Quá trình sinh thành và dịch chuyển HydroCacbon

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng dầu khí và thiết kế giếng khoan tìm kiếm trên cấu tạo triển vọng Y, lô 103-107, Bắc bể Sông Hồng (Trang 43)

Nhìn chung, trầm tích trong khu vực nghiên cứu bị chôn vùi rất sâu, địa nhiệt cao nên hiện tại đá mẹ Eocene – Oligocene là tầng đá mẹ chính nói chung đã trải qua tất cả các pha tạo sản phẩm dầu đến khí ẩm, condensate và khí khô. Trong đó pha tạo dầu chính xảy ra cách đây khoảng 30 - 18 triệu năm, tạo khí ẩm và condensate cách đây 20 – 8 triệu năm và tạo khí khô cách đây 10 – 5 triệu năm. Với khoảng thời gian thành tạo dầu khí này thì chủ yếu lượng sản phẩm được sinh ra sẽ bị thất thoát bởi đây là giai đoạn mới hoặc đang hình thành các cấu tạo do quá trình hoạt động nghịch đảo Miocene.

Trong khi đó, tầng đá mẹ Miocene dưới nếu bị chôn vùi độ sâu trưởng thành, thường có pha tạo dầu chính cách đây 15 – 8 triệu năm, tạo khí ẩm và condensat cách đây 10 – 5 triệu năm và tạo khí khô từ khoảng 7 triệu năm đến nay. Trong khoảng thời gian này, các cấu tạo và bẫy chứa có thể đã tương đối hoàn thiện cho việc tích tụ sản phẩm.

Tùy thuộc vào độ sâu chôn vùi, cửa sổ tạo khí khô hiện tại trong khoảng 3.700 – 5.000m, cửa sổ tạo dầu biến đổi khoảng 2.200 – 4.000m.

Ngay sau khi dầu khí được sinh thành, chúng có thể di cư. Quá trình dịch chuyển ban đầu của dầu và khí từ đá mẹ đến bẫy đều theo phương pháp thẳng đứng theo đứt gãy, sau đó dịch chuyển theo phương ngang là chính. Nhưng việc tích tụ dầu khí lại phụ thuộc vào tuổi hình thành cấu tạo.

Ở thời điểm hiện tại, trầm tích đang trong pha tạo khí khô là chủ yếu, diện tích có đá mẹ trong cửa sổ tạo dầu rất hạn hẹp. Các cấu tạo hình thành trước hoặc đồng trầm tích Miocene dưới – giữa có thể tích tụ một lượng rất lớn dầu khí. Nhưng nếu bị bào mòn cắt cụt mạnh sau đó hoặc thiếu trầm tích của lớp phủ chắn thì cấu tạo đó rất khó lưu giữ dầu, mà chỉ có thể là một tích tụ khí và condensate.

Các cấu tạo phát triển muộn trong Miocene – Pliocene do bị nén ép mạnh, bị nâng lên quá mức nên thường bị bào mòn cắt xén mạnh, thường là vài trăm mét đến hàng nghìn mét. Đây là những yếu tố không thuận lợi cho những tích tụ đón nhận dầu khí từ pha di cư chính. Hơn nữa nghịch đảo kiến tạo còn tạo nên các khe nứt, đứt gãy mà có thể ở một mức độ nào đó, đã phá hủy một lượng dầu khí đã tích tụ trước đó. Nhìn chung, chỉ có thể đón nhận và tích tụ khí, trường hợp thuận lợi nhất là khí condensat.

Các cấu tạo hình thành trước và đồng trầm tích Oligocene có thể đón nhận và tích tụ dầu, nhưng vị trí nó phải thuận lợi: nằm cạnh các địa hào không sâu lắm, ổn định trong quá trình phát triển, không hoặc ít bị bào mòn, ít bị phá hủy của kiến tạo sau đó.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng dầu khí và thiết kế giếng khoan tìm kiếm trên cấu tạo triển vọng Y, lô 103-107, Bắc bể Sông Hồng (Trang 43)