- Vì việc dự tính, lập kế hoạch tuyển dụng chuyên viên kỹ thuật và tư vấn hỗ trợ cho BQLDA trung ương là khó chính xác, thường thì số lượng, mức lương, phụ cấp của các nhân sự này do nhu cầu thực tế phát sinh nên không khớp với thiết kế ban đầu của dự án dẫn đến phải làm thủ tục xin cấp vốn với rất nhiều bước phức tạp làm chậm tiến độ. Vì thế, để có thể tạo ra sự linh hoạt thì không nên dự tính và cố định ngân sách cho các chuyên vên tạm thời hỗ trợ BQLDA. Có thể tích hợp chi phí này vào khoản chi phí tư vấn hoặc QLDA khi dự tính kế hoạch ngân sách. Đến khi có thực chi thì BQLDA có thể tự điều tiết để cân đối các khoản chi này.
- Vì với mỗi dự án có một nhà tài trợ khác nhau nên yêu cầu về quản lý tài chính-giải ngân cũng khác nên BQLDA trung ương cần “đi trước” tìm hiểu các quy định này để có thể quán triệt cho các đơn vị thực hiện, đặc biệt là khi 2 dự án này do 2 đơn vị tài trợ vốn khác nhau với những yêu cầu về quản lý tài chính cũng khác nhau. Đây là việc cần làm ngay từ khi dự án bắt đầu triển khai để có thể có một hệ thống báo cáo tài chính thống nhất và đạt tiêu chuẩn. Do đó nên có các chính sách đào tạo tăng cường năng lực cho các cán bộ dự án bên cạnh các chính sách khuyến khích, động viên, tạo công ăn việc làm ổn định cho các cán bộ dự án trước và sau dự án để ngày càng có nhiều cán bộ đủ năng lực tham gia điều hành các dự án.
- Ngoài ra, một phần nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân là do các các bộ ở các cấp trung ương và không trực tiếp quản lý việc thực hiện dự án như Bộ Tài Chính, Bộ NN&PTNT. Các đơn vị này không thường xuyên quản lý dự án nên không nắm rõ về nhu cầu thực tế cũng như các khó khăn mà dự án gặp phải nhưng lại tham gia vào những phần việc rất quan trọng là phê duyệt các khoản chi và thay đổi thiết kế dự án. Trong khi
đó các khoản chi và việc thay đổi thiết kế dự án nông nghiệp là rất lắt nhắt, có nhiều phát sinh không lường trước được nên nếu không nắm rõ về dự án thì sẽ rất khó biết được các khoản mục đó có hợp lý hay không. Nếu chỉ dựa vào các báo cáo của các BQLDA gửi lên thì vai trò và ý kiến chủ quan của các đơn vị này là không đáng kể. Hơn nữa, các dự án đều có đặc thù riêng nêu nếu có thể nâng cao hiểu biết của các cán bộ chuyên viên tại các đơn vị này thì sẽ tạo điều kiện rất lớn cho việc rút ngắn thời gian trình duyệt, nhờ đó tăng cường giải ngân của dự án. Do đó việc đào tạo tăng cường năng lực cũng nên được thực hiện đối với các cán bộ tại các cơ quan trung ương làm nhiệm vụ theo dõi và duyệt các dòng chi về tài chính kế toán của dự án (các cán bộ của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Vụ tham gia quản lý tài chính của Bộ chủ quản dự án, ...). Có như vậy thì tình trạng chậm giải ngân phổ biến hiện nay mới có thể được khắc phục.
- Mặc dù hiện nay dự án có sự giúp đỡ của các chuyên gia kỹ thuật của Đức nhưng cũng cần có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho một số cán bộ chủ chốt để có thể nắm bắt được các bí quyết kỹ thuật, tiếp tục hỗ trợ cho ngành sản xuất khoai tây sau khi các chuyên gia này về nước hoặc sau khi dự án kết thúc. Đây là một điều kiện quan trọng để dự án có thể đạt được sự phát triển bền vững sau này.
- Cần cập nhật và chỉnh sửa các tài liệu kỹ thuật về gieo trồng khoai tây thương phẩm do trong giai đoạn 1 đã sử dụng thêm một số giống mới và dự định sẽ áp dụng thí điểm tại 2 tỉnh miền bắc. Ngoài ra cũng cần điều chỉnh tài liệu cho phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng dựa trên thực tế rút ra từ giai đoạn 1.
- Để có thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào QLDA thì cần tăng cương đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, đặc biệt là các cán bộ tỉnh về kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm, quản lý cơ sở dữ liệu. Đây là các nội dung tương đối khó cho việc đào tạo vì đòi hỏi thời gian tập huấn tương đối dài, nội dung phải cập nhật và có tính ứng dụng cao tại từng địa phương, ngoài ra do trình độ và các hiểu biết cơ sở về tin học của các cán bộ QLDA tỉnh không đồng đều dẫn đến việc áp dụng một giáo trình chuẩn
chung là khó đạt được. Tuy vậy lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại là rất lớn nên vẫn cần có các nội dung này trong các đợt đào tạo, tập huấn. Vì thế các khóa đào tạo cần tập trung hơn nữa cho nội dung này.
- Nội dung của các khóa tập huấn cho nông dân cũng cần đề cập đến các biện pháp canh tác ít ảnh hưởng tới môi trường, chống bạc màu đất, chống xói mòn, sử dụng phân bón hợp lý... vì các mục tiêu về môi trường đươc nhấn mạnh trong thiết kế ban đầu cảu dự án và cũng là một mối quan tâm của tổ chức tài trợ.
- Rút kinh nghiệm từ dự án chè-quả, các chương trình đào tạo, chuyến thăm quan học tập nên được thiết kế nhằm hỗ trợ thực hiện dự án. Dựa vào kinh nghiệm của dự án này, tuy phân cấp thực hiện cho tỉnh nhưng Ban quản lý dự án Trung ương cũng nên xây dựng một hệ thống theo dõi và đánh giá, tiến hành các đoàn công tác theo dõi kiểm tra thường xuyên nhằm hỗ trợ cho các cơ quan địa phương. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của các đợt tập huấn cần tổ chức các khóa đào tạo tập trung, thời gian dài hơn so với hiện tại để có thể truyền tải kiến thức một cách có hệ thống và liên tục đặc biệt là các đợt tập huấn về kỹ năng kế toán-tài chính cho các cán bộ dự án tại tỉnh.
- Ngoài ra để có thể nâng cao chất lượng nhân lực tại các BQLDA tỉnh thì cần có chính sách đào tạo, phát triển nhân lực dài hạn. Ở CPMU và các cấp quản lý trung ương khác thường được cấp kinh phí để đào tạo cán bộ một cách bài bản, lấy bằng cấp ở nước ngoài. Điều này không những trực tiếp nâng cao trình độ của các cán bộ đó mà còn tạo ra sức hấp dẫn để thu hút những người trẻ, có năng lực vào làm việc cho các cơ quan này ngay cả khi mức lương chưa thực sự hấp dẫn. Ở cấp tỉnh, mặc dù không thể có ngân sách để cho các bộ đi đào tạo nước ngoài nhưng cũng có thể cấp ngân sách để đào tạo dài hạn, chính quy trong nước. Các cán bộ được đi đào tạo sẽ không nhiều và phải đạt các tiêu chí về năng lực làm việc, kinh nghiệm với dự án... và đó cũng là động lực để họ phấn đấu đóng góp cho dự án và đồng thời cũng sẽ là nguồn nhân lực quý báu cho tỉnh về sau.
Kết luận
Công tác quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp luôn là một công việc khó khăn. Tuy nhiên BQLDA phát triển chè và cây ăn quả đã có nhiều cố gắng nhằm hoàn thiện quy trình này thông qua việc thực hiện hai dự án “phát triển chè và cây ăn quả„ và “phát triển sản xuất khoai tây„. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực như thực hiện tốt công tác đánh giá dự án, phối hợp với các đơn vị khác, cải cách thể chế, tổ chức các khóa đào tạo... tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt còn hạn chế như tiến độ các dự án và tốc độ giải ngân vốn còn chậm, thủ tục quản lý tài chính chưa được cải thiện nhiều, công tác lập kế hoạch chưa chi tiết...
Hy vọng rằng với một số kiến nghị và giải pháp mà bài luận chuyên đề đưa ra có thể góp phần hoàn thiện thêm công tác quản lý dự án tại BQLDA phát triển chè và cây ăn quả.
Xin chân thành cảm ơn những góp ý quý báu của các thầy cô giáo và các bạn trong quá trình viết bài luận này. Xin cảm ơn!