1. Giải pháp thúc đẩy nhanh CPH DNNN
DNNN chiếm tỷ trọng ít về số lượng nhưng lại nắm một phần rất lớn về vốn. lượng vốn nằm trong các DNNN không được sử dụng có hiệu quả, sự thất thoát vốn không phải là nhỏ. Nhiều DN tuy đã chuyển sang cty cổ phần với mục đích đa dạng sở hữu về vốn, nhưng nhà nước vẫn nắm phần lớn cổ phần. Điều này đã hạn chế sự tham gia tiến trình CPH của các nhà đầu tư chiến lược. Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho các DNNN trước hết cần đẩy nhanh cuộc cải cách DNNN. Trọng tâm của cải cách DNNN phải nhằm vào công tác CPH. Việc nhà nước nắm cổ
phần chi phối tại rất nhiều công ty cổ phần đã làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược và các cty nước ngoài. Đại bộ phận DNNN phải là DN đa sở hữu, trong đó nhà nước nắm không phải là trên 50% vốn điều lệ như hiện nay ở trong một số ngành then chốt mà chỉ vào khoảng 30-35%. Cần thiết phải có quy định thời hạn tối đa cho phép kéo dài từ khi đấu giá bán cổ phần đến khi tổ chức đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần.
Lộ trình hội nhập đang tạo áp lực lớn cho quá trình CPH DNNN. những DN quy mô nhỏ hầu như đã được cổ phần hoá, nhưng mới chỉ cổ phần được 10% tổng vốn nhà nước tại các DN. Nghĩa là số DN còn lại có quy mô lớn về vốn và là các DN nằm ở những ngành những lĩnh vực được coi là quan trọng. đó có thể được coi là những “lô cốt” trong cải cách DNNN.
Không nên coi việc chuyển đổi DNNN thành cty TNHH nhà nước một thành viên là một cách để duy trì sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. việc chuyển đổi DNNN thành cty TNHH một thành viên không thể khắc phục được tính chất một chủ (hờ) của DNNN, không góp phần đổi mới phong cách quản lý, không làm giảm được sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đó là do sau khi chuyển thành cty TNHH, các DN này vẫn do nhà nước nắm thông qua các cơ quan và cấp hành chính chủ quản.
Thực tế trong rất nhiều tổng công ty, kể cả các tổng cty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình cty mẹ-cty con và các tổng cty được thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, có rất nhiều DN mà nhà nước giữ 100% vốn điều lệ dưới dạng cty TNHH một thành viên. Thí dụ trong tập đoàn Than và Khoáng sản có 16 cty mà nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, tâp đoàn Dệt may Việt Nam có 9 cty, Tổng cty Thuốc lá có 10 cty TNHH một thành viên. Tại các DN này, số lượng các DN mà nhà nước nắm 51% vốn điều lệ cũng rất lớn, tương ứng là 25 đơn vị ở tập đoàn Than-Khoáng sản, 24 đơn vị ở Dệt May, 7 đơn vị ở Tổng cty Thuốc lá. rất nhiều DN trong số này nhà nước không cần thiết phải nắm 100% vốn điều lệ hay trên 50% vốn điều lệ. Do đó cần phải thu hẹp diện các DN 100% vốn nhà nước, tức là hạn chế tới mức lớn nhất việc chuyển DNNN thành cty TNHH một thành viên.
Cần thiết phải từ bỏ quan niệm tổng công ty và tập đoàn kinh tế phải do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối. Cho đến nay chưa có tổng cty nào tiến hành đại hội cổ đông để thành lập tổng cty cổ phần mặc dù từ tháng 5/2004, Thủ tướng chính phủ đã quyết định cho 03 tổng cty thí điểm CPH. Về thực chất, việc nhà nước nắm cổ phần chi phối trong các cty cổ phần là một sự níu kéo cái “mũ bảo hộ” cho các DN, không tạo điều kiện để các DN được chơi trên một “sân chơi” chung, một mặt bằng bình đẳng trước pháp luật.
Trong 15 năm qua chúng ta mới chỉ sắp xếp được1/2 số DNNN. Số còn lại phải làm trong 4 năm. Nếu không làm được thì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước khó được đảm bảo. Muốn làm được điều đó phải đổi mới tư duy, vượt qua chính mình, phải có cách nhìn mới, quan niệm mới về kinh tế nhà nước, về vai trò chủ đạo của nó, về CPH và cải cách DNNN. Phải dám từ bỏ (tuy rất nuối tiếc) lợi ích cục bộ để đảm bảo lợi ích của toàn cục, từ bỏ chiếc “mũ bảo hộ” của nhà nước để tự vượt lên chính mình. Đó chính là chiếc chìa khoá dẫn đến thành công trong cải cách DNNN.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng về vốn
Cùng với việc sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước thì việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là khâu quan trọng. Vốn đầu tư cho các DNNN do các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay chiếm xấp xỉ đến trên dưới 50%. Trong lộ trình cổ phần hóa DN hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp đã được tiến hành sắp xếp, chuyển đổi hình thức sở hữu thì cũng còn những doanh nghiệp Nhà nước hiện nay hoạt động kém hiệu quả, không bảo toàn được vốn, còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự chi viện của Nhà nước.
Trong những năm vừa qua, phần lớn các DNNN được sắp xếp lại theo hướng cổ phần hóa đã nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đối với nền kinh tế, sản xuất kinh doanh đã có lãi, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và có vốn tích lũy để tái sản xuất mở rộng.
Về cơ cấu vốn trong doanh nghiệp bao gồm nhiều nguồn như nguồn vốn chủ sở hữu, vốn được bổ sung từ lợi nhuận hàng năm, các quỹ của xí nghiệp, vốn đi vay của các tổ chức tín dụng; vốn đi chiếm dụng của khách hàng. Mỗi loại vốn phản ánh tính chất và nguồn hình thành khác nhau. Thực tế hiện nay cần đi sâu xem xét công tác quản lý vốn của DN chủ yếu là các loại vốn trong thanh toán như công nợ phải thu; các khoản nợ phải trả trong đó có nợ vay ngân hàng. Bởi lẽ những khoản nợ này chiếm tỷ trọng lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu công tác quản lý tốt thì khả năng phát sinh những khoản nợ này chỉ tồn tại trong thời gian nhất định và ngược lại nếu công tác quản lý yếu kém (nợ từ các năm trước chuyển sang) thì công nợ sẽ tăng lên. Vấn đề đặt ra là không cho phép DN để khách hàng chiếm dụng vốn lâu ngày, chỉ được phép chiếm dụng trong thời hạn cho phép khoảng trong vòng 1 tháng (khoảng 30 ngày).
Mô hình của các DN khi đã được sắp xếp lại và tiến hành cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là hai hướng đi lâu dài trong tương lai của mỗi DN. Để triển khai mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, chính sách tác động, trong đó đổi mới phương thức quản lý và điều hành của Giám đốc DN giữ vai trò quyết định. Vốn là một trong những yếu tố không thể thiếu được trong giai đoạn ban đầu khi tiến hành cổ phần hóa, xác định giá trị DN.
Như vậy cái gốc của vấn đề vẫn là bắt nguồn từ sản xuất kinh doanh. Nếu sản xuất kinh doanh khá, sản phẩm cạnh tranh được với thị trường thì không những có lợi nhuận mà vốn cũng được quay vòng nhanh, ngược lại nếu sản xuất kinh doanh kém hiệu quả thì vốn sẽ bị ứ đọng. Để từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các DNNN cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DN, kinh nghiệm cho thấy chỉ có cổ phần hóa thì vốn mới được quản lý chặt chẽ hơn.
Trước hết, đối với DNNN, kiên quyết xóa bỏ các loại bảo hộ bất hợp lý như khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ cấp vốn tín dụng ưu đãi tràn lan đối với các hoạt động kinh doanh của DNNN. Thực hiện đầu tư vốn thông qua các Công ty đầu tư tài chính của Nhà nước. Từ thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện chưa được tháo gỡ, tiến độ thực hiện chậm, hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN còn thấp, tình trạng thất thoát, lãng phí và tham nhũng chưa được khắc phục.
Thứ hai là, trong điều kiện vốn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn phải giải quyết nhu cầu chi tiêu lớn cho an ninh quốc phòng và các nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội khác nên việc trợ giúp cho các DN cũng rất hạn hẹp. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng là DN nên nguồn vốn cho vay cũng là nguồn vốn huy động. Nếu DN không trả được nợ thì ngân hàng cũng sẽ không có vốn để quay vòng và ngược lại. Nên DN phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh là chính, tận dụng mọi nguồn thu và huy động vốn từ nhiều nguồn để giảm bớt những áp lực khó khăn nói chung.
Thứ ba là, đối với các DNNN đã, đang và sẽ sắp xếp lại để cổ phần hóa, các ngân hàng thương mại chủ động tham gia xây dựng và quyết định phương án sắp xếp lại DNNN với vai trò là chủ nợ, phù hợp với chính sách và giải pháp tiếp tục đổi mới DNNN. Đồng thời, tiếp tục mở rộng đầu tư vốn tín dụng để giúp cho các DN đổi mới công nghệ bằng nguồn vốn trung dài hạn để mua sắm các loại máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất và xây dựng nhà xưởng để DN có đủ sức cạnh tranh cao, phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững trong quá trình hội nhập quốc tế.
Thứ tư, đối với tín dụng ngân hàng cần tập trung đầu tư vốn vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có dự án khả thi và có khả năng trả nợ.
Thứ năm, tăng cường đôn đốc thu hồi nhanh vốn nhanh, thực hiện phương thức "tiền vào hàng ra, tiền trao cháo múc" hạn chế tối đa nhất các khoản vốn đi chiếm dụng và vốn bị chiếm dụng trong thanh toán. Tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trên cơ sở đó tạo ra lợi nhuận trong DN, nâng cao đời sống của người lao động.
Thứ sáu là phát triển mạnh các DN vừa và nhỏ, khuyến khích đầu tư cho các DN tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, cần phát triển mạnh mẽ các mô hình DN tư nhân, mô hình này rất thích hợp với nền kinh tế thị trường ở nước ta.
KẾT LUẬN
Trong xu thế hội nhập, cải cách toàn diện nền kinh tế, khối DNNN đã kịp thời nắm bắt vận hội mới, phát huy đựơc vị thế, vai trò chủ đạo định hướng cho các DN khác. Nhưng bên cạnh việc huy động với nhiều hình thức mới đa dạng hiệu quả,cùng với tình hình sử dụng vốn khả quan hơn so với trước thì trong DNNN vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như: vẫn còn tồn tại sự bảo hộ của Nhà Nước,khả năng quản lý và tổ chức chưa chuyên nghiệp, chưa quảng bá được uy tín của doanh nghiệp, không tạo được độ tin cậy cho nhà đầu tư.
Qua đây chúng ta hiểu rõ hơn về thực trạng của DNNN hiện nay từ đó rút ra những lợi thế của DNNN cũng như những mặt hạn chế để khắc phục và sửa chữa . Góp phần phát triển DNNN, tạo cho DNNN có chỗ đứng trên thương trường.
Tuy còn nhiều thiếu sót và hạn chế trong nhận thức mong thầy cùng các bạn đóng góp ý kiến để đề tài hoàn thiện hơn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Giáo trình kinh tế đầu tư
2. Giáo trình tài chính doanh nghiệp 3.Giáo trình tài chính tiền tệ
4.Tạp chí ngân hàng 5.T/c Nghiên cứu kinh tế 6.T/c Tài chính
7.T/c Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương 8. www.vnn.vn
9. www.kiemtoan.com.vn 10. www.vneconomy.com 11. www.mpi.gov.vn 12. www.moi.gov.vn