1. Mục tiêu
Mục tiêu chung
- Huy động mọi nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng; hình thành các tour, tuyến du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại, thăm quan, ăn nghỉ và vui chơi giải trí của du khách.
- Phát triển du lịch phải theo hướng bền vững; gắn liền với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; sử dụng và khai thác có hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Một số mục tiêu cụ thể
1.Về đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Xây dựng xong quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Cấm Sơn, Hồ Khuôn Thần, suối Mỡ và tuyến du lịch Tây Yên Tử, khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, khu di tích Xương Giang.
Phấn đấu đến năm 2013 xây dựng xong giai đoạn 1 của dự án phát triển du lịch Tây Yên Tử (bao gồm khu du lịch sinh thái Đồng Thông, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ và tu bổ tôn tạo chùa Vĩnh Nghiêm) để đưa vào khai thác. Đến năm 2015 hoàn thành dự án phát triển du lịch tuyến Tây Yên Tử.
Về cơ sở lưu trú: phấn đấu có ít nhất từ 1->2 khách sạn 4 sao, từ 3->4 khách sạn 3 sao và 30->35 khách sạn ( từ 1 đến 2 sao) trong đó có 400 đến 450 buồng nghỉ cao cấp và 3.100 -> 3.750 buồng nghỉ đạt tiêu chuẩn.
Quy hoạch và xây dựng các công trình văn hóa phục vụ cho du lịch như: Quảng trường, Bảo tàng, Nhà hát...
2. Liên kết xây dựng, kết nối các tour, tuyến, các khu điểm du lịch
Liên kết với các tỉnh bạn như Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương để xây dựng các tour, tuyến du lịch.
Căn cứ vào các khu, điểm du lịch trong tỉnh để xây dựng các tour, tuyến trong tỉnh một cách hợp lý.
3. Về doanh thu và khách du lịch
Chú trọng khai thác khách du lịch nội địa trong dịp tổ chức các lễ hội, thu hút khách nghỉ cuối tuần đến từ thủ đô Hà Nội, khách đến từ sườn Đông Yên Tử, khách từ Hà Nội lên Lạng Sơn, khách từ Trung Quốc qua Lạng Sơn về Hà Nội, Quảng Ninh... Phấn đấu đến 2015 thu hút 408 nghìn lượt khách du lịch trong đó khách du lịch nội địa 400 ngìn lượt, khách quốc tế 8.000 lượt, tổng doanh thu ước đạt 262 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ khách nội địa 238 tỷ đồng, khách quốc tế 24 tỷ đồng. Duy trì mức tăng trưởng bình quân đạt từ 26%/năm.
4. Về phát triển nguồn nhân lực
Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy quản lý nhà nước.
Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm tại các đơn vị kinh doanh du lịch; các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cũng như các kiến thức, cách làm du lịch cho người dân ở tại các khu, điểm du lịch.
Phấn đấu đến năm 2015 có 85% lao động trong ngành được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ du lịch.
Tạo thêm việc làm cho người lao động: đến năm 2015 số lượng lao động trong ngành du lịch ước khoảng 3.550 người (tăng thêm trên 2.000 người so với năm 2010). Ðồng thời tạo thêm việc làm cho 6.000 lao động ngoài xã hội đang hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, vận chuyển phục vụ khách du lịch.
2. Nhiệm vụ trọng tâm
2.1. Tổ chức thực hiện quy hoạch và các dự án đầu tư cho phát triển du lịch
Các huyện, thành phố rà soát quy hoạch tổng thể, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của địa phương để làm căn cứ phân định quỹ đất dành cho phát triển du lịch, từ đó xây dựng các đề án, dự án, các công trình phục vụ cho phát triển du lịch.
Triển khai có hiệu quả các đề án, dự án, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Làm tốt công tác xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư, tạo cơ chế chính sách ưu đãi, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Năm 2011 phê duyệt quy hoạch hệ thống di tích lịch sử và danh thắng tuyến Tây Yên Tử; dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ và khu di tích khởi nghĩa Yên Thế; Bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể (Quan họ, ca trù).
2.2. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch
Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, trong đó tập trung kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, đầu tư. Tận dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Trung ương. Chú trọng, ưu tiên, dành kinh phí tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu, điểm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
Trong 5 năm tới tập trung đầu tư ngân sách cho các dự án phát triển du lịch nằm trong những khu, điểm trọng tâm ( Tây Yên Tử, Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần...); trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. (các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như:
Chùa Vĩnh Nghiêm, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế,...); các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng, triển khai dự án cho phát triển du lịch như : Nhà hàng, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch đảm bảo các điều kiện thiết yếu cho du khách.
2.3. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
Tài nguyên du lịch Bắc Giang tương đối phong phú, đa dạng song không nổi trội, do đó cần có sự quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng sản phẩm đặc thù. Căn cứ vào thế mạnh sẵn có cần tập trung đầu tư xây dựng 2 loại hình du lịch chính là: “Du lịch Sinh thái -Nghỉ dưỡng và Du lịch Văn hoá”.
Quan tâm đến bảo tồn và đầu tư phát triển những sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản vật địa phương để phục vụ du khách như: Vải thiều Lục Ngạn, mật ong, mây tre đan Tăng Tiến, gốm Làng Ngòi và các đặc sản nổi tiếng như: Mỳ Thủ Dương (mỳ Chũ), rượu Làng Vân, bánh đa Kế, bánh đa nem Thổ Hà ...
Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để khai thác trong các tuor du lịch như: hát Quan họ, Ca trù... các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian...
2.4. Kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch
Trong tỉnh phát triển du lịch theo 4 hướng chính đó là:
- Thành phố Bắc Giang - Yên Dũng - Lục Nam – Sơn Đông( Theo tỉnh lộ 293= Du lịch văn hóa sinh thái tuyến Tây Yên Tử);
- Thành phố Bắc Giang- Lục Ngạn- Sơn Động( Theo QL 31- Du lịch sinh thái Hồ Cấm Sơn- Rừng nguyên sinh Khe Rỗ);
- Thành phố Bắc Giang - Việt Yên - Hiệp Hòa.( Du lịch văn hóa- khai thác di sản quan họ, ca trù)
- Thành phố Bắc Giang - Lạng Giang - Yên Thế ( du lịch văn hóa truyền thống trong khu khởi nghĩa Yên Thế, bảo tàng quân đoàn II);
Liên kết với các tỉnh bạn khai thác tuyến du lịch ngoài tỉnh theo 4 hướng chính: Hà Nội- Bắc Giang- Lạng Sơn; Hà Nội- Bắc Giang- Quảng Ninh; Thái Nguyên- Bắc Giang- Quảng Ninh; Lạng Sơn –Bắc Giang- Quảng Ninh.