóa đảm bảo chất lượng, làm tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường tiêu thụ, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Các nhân tố nêu trên, dù doanh nghiệp có thể kiểm soát, tác động tới nó hay không thì nó vẫn có ảnh hưởng một cách trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Để tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp mình, yêu cầu được đặt ra là các doanh nghiệp phải luôn chú tâm, nắm bắt sự biến đổi

các nhân tố này để có sự điều chỉnh hợp lý, đảm bảo hoạt động kinh doanh luôn đạt hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN CHUNG VỀ NHẬP KHẨU, HIỆU QUẢ KINH DOANH NHẬP KHẨU VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH NHẬP KHẨU CỦA DOANH NGHIỆP (Trang 27 - 31)