NGUYỄN TUÂ N:

Một phần của tài liệu TỔNG TẬP CÁC NHÀ VĂN TG (Trang 27)

(1910 - 87), nhà văn Việt Nam. Quê: làng Mọc, tức Nhân Mục, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lúc đầu làm báo, đến 1937 mới viết văn và nổi tiếng với tác phẩm “Vang bóng một thời” (1941). Bấy giờ, Nguyễn Tuân xuất hiện như một “nhà văn thoát li”, hiểu theo nghĩa thoát li thực tế đen tối và đau khổ của xã hội thực dân phong kiến. Cái “tôi” nghệ thuật của Nguyễn Tuân in đậm qua các trang sách, một cái “tôi” có bản lĩnh, bản sắc, nhìn đời với con mắt khinh bạc, ưa phóng khoáng, tự do, không thoả hiệp với cuộc sống tầm thường, chật hẹp. Nguyễn Tuân hướng về quá khứ, ca ngợi những truyền thống và nếp sống văn hoá của dân tộc, có khi là một nhân cách đẹp, một thú chơi phong lưu. “Vang bóng một thời” là áng văn tiêu biểu cho cốt cách và tài hoa của Nguyễn Tuân. Một cách thoát li khác của Nguyễn Tuân hồi đó là xê dịch, xê dịch để tránh sự giam cầm, tù túng, để tìm những cảm giác mới lạ. Nhưng thực sự Nguyễn Tuân cũng không tìm được lối ra, như trong các tác phẩm: “Một chuyến đi” (1941), “Thiếu quê hương” (1943), “Nguyễn” (1945). Nguyễn Tuân vốn có xu hướng tìm tòi cái đẹp, có óc thẩm mĩ tinh tế, nhưng trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông chưa có định hướng nên không khỏi vấp phải nhiều điều phức tạp, lẫn lộn. Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân tiếp tục văn nghiệp với thể văn sở trường của ông là tuỳ bút. Các tác phẩm “Đường vui” (1949), “Tình chiến dịch” (1950), “Sông Đà” (1960), “Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi” (1972) là những thiên tuỳ bút đặc sắc nhất của ông trong hai thời kì Kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, phản ánh nhiều mặt sinh hoạt của nhân dân Việt Nam trong sản xuất, chiến đấu, đặc biệt là thể hiện được sự gắn bó của nhà văn với cuộc sống chung. Cái “tôi” độc đáo của Nguyễn Tuân đã tìm được sự hoà hợp với mọi người, mà vẫn giữ bản sắc riêng. Nguyễn Tuân là nhà văn có nghề, thuần thục và điêu luyện trong sử dụng ngôn từ. Từng là tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khoá I và II. Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996) về cụm tác phẩm “Đường vui”, “Tuỳ bút kháng chiến”, “Sông Đà”, “Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi”.

Một phần của tài liệu TỔNG TẬP CÁC NHÀ VĂN TG (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(27 trang)
w