Mua tài sản
3.2.1.2. Dự kiến các hoạt động của công ty mua bán nợ Việt Nam
Công ty mua, bán nợ Nhà nước thực tế sẽ chỉ có một cơ cấu tài chính – tài sản. Đối tượng mua nợ và các tài sản là các ngân hàng thương mại, trong giai đoạn đầu ưu tiên các ngân hàng thương mại quốc doanh. Ngân hàng thương mại cổ phần bán cho công ty mua, bán nợ những khoản nợ có vấn đề của các ngân hàng thương mại quốc doanh và các Doanh nghiệp Nhà nước. Trong trường hợp này việc tài trợ, định giá và các chính sách khác sẽ mang chức năng chính sách hơn là các sức mạnh thị trường và các cơ cấu vốn có tính tối ưu.
Nợ được mua là các khoản nợ khó đòi hạch toán trên sổ sách kế toán của ngân hàng từ trước 31/12/2000. Tài sản được mua là những tài sản đã gán, xiết nợ liên quan đến các khoản nợ khó đòi được hạch toán trên sổ sách nh thời điểm trên. Ngân hàng đã nhận được tài sản, quyền sở hữu hay quyền sử dụng, quyền định đoạt và các quyền khác do con nợ chuyển giao để thay thế một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho khách hàng.
Đối với các khoản nợ không còn giá trị do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Để thực hiện việc mua bán nợ – tài sản công ty mua, bán nợ sẽ lập chứng chỉ chuyển giao làm cơ sở pháp lý trong việc mua bán, chuyển nhượng.
Công ty được trực tiếp mua theo giá thị trường một phần hoặc toàn bộ nợ, tài sản mà bên bán nợ đang nắm giữ quyền sở hữu, hoặc quyền sử dụng, định đoạt với các tổ chức cá nhân khác.
Các tài sản được mua, công ty mua bán nợ sẽ trực tiếp quản lý hoặc sử dụng đại lý để quản lý, bảo trì, bảo dưỡng... các khoản nợ thì cơ cấu lại thông qua việc xác định lại thời hạn nợ mới, thay đổi kỳ hạn trả nợ, phương thức trả nợ gốc, miễn giảm lãi suất, đầu tư cho vay thêm, chuyển đổi thành cổ phiếu trái phiếu... nhằm chuyển đổi các khoản vay không sinh lời thành có sinh lời, phục hồi tài sản và khả năng sinh lời. Cuối cùng công ty mua bán nợ sẽ thực hiện quy trình bán, chuyển nhượng tài sản thông qua đấu giá, chứng khoán hoá hoặc bán riêng theo thoả thuận.
Nhìn chung, mô hình công ty mua bán nợ do Ngân hàng Nhà nước đề xuất là tổng hợp kết quả của cả một quá trình nỗ lực nghiên cứu tìm tòi, áp dụng các kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cùng với sự giúp đỡ tận tình của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới như Công ty Anthur Andersen, Công ty Deloitte Touch Tohmatsu, Công ty Vinstar...
Tuy nhiên, do tính đặc thù riêng biệt của nền kinh tế Việt Nam, do những hạn chế, thiếu đồng bộ của môi trường pháp lý, các vấn đề về chính sách, vốn, nhân sự... cũng như một số điểm chưa thực sự thích hợp trong bản thân mô hình công ty mua, bán nợ mà đến nay công ty vẫn chưa được cho ra đời. Vì vậy, cùng với việc Chính phủ từng bước xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa mô hình công ty mua bán nợ Nhà nước để trình lên Chính phủ, nhanh chóng đưa mô hình công ty đi vào hoạt động.
3.2.2. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản hướng dẫn thực hiện các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản.
Như đã phân tích, hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản cần có những quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh, công ty cần được trao những kỹ năng và quyền lực đặc biệt để có thể hoàn thành được mục tiêu xử lý nợ tồn đọng khó đòi của hệ thống ngân hàng. Việc Chính phủ không ngừng hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý
cho hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là điều vô cùng cần thiết và phải làm cho được. Tuy nhiên, để công ty quản lý nợ và khai thác tài sản biết, hiểu, và thực hiện đúng theo các quy định luật pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc ban hành các văn bản liên quan, cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện quyết định, và cần tránh không để xảy ra hai tình trạng:
- Thứ nhất, các quyết định, văn bản của Ngân hàng Nhà nước không thống nhất,
thậm chí xung đột với quyết định của Chính phủ; không phù hợp với đòi hỏi thực tế.
- Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành các công văn, chỉ thị, văn bản...
hướng dẫn hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản theo tinh thần quyết định của Chính phủ.
Cả hai trường hợp trên đều gây nên những khó khăn, vướng mắc cho công tác giải quyết nợ tồn đọng của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát các văn bản hiện hành có liên quan đến việc xử lý nợ tồn đọng và hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của các ngân hàng thương mại để ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới cho phù hợp với các quyết định và tình hình thực tế.
Một trong những trường hợp Ngân hàng Nhà nước cần xem xét là Quy chế mua bán nợ ban hành kèm theo Quyết định số 140/1999/QĐ-NHNN14 ngày 19 tháng 04 năm 1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Quy chế này chỉ điều chỉnh hoạt động mua bán nợ mà bên bán là tổ chức tín dụng. Do đó, sau khi mua nợ từ các tổ chức tín dụng, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các ngân hàng thương mại không biết căn cứ vào văn bản pháp lý nào để bán nợ cho các tổ chức kinh tế hay cá nhân khác. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động mua bán nợ giữa công ty quản lý nợ và khai thác tài sản với các tổ chức kinh tế và cá nhân khác hoặc ngược lại.