Chương 4 BÀN LUẬN
4.3. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC KHÁM THA
Mức hiểu biết về kiến thức chăm sóc thai sản: Hiểu biết đầy đủ về kiến thức chăm sóc thai sản đồng thời có thái độ tốt muốn thay đổi những hành vi có hại cho sức khỏe thành những hành vi có lợi cho sức khỏe dẫn đến hành động đúng trong việc chăm sóc thai sản của các bà mẹ trong thời gian mang thai. Cung cấp đầy đủ kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để họ có thể tự chăm sóc cho mình và cộng đồng cũng là một trong những hoạt động cần thiết của công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy 87,2% các bà mẹ nhận thức được việc đi khám thai là cần thiết (bảng 11). Mức độ hiểu biết về lợi ích việc khám thai của các bà mẹ còn thấp: 36,6% các bà mẹ được hỏi biết đi khám thai có thể phát hiện sớm các bất thường của mẹ, 43,6% biết khám thai có thể phát hiện sớm các bất thường của thai, 37,2% biết khám thai để được cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ như tiêm uốn ván, uống viên sắt, tư vấn sức khỏe vv (bảng 12; biểu đồ 4). Kiến thức chăm sóc trước sinh 15,4% các bà mẹ được hỏi biết thời điểm cần đi khám thai “khám thai định kỳ và khám thai khi có dấu hiệu bất thường” (bảng 13), 53,8% các bà mẹ biết số lần khám thai cần thiết ≥ 3 lần (bảng 14).
Mức hiểu biết về kiến thức chăm sóc thai sản kém chiếm 65,4%, khá chiếm 31,1% và kiến thức tốt chỉ chiếm có 2,6% (bảng 15; biểu đồ 5). Tỉ lệ này gần tương đương so với nghiên cứu của Đinh Thanh Huề, Dương Thu Hương tại Huế (với tỉ lệ tương ứng là 22,0%, 29,5% và 48,5%) [12]. Có sự liên quan mật thiết giữa mức hiểu biết về chăm sóc thai sản của bà mẹ với số lần khám thai: Bà mẹ có kiến thức tốt đi khám thai đầy đủ hơn các bà mẹ có kiến thức khá (χ2 =10,489, p < 0,05) (bảng 20).
Để củng cố công tác chăm sóc thai sản ở địa phương, việc nâng cao kiến thức về chăm sóc thai sản là cần thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy các bà mẹ nhận được thông tin chủ yếu từ cán bộ y tế (80,8%), tiếp theo là qua đài báo, ti vi (26,9%), qua các cộng tác viên và y tế thôn bản (24,4%), qua trao đổi thông tin
(14,1%). Chỉ có 7,7% các trường hợp biết thông tin qua tờ rơi và áp phích (bảng 16). Để tăng cường khối lượng thông tin đến với các bà mẹ, cần phải đa dạng hoá nguồn cung cấp thông tin (tăng cường cung cấp thông tin qua tờ rơi và áp phích...) và củng cố các nguồn cung cấp thông tin đã có sẵn (như qua nhân viên y tế thôn bản, đài truyền thanh xã..)
Tuổi của bà mẹ: Các bà mẹ độ tuổi từ 20-30 chiếm đa số với 78,2% tổng số các bà mẹ. Độ tuổi dưới 20 là 11,5% và độ tuổi trên 30 là 10,3% (bảng 1). Không tìm thấy mối liên quan giữa độ tuổi của bà mẹ và số lần khám thai với p > 0,05 (bảng 19). Nghiên cứu của Phan Lạc Hoài Thanh (2003) tại huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương cho thấy có mối liên quan giữa độ tuổi của bà mẹ và số lần khám thai. Tác giả cho rằng độ tuổi 20-30 các bà mẹ đi khám thai ít hơn độ tuổi dưới 20 và trên 30 do ở độ tuổi này các bà mẹ có ít nguy cơ tai biến liên quan đến thai nghén hơn các bà mẹ ở độ tuổi còn lại [17].
Mức kinh tế gia đình: Hầu hết các bà mẹ có mức kinh tế nghèo với thu nhập bình quân đầu người ≤ 400.000đ/người/tháng (70,5%). Tỉ lệ không nghèo chiếm 29,5% trong tổng số các bà mẹ được hỏi (bảng 5). Có mối liên quan giữa mức kinh tế gia đình và số lần khám thai ở nghiên cứu này với p < 0,05 (bảng 17). Chúng tôi thiết nghĩ rằng khi điều kiện kinh tế phát triển đủ cái ăn, có cái mặc con người mới quan tâm đến chất lượng cuộc sống hơn, có sự lựa chon dịch vụ. Hơn nữa, trên thực tế các bà mẹ không phải trả tiền khi khám thai do vậy chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ không được thân thiện lắm. Do vậy, nên mức kinh tế gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc đi khám thai của bà mẹ.
Trình độ học vấn của bà mẹ: 44,9% các bà mẹ không biết chữ, 41% là tiểu học, tiếp theo là trung cơ sở 11,5%, trung học phổ thông 1,3%, trên THPT 1,3% (bảng 3). Không tìm thấy mối liên quan giữa trình độ học vấn của bà mẹ và số lần khám thai với p > 0,05.