Xuân nương đi tới đâu máu rỏ ra tới đó, máu theo dấu chân ngựa rải khắp dọc đường. Tới Hương Nha, các tướng cố sức đánh lụi quân giặc, nghiêm phòng cẩn mật, người không cởi áo giáp, ngựa không tháo yên. Xuân nương nghỉ được một đêm. Hôm sau, giặc lại kéo đến nhưng các tướng giữ vững thành lũy, giặc không phá nổi.
Hôm ấy, ngày mười lăm tháng hai, buổi chiều, Xuân nương cho làm một cỗ chay cáo tế trời đất, cúng cha anh và cúng chồng rồi lui về nghỉ. Buổi tối, Xuân nương gọi các gia thần, nữ tốt vào cung dặn dò mọi việc. Tới đêm, trời nổi sớm chớp, mưa trút xuống như thác, Xuân nương lấy ngựa một mình ra đi, nhằm phía làng Hương Nộn lần bước. Mưa rơi như roi quất, chớp giật, sấm rền, Xuân nương bụng đau âm ỉ, các vết thương ngấm nước nhức nhối, tránh các nơi giặc đóng, vừa đi vừa nghỉ. Nàng ngồi trên một hòn đá lớn ở Tiền Áo một lúc, khi đứng dậy hòn đá ướt đẫm máu. Xuân nương lại gắng gượng lên ngựa, vượt gió mưa về tới Hương Nộn. Tới đây, Xuân nương thả ngựa, lần tới cửa chùa, ngồi nghỉ một lúc rồi lần khắp trước sau chùa, bồi hồi tưởng nhớ. Lần tới bờ sông, Xuân nương tự nói: “Ta không muốn tử tiết ở nơi cung sở để xác lọt được vào tay giặc và làm tan rã chí ba quân. Nay sức ta đã hết, xin một chết để báo ơn vua đền nợ nước. Hồn ta muôn đời không tan, nguyện sẽ phù hộ cho dân cho nước”. Nói đoạn nàng gieo mình xuống dòng sông Thao cuồn cuộn trôi…
Nàng Quỳnh, nàng Quế Tiên phong phó tướng tướng
Làng Trò bên sông Thao là một làng nhỏ dân ít, có hai vợ chồng Nguyễn Diệu và Đào Thị Lộng là dân chài, hiền lành như đất, sớm chiều thả lưới buông câu, sống lần hồi với một túp lều lúp xúp và mảnh vườn nhỏ bé. Đã nghèo lại hiếm muộn về đường con cái, hai vợ chồng thường phàn nàn về nỗi ông trời sao ở bất công, với người lương thiện chỉ biết chí thú làm ăn mà bắt tội hiếm cả con lẫn của.
Tối hôm ấy, người vợ nằm mộng thấy vị thần núi hiện đến, trông như một chàng học trò xinh đẹp, mặc áo dài xanh, tay cầm hai cành hoa, cười mà nói rằng: “Có hai bông hoa đẹp nơi đỉnh núi ta vẫn để dành cho các ngươi, sao lại không hái về? Thương vợ chồng ngươi tu nhân tích đức, ta cho hai cành hoa của ta để các ngươi hưởng phúc lâu dài”. Nói đoạn, vị thần đặt một bông quỳnh và một bông quế lên một chiếc mâm vàng chói lọi, trao cho hai người.
Người vợ chợt tỉnh giấc, vừa mừng vừa sợ, đợi tới sáng mới đem chuyện mộng nói lại với chồng. Sau bà Lộng sinh được hai người con gái, vợ chồng đặt tên cho là Quỳnh và Quế. Quỳnh và Quế cùng cất tiếng khóc chào đời một lúc, nên làng không biết coi
ai là chị, gọi ai là em. Tới khi hai con vừa đầy tuổi, vợ chồng dọn đến ở xóm nhỏ dưới chân núi.
Xóm nhỏ này nằm bên dòng sông Bứa giữa vùng rừng núi bao la thăm thẳm, thuở đó không rõ tên gì, sau này được gọi là làng Quang Húc. Quỳnh và Quế lên ba bụ bẫm xinh đẹp, cả làng yêu quý. Khi hai em lên mười tuổi, những người đi rừng bắt đầu dạy các em ném lao. Các em đòi bắn nỏ. Mọi người đều cười, nói rằng các em chưa đủ sức giương nỏ, hãy cố mà ném cho cây lao trúng thân chuối cách ba bước chân là được. Người trùm phường săn vui vẻ đưa các em dây cung của mình. Quỳnh và Quế lần lượt nhấc dây cung của người trùm phường săn, lắp tên, bắn thử. Cây cung cong như vành nguyệt mồng ba, chiếc tên vút bay như ánh chớp! Từ đó Quỳnh và Quế được tập lao tập cung, tập tìm vết thú rừng, tìm nơi chúng uống nước. Mùa xuân, xóm núi trắng rợi hoa mận, hoa ban, mùa hè quả dâu da rụng đỏ rừng đỏ suối, tới mùa thu lá rừng trải vàng mặt đất, làng gặt lúa nếp lúa tẻ, cất rượu và làm lễ ăn cơm mới. Cụ già nhất làng nói: “Quỳnh và Quế đã lớn tuổi rồi, bắt được dấu con nai, tìm được chỗ ẩn con dũi, thế mà chưa biết ăn ở cho có thứ bậc. Phải phân biệt chị em mới được. Nay ta hãy dồn con hươu cho hai đứa nó bắn, đứa nào bắn trúng đầu hươu sẽ là chị”. Làng khen phải, hò reo dồn vây một con hươu vàng cho hai em gái bắn. Mũi tên của Quỳnh buộc dải lụa trắng, mũi tên của Quế buộc dải lụa đỏ. Con hươu vàng bị dồn chạy lao qua chỗ các em gái nấp. Hai mũi tên bay như cánh én! Con hươu bị trúng tên chạy tới khe suối, cúi đầu uống nước. Dân làng đuổi tới vây bắt cùng vui vẻ reo lên. Mũi tên buộc lụa trắng cắm giữa hai sừng hươu còn mũi tên dải đỏ cắm vào cổ hươu ngập nửa thân tên. Từ đó, Quế phải gọi Quỳnh là chị.
Khi Quỳnh và Quế tới tuổi mười lăm như trăng tới ngày rằm, vẻ đẹp rực rỡ hiện ra làm chói mắt người trẻ người già. Cụ già nhất làng lại nói: “Hai đứa nó đúng là hoa của thần núi ban cho dân ta!”. Quỳnh và Quế xinh tươi như hai bông hoa của rừng núi châu Đại Man, bắn nỏ giỏi vượt hết trai tráng trong vùng, tiếng đồn về vẻ đẹp và tài bắn nỏ của hai cô gái bay khắp châu. Hai ông bà Nguyễn Diệu và Đào Thị Lộng tuổi đã già chỉ mong cho con gái yêu sớm được gặp người vừa đôi phải lứa.
Thuở ấy giặc Hán đô hộ nước ta, chính sách bóc lột của giặc làm dân ta cơ cực trăm chiều. Giặc bắt dân châu Đại Man nộp mật ong, lông trĩ, nộp đuôi sóc và nhung hươu, nộp tắc kè và sừng dê. Giặc lại bắt nộp rượu và gạo nếp, rồi lại bắt nộp quế và trầm. Giặc còn đánh thuế rất nặng vào các lâm sản phẩm. Dân không nộp đủ, không có nộp đều bị giặc cùm kẹp đánh đập. Mỗi khi quan quân của chúng đi các làng, các động thu thuế và cống phẩm, dân chúng phải trốn tránh, lẩn lút góc rừng, ven núi rất khổ sở. Một ngày có tin về làng là giặc Hán sẽ bắt hai nàng Quỳnh và Quế. Cả làng căm phẫn, lo sợ. Ông bà Nguyễn Diệu lại càng lo nghĩ trăm phần, mất ăn mất ngủ. Quỳnh và Quế vẫn cười nói như không. Cụ già nhất làng nói: “Các con hãy lẩn vào rừng sâu hang kín, tránh chúng nó như tránh con cọp dữ”. Quỳnh và Quế đều nói: “Chị em
chúng con không tránh cọp bao giờ, thấy cọp là bắn, sao lại chịu trốn tránh mấy tên lính Hán? Nếu quan quân giặc Hán tới đây, hai chị em sẽ bắn chúng nó như bắn con chồn, con nai thôi!”.
Quả nhiên giặc về vây làng. Làng nổi trống, nổi mõ. Trai làng nghiến răng giương nỏ lắp tên độc tẩm nhựa cây sui. Giặc nhốn nháo hò nhau tháo chạy. Xác giặc phơi ở cửa rừng, mặt đỏ tím như quả bồ quân, quạ bay lượn kêu toáng lên rồi lảng tránh cả.
Con gái của vị chủ trưởng châu Đại Man là Nàng Xuân dựng cờ tụ nghĩa, hào kiệt trong châu mang nỏ theo về được tới vài trăm người. Các làng, các động châu Đại Man rèn giáo vót tên đều rủ nhau theo về với Xuân nương.
Quỳnh và Quế muốn được gặp nàng Xuân. Nàng Xuân cũng cho người tìm gặp Quỳnh và Quế, nói rằng: “Xuân nương mưu việc lớn mong được gặp hai nàng để kết bạn!”. Quỳnh và Quế đều nói: “Quan chủ trưởng châu là dòng lạc hầu. Anh nàng Xuân mưu giết Tô Định, việc không thành, bị giặc sát hại. Nàng Xuân vì nợ nước thù nhà đứng lên cùng dân trong châu chống nhau với giặc. Hai đứa chúng tôi phải tìm đến xin làm nữ tốt dưới cờ của nàng Xuân, đâu dám nói tới chuyện kết bạn cùng nàng!”. Nói rồi cả hai cùng về gặp Xuân nương. Xuân nương mừng vui nói với hai người: “Hai nàng thật là những bông hoa của thần núi, đã xinh đẹp lại kiên cường. Ta không dám coi hai nàng là kẻ dưới nên muốn được kết bạn với hai nàng để cùng đuổi giặc Hán đấy thôi!”. Quỳnh và Quế cũng vui mừng vì biết Xuân nương là bậc hào kiệt có tài đức, có chí lớn, nhìn xa, nghĩ sâu, xứng đáng ở ngôi chủ trưởng đưa dắt mọi người, mới xin theo Xuân nương. Xuân nương an ủi bảo ban, dặn rằng về kết bạn với các tráng sĩ, cùng nhau hãy lên núi Bứa lập trại chống giặc. Nàng Xuân lại nói: “Muốn vào nhà phải qua cổng. Vùng núi rừng châu Đại Man ta lấy sông Bứa làm hào, núi Bứa làm cổng, hai em chớ coi thường. Các động đều ở nhà sàn, ăn cơm ống, đó chính là quê của mẹ ta. Các em giữ vững nơi cổng ngõ, chờ lệnh ta nhé!”. Từ đó núi Bứa trở thành nơi hai nàng Quỳnh và Quế thiết lập căn cứ chống giặc Hán.
Xuân nương đưa hai nàng Quỳnh và Quế cùng theo về gặp Hai Bà Trưng ở Mê Linh. Hai Bà giao cho Quỳnh và Quế năm trăm quân, lại cho về đóng giữ núi Bứa.
Khi Trưng vương tế cờ ở Hát Môn, đem đại quân tiến đánh Luy Lâu lại có lệnh gọi Quỳnh và Quế về phong làm Tiên phong phó tướng, thuộc dưới quyền Thiều Hoa, đi trước đến Luy Lâu vây hãm.
Dẹp xong Tô Định, hai Bà luận công phong thưởng các tướng sĩ, hai nàng Quỳnh và Quế đều được phong công chúa.