1.3.1.1. Các nhân tố thuộc về khách hàng:
- Đạo đức của khách hàng:
Đây là nhân tố khá quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ĐBTV. Khi xin cấp tín dụng thì khách hàng thường có xu hướng che giấu những thông tin không tốt của mình để được ngân hàng cấp tín dụng. Nhiều khi khách hàng biết rất rõ về tình trạng tài sản của mình không đáp ứng được các điều kiện của tài sản đảm bảo nhưng vẫn không muốn cho ngân hàng biết. Vì thế nếu khách hàng cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật nhằm lừa đảo ngân hàng mà ngân hàng không
thể kiểm tra được thì rủi ro đối với ngân hàng sẽ cao hơn và khi đó ĐBTV không còn đảm bảo được ý nghĩa của nó. Một mặt nữa là khách hàng có thể tận dụng những kẽ hở của pháp luật để chây ỳ và gây khó khăn cho ngân hàng khi phát mại và xử lý tài sản đảm bảo. Đó là trong trường hợp khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ nhưng lại cố tình gây khó khăn và cản trở ngân hàng thanh lý tài sản để thu hồi vốn. Vì thế khi cho vay ngân hàng còn phải xét đến đạo đức của khách hàng để có quyết định hợp lý và nâng cao hiệu quả của ĐBTV.
- Năng lực của khách hàng:
Năng lực của khách hàng xét cả về phương diện tài chính lẫn quản lý. Nếu khách hàng có năng lực tài chính thấp thì họ không có khả năng thanh toán nợ hoặc như doanh nghiệp sản xuất có ít vốn, khi vay nợ quá nhiều có thể lâm vào tình trạng nợ đến hạn thiếu khả năng thanh toán ngay ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Vì thế ngân hàng phải nhận thấy được rằng khách hàng có đủ khả năng trả nợ thì mới xét cấp tín dụng. Cũng như khi doanh nghiệp có phương án SXKD không hiệu quả, năng lực quản lý thấp dễ dẫn đến tình trạng thua lỗ và không có khả năng trả nợ. Với những khách hàng có đủ tiềm năng về tài chính, doanh nghiệp có trình độ quản lý cao và chuyên nghiệp thì việc thu hồi vốn của ngân hàng được đảm bảo hơn và như vậy ĐBTV có hiệu quả hơn. Do đó ngân hàng phải hết sức coi trọng thông tin về năng lực khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả ĐBTV cũng như tối thiểu rủi ro.
1.3.1.2. Mức độ an toàn của các tài sản đảm bảo:
Các tài sản có mức độ an toàn cao sẽ dễ được ngân hàng chấp nhận hơn để đảm bảo cho khoản vay vì khi đó ngân hàng có nguy cơ rủi ro thấp hơn và như thế hiệu quả của ĐBTV sẽ cao hơn. Những tài sản có mức độ an toàn cao là những tài sản có thị trường tiêu thụ rộng, dễ xác định quyền sở hữu. Khi gặp rủi ro ngân hàng có thể bán được dễ dàng với chi phí thấp, nhờ đó có thể thu hồi vốn nhanh hơn. Do
đó thì mức độ an toàn của tài sản cũng là nhân tố ảnh hưởng khi xem xét hiệu quả của ĐBTV.
1.3.1.3. Thị trường của các tài sản đảm bảo:
Khi quyết định thanh lý tài sản đảm bảo thì thị trường tiêu thụ của tài sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hồi khoản vay cũng như hiệu quả ĐBTV. Tài sản nào càng dễ tiêu thụ thì ngân hàng càng có khả năng thu hồi vốn cao để bù đắp cho khoản vay. Chính vì thế mà trước khi quyết định cấp tín dụng thì ngân hàng phải tính đến cả thị trường thanh lý tài sản. Có những tài sản mà thị trường tiêu thụ rất lớn như hàng hoá tuy nhiên thì việc cho vay đảm bảo bằng các tài sản này lại chưa được phát triển. Còn đối với tài sản là bất động sản thì trước tình trạng biến động của thị trường BĐS cũng làm cho việc thanh lý các tài sản này gặp nhiều khó khăn.
Như vậy ngân hàng phải luôn chú trọng tới thị trường của các tài sản để nâng cao hiệu quả ĐBTV.
1.3.1.4. Các nhân tố khác: - Môi trường pháp lý:
Các quy định của pháp luật, đường lối, chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định của ngân hàng như sử dụng biện pháp đảm bảo nào, những tài sản nào được dùng làm tài sản đảm bảo... Các quy định này cũng tạo ra cơ chế cho các ngân hàng khi xử lý tài sản đảm bảo. Tuỳ theo tình hình thực tế phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia mà có các văn bản quy định về việc nới lỏng hay thắt chặt các điều kiện áp dụng các biện pháp ĐBTV. Môi trường pháp lý có hoàn thiện và chặt chẽ thì mới tạo ra hành lang an toàn cho các ngân hàng hoạt động, điều này cũng giúp ngân hàng phần nào tránh được sự lừa đảo của khách hàng khi lợi dụng những sơ hở, yếu kém của hệ thống pháp luật.
- Môi trường kinh tế- chính trị:
Khi nền kinh tế có bất kỳ biến động nào thì hoạt động ngân hàng cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhất là hoạt động ĐBTV vì sự biến động của nền kinh tế liên quan chặt chẽ với các tài sản của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế. Các nhân tố kinh tế vĩ mô như tỷ giá, mức lãi suất...biến động ảnh hưởng không nhỏ đến các tài sản đảm bảo mà ngân hàng nắm giữ như là biến động về giá mang lại cho ngân hàng nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo và do đó ảnh hưởng đến hiệu quả ĐBTV.
Môi trường chính trị ổn định sẽ tạo tâm lý yên tâm cho các hoạt động của cả doanh nghiệp và ngân hàng.
1.3.2. Nhóm nhân tố khách quan:
Đó là nhóm các yếu tố thuộc về ngân hàng như: chất lượng hoạt động thẩm định; năng lực, trình độ và đạo đức của cán bộ ngân hàng; thông tin; chất lượng hoạt động xử lý tài sản đảm bảo cũng như chiến lược định hướng kinh doanh.
- Chất lượng hoạt động thẩm định tài sản đảm bảo:
Thẩm định là hoạt động quan trọng nhất, quyết định giá trị tài sản đảm bảo mà ngân hàng chấp nhận là bao nhiêu để tạo căn cứ cho việc xác định giá trị khoản vay. Đó là quá trình ngân hàng tính toán theo quy định của pháp luật và dựa vào những thông tin thực tế thu thập được về khách hàng để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.
Trước khi ngân hàng quyết định cấp tín dụng thì phải tính đến sự an toàn, khả năng hoàn trả cũng như khả năng sinh lời của khoản vay, tuy nhiên thì cũng không thể bỏ qua khả năng bù đắp cho khoản vay bằng tài sản đảm bảo khi khách hàng không trả nợ.
Quá trình này được thực hiện càng cẩn thận và chi tiết bao nhiêu thì càng hạn chế được mức độ thiệt hại của ngân hàng. Vì khi đó ngân hàng sẽ xác định chính
xác giá trị tài sản đảm bảo, đưa ra mức tín dụng hợp lý và có cơ sở cho việc thu hồi khoản vay.
- Năng lực, trình độ và đạo đức của cán bộ ngân hàng:
Cán bộ ngân hàng có chuyên môn, am hiểu luật pháp và có kinh nghiệm để nắm bắt và xử lý thông tin thì sẽ định giá chính xác hơn và đưa ra những quyết định chính xác, không bị lừa đảm bảo hiệu quả hoạt động ĐBTV. Đôi khi cán bộ ngân hàng không có đạo đức đứng ra tiếp tay cho khách hàng lập hồ sơ giả để vay vốn gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng nhằm mục đích tư lợi cá nhân.
Vì vụ lợi, buông lỏng quản lý nên trong quá trình thẩm tra, xét duyệt cho vay, quản lý vốn vay không những họ đã không tuân thủ các quy định hiện hành mà còn dễ dãi, tạo kẻ hở cho khách hàng lợi dụng. Đã có ngân hàng tuy sai phạm chỉ do một số người gây ra nhưng tính chất nghiêm trọng, mức độ tổn thất thật nặng nề đến nỗi khó có khả năng tự bù đắp được. Trước thực trạng này, thay vì phải làm rõ trách nhiệm, có biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn, tránh tái phạm thì một số nơi không những chưa quan tâm đến xử lý cá nhân có sai phạm mà còn lạm dụng nguồn dự phòng để xử lý rủi ro. Phổ biến nhất là: khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp chưa bị giải thể, phá sản nhưng nợ tồn đọng của họ tại TCTD lại được xử lý rủi ro đưa ra khỏi nội bảng; vì vậy, không những sai quy định, phản tác dụng mà còn làm phát sinh tâm lý ỷ lại. Chính điều này, đã làm cho một số cán bộ có sai phạm chủ quan, chưa tích cực tìm biện pháp để khắc phục hậu quả do họ đã gây ra mà thường chờ đợi sự cứu giúp từ cấp trên. Vì thế, khoản vay này chưa khắc phục được thì khoản vay khác cũng sai phạm tương tự lại tiếp tục phát sinh làm cho tỷ lệ nợ xấu thực chất chiếm trong tổng dư nợ của một số TCTD luôn ở mức cao hơn rất nhiều so với mức cho phép.
Điều này cũng làm giảm hiệu quả của ĐBTV, do đó ngân hàng cần phải rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ để nâng cao hiệu quả ĐBTV và hoạt động kinh doanh.
- Thông tin:
Những thông tin này bao gồm cả thông tin về khách hàng và về tài sản đảm bảo. Đây là yếu tố không thể thiếu khi quyết định cho vay có hoặc không có tài sản đảm bảo. Thông tin có thể được thu thập từ cả nguồn bên trong và bên ngoài hệ thống do đó ngân hàng phải tạo cho mình nguồn cung cấp thông tin chính xác. Ngân hàng phải tổ chức xuống tận doanh nghiệp để tìm hiểu về tình hình của doanh nghiệp cũng như phải trực tiếp định giá tài sản đảm bảo. Không chỉ thế mà qua các nguồn khác phải thu thập tất cả các thông tin về khách hàng và tài sản đảm bảo có liên quan đến khoản vay, có như vậy mới tránh được rủi ro và thực hiện ĐBTV có ý nghĩa.
- Chất lượng xử lý tài sản đảm bảo:
Việc xử lý tài sản nhanh chóng cũng sẽ góp phần giúp ngân hàng thu hồi vốn và đảm bảo an toàn tín dụng.
Dù ngân hàng áp dụng phương thức nào để xử lý tài sản đảm bảo thì mục đích chính vẫn là thu hồi được vốn. Trong quá trình xử lý ngân hàng phải tiến hành định giá tài sản để bảo vệ lợi ích và quyền lợi cho cả khách hàng và ngân hàng.
Nhiều khi khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ nhưng lại ngăn cản ngân hàng xử lý tài sản từ đó mà đặt ngân hàng trước rủi ro mất vốn. Vì thế chất lượng xử lý tài sản đảm bảo cũng là nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả ĐBTV.
- Chiến lược, định hướng kinh doanh trong từng thời kỳ:
Tuỳ từng thời kỳ mà ngân hàng áp dụng chính sách tín dụng thông thoáng hay hạn chế. Khi ngân hàng muốn mở rộng thị phần, tăng năng lực cạnh tranh, ngân hàng sẽ mở rộng mức tín dụng đối với mỗi tài sản đảm bảo hơn, tuy nhiên vẫn nằm trong quy định của pháp luật. Và ngược lại khi áp dụng chính sách tín dụng chặt chẽ.
Như vậy khi nâng cao hiệu quả hoạt động ĐBTV chúng ta phải xét đến tất cả các nhân tố trên để đưa ra những giải pháp thích hợp. Có như vậy mới đảm bảo
được chất lượng tín dụng tốt nhất cho ngân hàng, góp phần phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế.