Hình thức thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở - thực tiễn tại tỉnh Quảng Bình (Trang 37)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.3.Hình thức thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở

Hình thức thực hiện pháp luật là cách thức mà các chủ thể tiến hành các hoạt động có mục đích làm cho các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống.

Các quy phạm pháp luật rất phong phú nên hình thức thực hiện chúng cũng rất phong phú và khác nhau. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật, có thể xác định thực hiện pháp luật bao gồm các hình thức tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật. Trong đó, thi hành pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Sử dụng pháp luật là hình thức trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép), ở hình thức này các chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình. Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở được thực hiện chủ yếu ở hình thức sử dụng pháp luật (đối với chủ thể là công dân) và áp dụng pháp luật (đối với chủ thể là chính quyền và các tổ chức chính trị cơ sở). Nếu xem xét thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở chính là thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở chính là quyền thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở thì thực hiện quyền dân chủ được thể hiện ở hai hình thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Dân chủ đại diện là việc nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện cho họ theo nghĩa rộng. Các cơ quan, tổ chức đại diện cho quyền lực và quyền làm chủ của nhân dân bao gồm: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan nhà nước khác, các đoàn thể, các tổ chức xã hội. Theo nghĩa hẹp, cơ quan tổ chức đai diện cho nhân dân là Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội. Dân chủ đại diện thể hiện tập trung thống nhất quyền lực của nhân dân, tạo ra những điều kiện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Dân chủ đại diện ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Hội đồng nhân dân và các đoàn thể xã hội chủ yếu bằng các phương thức cơ bản sau: - thông qua hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân ở cơ sở là những

người do cử tri bầu ra, đại diện cho lợi ích và nguyện vọng của cử tri. Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu những vấn đề mà cử tri quan tâm, đại biểu Hội đồng nhân dân tập hợp ý kiến của của cử tri và căn cứ vào quy định của pháp luật, đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ tham gia xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân nhằm quyết định những chủ trương, giải pháp thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp. Chất lượng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định hiệu quả đại diện của Hội đồng nhân dân. Dân chủ đại diện còn được thực hiện thông qua việc Hội đồng nhân dân thực hiện các chức năng của Hội đồng nhân dân: ban hành Nghị quyết nhằm tổ chức thực hiện pháp luật và giải quyết những vấn đề quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở phù hợp với ý chí nguyện vọng của nhân dân, Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân. Dân chủ đại diện cũng được thực hiện thông qua hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội như: công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…Các tổ chức này là tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, do cách thức tổ chức phù hợp và đại diện cho đoàn viên, hội viên. Trong các phương thức trên thì phương thức thực hiện thông qua hoạt động của Hội đồng nhân dân có vai trò quyết định bởi vì thông qua hoạt động của Hội đồng nhân dân,ý chí của nhân dân trở thành ý chí của Nhà nước, được đảm bảo thực hiện bằng bộ máy nhà nước và phương thức tác động có tính bắt buộc chung đối với các thành viên ở cơ sở.

Dân chủ trực tiếp là hình thức thể hiện ý chí trực tiếp, có nghĩa là nhân dân trực tiếp làm chủ, trực tiếp tham gia xây dựng và quản lý Nhà nước ở xã, phường. Văn kiện Đại hội IX, Đại hội X của Đảng xác định có những phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp sau:

 Trưng cầu ý dân;

 Chế độ bầu và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp;

 Hỏi ý kiến nhân dân, đưa ra thảo luận các chủ trương, chính sách, các quyết định quản lý;

 Khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu tố của nhân dân;

 Chế độ công khai, báo cáo công việc trước nhân dân của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước;

 Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp những vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự trên địa bàn địa phương, cơ sở;

 Chế độ tự phê bình trước dân;

 Tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu tố, đơn thư dân nguyện;

 Xây dựng chế độ và các tổ chức tự quản đời sống cộng đồng, tập thể. Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở được tiến hành bằng hình thức nào cũng phải đảm bảo yêu cầu, nguyên tắc của pháp chế xã hội chủ nghĩa, tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp, pháp luật và giữ vững đường lối của Đảng, tăng cường khối đoàn kết cộng đồng, phát huy sức mạnh, trí tuệ của nhân dân để ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở - thực tiễn tại tỉnh Quảng Bình (Trang 37)