Đinh Bộ Lĩnh là con của một vị đứng đầu châu mục - ông Đinh Công Trứ phụ thân của Đinh Bộ Lĩnh là tướng của Dương Diên Nghệ, được giao làm thứ sử Hoan Châu, nhưng cha mất sớm. Bà mẹ từ trước đã không theo chồng vào phía nam, mà ở lại sống trong cảnh nghèo nàn lam lũ tại quê nhà ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Cả một thời gian dài mò cua bắt ốc giúp mẹ, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh đã phải đến ở nhờ người chú là Đinh Thúc Dự tại sách Bông. Chú giao cho đi chăn trâu, cắt cỏ, do đó mà chơi thân với lũ trẻ trong làng. Cậu bé láu lỉnh thông minh đã bày ra nhiều trò chơi khá độc đáo. Lúc bấy giờ bốn phương loạn lạc, các ông thổ hào ở các vùng đều mong mở mang cơ nghiệp, tranh bá đồ vương, nên chuyên dùng gươm giáo để đọ sức nhau, đem quân đi gây chiến nơi này nơi khác. Các cảnh tượng ấy đập vào mắt cậu bé, làm cho cậu nhiều lần ước mơ một cuộc tranh đua! Cậu tưởng tượng một ngày kia, mình cũng có thể uy nghi chiếc ngự thanh gươm, trổ tài với thiên hạ. Chưa đến ngày đó , thì ngay bây giờ sao ta lại không thử diễn tập trong hoàn cảnh đồng cỏ mênh mông, núi rừng bát ngát này. Nghĩ vậy nên cậu gọi tất cả bọn trẻ lại, bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu cho cậu ngồi lên, rước đi quanh cánh đồng. Đám rước rầm rộ như vậy, nhưng không có cờ quạt thì chưa uy nghi, cậu nghĩ ra sáng kiến, cho bọn trẻ bẻ những cây hoa lau, cầm cao lên, hộ tống xung quanh cái kiệu tay của mình. Sau đám cờ lau, kiệu người ấy là hàng chục, hàng trăm những chiến binh tí hon, nối đuôi nhau, hò hét, hoan hô thật là náo nhiệt. Có hôm cậu kéo cả đoàn sang các thôn bên cạnh, khiêu khích cho lũ trẻ bên ấy kéo ra, tha hồ vật, đấm, xô đẩy nhau.
Cứ thấy nhóm của mình núng thế, là cậu bé ngồi trên kiệu lại nhảy ngay xuống, xông đến những chú lực lưỡng nhất, thách nhau vài keo vật. Bọn trẻ các thôn, dù sức vóc đến đâu, trước những miếng vật tài tình, điêu luyện của Đinh Bộ Lĩnh cũng đều phải đầu hàng. Thế là đám quân cờ lau bé bỏng này mỗi ngày một đông đảo thêm lên. Dân chúng trong vùng, nhất là các cụ phụ lão, nhìn những cảnh ấy, đều khâm phục cậu bé, và tin rằng chắc chắn sau này cậu sẽ có một sự nghiệp phi thường. Đang đà phấn khởi hân hoan, cậu bé hứng chí nghĩ ra việc khao quân đánh chén. Phải cho quân sĩ ăn ngon, chúng mới thêm gắn bó với mình. Chẳng cần suy nghĩ sâu xa gì, cậu bé cho đoàn quân vật ngay con trâu mộng của ông chú mình ra làm thịt. Bọn trẻ được một bữa khao quân khoái chí, càng thêm yêu quí "vị lãnh tụ tí hon" của mình. Chúng ăn sạch thịt trâu, lòng trâu, giữ lấy sừng trâu để làm đồ đựng rượu, phơi da trâu để dự định làm chiếc trống đại sau này. Mọi việc được sắp đặt đầy đủ trên bãi cỏ ngoài đồng, dưới chân núi, không cho ai biết.
Ngay chiều hôm ấy về nhà, ông chú hỏi trâu đâu, cậu bé liến láu chối là trâu đi lạc vào hang, không sao gọi ra được. Ông chú bắt cậu bé phải dắt ra tận nơi xem xét. Đến một chỗ khe núi, chú đã cho cắm sẵn đuôi vào lỗ hở, liền gọi toáng lên:
- Chú ơi ! Trâu vào hang rồi, mà cửa hang nó khép lại hay sao ấy.
Ông chú thấy vô lý, hùng hổ chạy lại rút ra được cái đuôi, mới biết rõ là bị thằng cháu lừa. Ông vác dao đuổi thằng bé. Nó ba chân bốn cẳng chạy ra phía bờ sông, chú càng bực mình càng đuổi gấp. Hoảng quá, cậu bé nhảy đại xuống nước mất tăm. Nước sông tung tóe, cao đến hơn đầu người, đúng vào lúc nắng quái chiều hôm chiếu vào thành một chùm hào quang óng ánh, rực rỡ. Ông chú nhìn ra có cảm giác như có một cái đầu rồng chúc xuống để cõng thằng bé lên cao. Ông chú bất giác tưởng như có rồng vàng hạ xuống đón cháu, vội vàng quì xuồng nhắm nghiền mắt.
Khi mở mắt ra thì mặt sông trở lại bằng phẳng, nắng cũng vừa tàn còn đứa cháu của ông thì chẳng thấy quay lên. Ông đành cắm con dao xuống đất, ngồi chờ, vừa chờ vừa lo ngại... Ngay lúc ấy, chú bé lặn một hơi sang bờ bên kia, theo đường chéo góc cho ông chú không nhìn thấy, rồi tìm đường khác quay về làng, lén đến mấy người bạn thân, bí mật rủ nhau đi, không để một ai dò ra tung tích. Tự tin vào sức khỏe của mình, ba cậu tìm đến những vị tướng hùng cứ các nơi, xin vào hầu hạ. Cuối cùng các cậu sang mãi bên vùng Bố Hải Khẩu (nay thuộc tỉnh Thái Bình) xin gia nhập làm bộ hạ của ông Trần Lãm, tức là Trần Minh Công. Càng lớn, Đinh Bộ Lĩnh càng tỏ ra là một chàng trai khôi ngô tuấn tú và rất thông minh. Trong những lần Trần Lãm và các tướng tá bàn bạc việc binh, Bộ Lĩnh đứng canh gác hầu hạ, biết cách nghe lỏm nhiều mưu mẹo hành binh, dần dần các binh thư, binh pháp ông đều thông thạo. Đinh Bộ Lĩnh làm quen với nhiều bạn bè, ai có khả năng gì là cố gắng học hỏi, từ những chuyện trận mạc cho đến những việc điều hành chính sự, chăm sóc lương dân. Mọi người đều quí mến và tôn phục ông. Đinh Bộ Lĩnh được Trần Minh Công tin tưởng, cho kết duyên với cô con gái độc nhất của ông là cô Trần Nương một người có học thức, đã giúp ông hiểu biết thêm ít nhiều chữ nghĩa, sách vở. Đinh Bộ Lĩnh là người đã bày ra kế sách để diệt được Lý Lãng Công ở Siêu Loại, và thu phục được Phạm Phòng A't ở Đằng Châu. Minh Công chết, giao lại toàn quyền cho con rể. Đinh Bộ Lĩnh trở thành một sứ quân cầm đầu vùng Bố Hải, rồi dần dần phát huy thế lực, dẹp được cả các sứ quân còn lại. Ra quân là chiến thắng, đi đến đâu là nơi ấy được dẹp yên. Quân sĩ và dân chúng đều phải suy tôn ông là Vạn Thắng Vương. Và đến bây giờ, thì tất cả đều đồng lòng, tôn ông lên ngôi Hoàng đế. Giấc mộng làm vua từ hồi còn trẻ thơ trong những buổi cờ lau tập trận, dần dần trở thành hiện thực qua những năm tháng tung hoành cho thỏa chí làm trai, và hôm nay thì thực sự, ông đã ngồi trên ngai vàng, đã trở thành ông vua của nước Nam độc lập.
Vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vào năm Mậu Thìn (968) khi ông vừa 43 tuổi. Trở thành Hoàng đế, ông cho đặt lại quốc hiệu, không chịu nhận cái tên An Nam mà người Tàu đặt cho mình xem như là một phủ dưới quyền đô hộ của họ. Ông tuyên bố quốc hiệu của nước mình là Đại Cồ Việt. Phải là Đại, và phải là Cồ. Nước Việt này lớn mạnh đàng hoàng, phải được gọi tên như thế. Đinh Tiên Hoàng cũng nghĩ đến việc thành lập một kinh đô cho có bề thế trang nghiêm. Ông không muốn ở lại thành Đại La, thành Cổ Loa, mà chọn ngay quê hương của mình để xây dựng thành một trung tâm đầu não của đất nước. Địa thế Hoa Lư so với hai nơi trên tuy có hẹp hơn,
nhưng có lợi thế là rất hiểm, có thể đề phòng những cuộc tấn công của quân thù. Hoa Lư đã sớm trở thành một đô thị kinh tế văn hóa và một thành trì quân sự.
Tư chất thanh niên ở vua Đinh Tiên Hoàng còn thể hiện cả ở sự phóng khoáng, sự chung thủy của ông trong tình bạn tình yêu. Như ta đã biết ông có mấy người bạn, chơi thân với nhau từ thuở thiếu thời, và luôn kề vai sát cánh với nhau trong các mặt trận, đến nay ông đều tiếp tục sử dụng, dành cho họ những chức tước trọng yếu trong triều. Nguyễn Bặc làm Đinh quốc công, Đinh Điền làm quan ngoại giáp, Lưu Cơ làm sĩ sư. Biết con mình có tài, ông giao cho việc phụ trách ngoại giao, nhiều lần đi sứ. Đinh Liễn có một viên tướng thủ túc có biệt tài, tiến lên vua cha, đó là Lê Hoàn. Đinh Bộ Lĩnh không ngần ngại, dùng ngay Lê Hoàn vào việc lớn, dần dần lên đến chức thập đạo tướng quân. Ông biết cách dựa hẳn vào tầng lớp trí thức của dân tộc để mưu đồ nghiệp lớn.
Đinh Tiên Hoàng luôn luôn chăm chú sao cho đất nước của mình vững mạnh, chống lại mọi âm mưu xâm lược hay bạo loạn. Ông muốn dùng uy để chế ngự thiên hạ, đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh: Kẻ nào trái phép sẽ bị vứt vào vạc dầu hoặc chuồng cọp. Mặc dù chưa phải dùng đến hình phạt ấy nhưng mọi người đều sợ, phép nước được tuân thủ. Ông đặc biệt chú ý đến việc tổ chức quân đội cho nước nhà.
Nhưng vào những năm cuối đời, Đinh Tiên Hoàng đã phạm sai lầm bỏ trưởng lập ấu, cho con út là Hạng Lang làm Thái tử. Con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn đã theo Tiên Hoàng đi trận mạc từ thuở hàn vi, không được kế vị ,tức giận, sai người giết Hạng Lang. Họa loạn gây nên ngay trong hoàng tộc.
Năm Kỷ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết chết. Triều đình bắt được Đỗ Thích đem xử tội và tôn Vệ Vương Đinh Toàn lên làm vua.
Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi.