2.4.3.1 Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Thói quen này đã có từ rất lâu và khó có thể thay đổi. Nguyên nhân là do các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thật sự chưa tiện ích và chưa tiếp cận được với mọi người dân, đặc biệt là những người dân ở nông thôn. Mặt khác, các cơ sở cung ứng hàng hoá - dịch vụ cũng muốn thu tiền mặt để tránh sự kiểm soát của nhà nước và trốn thuế nên thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tới 95% trong bán lẻ tại Việt Nam. Một nguyên nhân nữa làm cho người dân thích dùng tiền mặt hơn các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là tâm lí e ngại. Họ e ngại sợ người khác biết được thu nhập của mình thông qua các tài khoản tại ngân hàng, cũng như e ngại những thủ tục thanh toán rườm rà, thái độ làm việc còn quan liêu của một số nhân viên ngân hàng.
Thứ hai, do cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất.
Tuy luật doanh nghiệp đã đưa vào sử dụng nhưng hệ thống pháp luật dành cho các NHTM vẫn chưa hoàn thiện, chưa đủ khả năng bao quát hết các vấn đề và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt là pháp luật về DVNH chưa quy định rõ hay chưa được quy định. Có những DVNH được nêu trong các hiệp định thương
mại Việt-Mỹ, cam kết gia nhập WTO nhưng cũng chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc phát triển các dịch vụ mới như: Internet banking, thẻ thanh toán. . . Hay những quy định về quản lý, lưu giữ chứng từ điện tử trong hoạt động TTQT của các ngân hàng còn chưa cụ thể. Luật kế toán (năm 2004) chậm được hướng dẫn triển khai và còn bất cập so với yêu cầu ứng dụng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật chưa có sự đồng bộ, thống nhất cũng như chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế. Chẳng hạn, hiện nay vẫn đang tồn tại hai văn bản pháp luật mâu thuẫn về lãi suất. Theo Quyết định 1627 thì lãi suất do ngân hàng và khách hàng thoả thuận, trong khi đó Điều 476 Bộ luật Dân sự lại quy định lãi suất không được vượt quá 150% mức lãi suất do NHNN công bố. Hay việc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài ( từ 1/4/2007) hiện giờ vẫn đang còn trên giấy tờ. Nguyên nhân là do việc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài không những phụ thuộc vào Nghị định 22 về tổ chức và hoạt động của ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài mà còn phụ thuộc vào văn bản ghi nhớ giữa NHNN và NHTW tại Quốc gia có tổ chức muốn thành lập ngân hàng tại Việt Nam.
Thứ ba, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một chuẩn mực nhất định để đánh
giá chất lượng DVNH. Việc này đã gây nên những tác động không nhỏ đến khả năng đánh giá chất lượng dịch vụ ngoài tín dụng của chi nhánh như: Dịch vụ đưa ra đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chưa? Có khuyết điểm gì không? So với các ngân hàng khác thì dịch vụ mới có gì nổi trội hơn? Nếu không trả lời được những câu hỏi này thì việc cải tiến, đổi mới các dịch vụ là rất khó khăn.
Thứ tư, sự phát triển của các DVNH chưa có sự liên kết, hợp tác với nhiều
ngành trong nền kinh tế. Chẳng hạn như các ngành: Điện , bưu điện, thuế . . . chưa thật sự tạo điều kiện cho các dịch vụ thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng phát triển. Hàng tháng, các ngành này vẫn cử nhân viên đi đến từng hộ gia đình, từng doanh nghiệp để thu tiền. Việc làm này vừa mất thời gian lại vừa tốn kếm chi phí đi lại. Nếu các ngành này hợp tác với ngân hàng thì hiệu qua sẽ tăng lên rất nhiều,
vừa có lợi cho ngân hàng cũng vừa có lợi cho các ngành này. Tuy nhiên để thực hiện được việc này cần phải có thời gian và sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía Chính Phủ.
Thứ năm, năng lực điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất của NHNN còn
nhiều hạn chế.
Các công cụ của chính sách tiền tệ chưa mạnh. Cơ chế điều hành lãi suất chưa hữu hiệu, đặc biệt là lãi suất đồng Việt Nam và lãi suất ngoại tệ chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với nhau và chưa được đặt trong mối quan hệ hợp lý với tỉ giá. Điều này đã khiến cho nhu cầu đầu tư, thanh toán, nắm giữ các tài sản có giá (vàng, bất động sản) còn khá phổ biến và tình trạng đô la hoá ở mức tương đối cao.
Ngoài ra, nhiều chính sách tiền tệ của NHNN được ban hành quá đột ngột, gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng. Chẳng hạn, trong mấy tháng đầu năm 2008, NHNN đã thực hiện nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát như:
- Tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc: Cụ thể đối với tiền VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng thì tỉ lệ dữ trữ bắt buộc tăng từ 10% lên 11%. Còn đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thì tỉ lệ dữ trữ bắt buộc tăng từ 4% lên 5%. Đối với tiền gửi bằng ngoại tệ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 10% lên 11%, với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng tỉ lệ giữ trữ bắt buộc tăng từ 4% lên 5%. Với việc tăng tỉ lệ đữ trữ bắt buộc đã tác động đến các NHTM , mà tác động lớn nhất là việc các NHTM thiếu vốn trong hoạt động cho vay cũng như làm cho tính thanh khoản của cả hệ thống bị ảnh hưởng ít nhiều. Để huy động được nguồn vốn nhằm đảm bảo cho hoạt động của mình, các ngân hàng đã tham gia vào cuộc chạy đua lãi suất. Đỉnh điểm của cuộc chạy đua này là có ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất 15%/năm đối với tiết kiệm không kỳ hạn bằng VND và 7%/năm đối với tiết kiệm bằng USD.
- Thắt chặt tín dụng chứng khoán và bất động sản. Với các chính sách này các ngân hàng hầu như không tiến hành cho vay đối với các hoạt động đầu tư chứng khoán và bất đông sản. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
Với những chính sách mà NHNN đưa ra, tuy đã góp phần làm giảm lạm phát nhưng cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các NHTM, trước hết là làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng và trong thời gian tới các chính sách này cũng sẽ làm thay đổi các DVNH.
2.4.3.2 Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, chưa có chiến lược cụ thể cho việc phát triển các dịch vụ mới
Là một trong những chi nhánh trực thuộc NHNo&PTNT Việt Nam nên mọi chiến lược phát triển của chi nhánh đều căn cứ vào chiến lược phát triển của NHNo&PTNT Việt Nam. Chi nhánh không được tự quyết định phát triển các DVNH nói chung và dịch vụ ngoài tín dụng nói riêng nếu chưa có sự phê duyệt của Tổng giám đốc. Đây là một hạn chế rất lớn đối với sự phát triển lâu dài của chi nhánh, bởi chi nhánh là nơi tiếp cận trực tiếp với khách hàng, hiểu được nhu cầu của khách hàng nhưng không thể đáp ứng được. Vì vây, việc cung cấp các dịch vụ ngoài tín dụng của chi nhánh mang tính “duy trì” nhiều hơn là “phát triển”.
Thứ hai, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh và có nhiều xáo trộn trong thời gian
qua.
Số cán bộ được đào tạo chuyên về DVNH chưa nhiều. Công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên còn thiếu sự quan tâm. Nhiều cán bộ tuy có kinh nghiệm nhưng lại không chịu thường xuyên cập nhập những thông tin mới nhất về thị trường. Theo xu thế hiện nay, trình độ ngoại ngữ cao là một đòi hỏi chung nhưng hầu hết các nhân viên còn có trình độ rất thấp, chỉ có một số người đáp ứng được. Điều này có thể gây trở ngại cho việc sắp xếp, bố trí công việc.
Công tác đào tạo cán bộ công nhân viên mới chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu trước mắt chứ chưa chú trọng đào tạo phục vụ lâu dài.
Mặt khác trong thời gian qua, chi nhánh được nâng cấp lên cấp I nên có nhiều sự xáo trộn trong cơ cấu tổ chức. Từ Ban giám đốc đến các phòng ban có nhiều thay đổi. Những sự thay đổi này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các cán bộ công nhân viên nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến thái độ làm việc.
Thứ ba, do có sự hạn chế về vốn đầu tư cho các dịch vụ ngoài tín dụng.
Để có thể phát triển các dịch vụ ngoài tín dụng cả về số lượng lẫn chất lượng thì đòi hỏi phải có một số vốn lớn để đầu tư cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hàng năm chi nhánh chỉ được cấp một lượng vốn rất ít , không đủ để đầu tư đổi mới với quy mô lớn mà chỉ để thay thế các trang thiết bị nhỏ. Nếu muốn được cấp vốn để đầu tư đổi mới công nghệ thì phải làm đơn trình lên cấp trên xin xét duyệt, nhưng quá trình xét duyệt cũng thường diễn ra rất lâu nên nhiều khi đã bỏ qua nhiều cơ hội.
Thứ tư, việc ứng dụng công nghệ để phát triển các dịch vụ ngoài tín dụng
rất hạn chế
Tuy đã có sự chú trọng đầu tư nhưng hệ thống công nghệ ngân hàng của NHNo&PTNT Việt Nam nói chung và chi nhánh Hà Thành nói riêng còn có rất nhiều hạn chế. Mặc dù đã triển khai chương trình IPCAS nhưng chưa khai thác hết các ứng dụng của nó. Nhiều chi nhánh còn phải sử dụng các chương trình cũ. Đối với chi nhánh Hà Thành thì mới được triển khai chương trình IPCAS gần đây nên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc phát triển các dịch vụ mới, đặc biệt là những dịch vụ: Internet banking, telephone banking . . .
Thứ năm, các chiến lược marketing chưa hợp lý
Để khuyếch trương hình ảnh và nâng cao uy tín cho chi nhánh, trong thời gian qua chi nhánh đã tiến hành nhiều chương trình quảng cáo. Nhưng thay vì quảng cáo trên các phương tiên thông tin đại chúng như: Tivi, đài truyền thanh,
báo chí (những phương tiện thu hút sự quan tâm của công chúng nhiều nhất) thì lại quảng cáo thông qua việc tài trợ cho các hoạt động: bóng đá sinh viên, hoạt động từ thiện . . . nhưng những chiến dịch quảng cáo này chưa mang lại hiệu quả cao, mà chỉ mới để lại một hình ảnh mờ nhạt trong tâm trí người dân.
Thứ sáu, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các dịch vụ còn nhiều hạn
chế. Hoạt động điều hành nhiều khi quá phụ thuộc vào nguyên tắc, thiếu sự linh hoạt và kiên quyết cần có. Đối với việc điều hành để thực hiện triển khai dịch vụ mới còn có tâm lý e ngại do sợ rủi ro.