Mặc dù khi thực hiện bảo lãnh cho khách hàng, ngân hàng không phải xuất vốn trực tiếp nhưng do bảo lãnh cũng là một hoạt động tín dụng nên không vì thế mà nó không gây rủi ro cho ngân hàng. Ngân hàng cam kết bảo lãnh cho khách hàng cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng đã chịu trách nhiệm trả thay cho khách hàng khi họ không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với bên yêu cầu bảo lãnh. Vì vậy, có thể nói mọi rủi ro xảy ra với khách hàng dẫn đến họ không thể thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ của mình đã thoả thuận trong hợp đồng cơ sở cũng đều gây tổn thất, thiệt hại cho ngân hàng. Những rủi ro đó có thể được xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ, lạm phát, tình hình chính trị - xã hội… và những nguyên nhân chủ quan như khả năng điều hành, quản lý của khách hàng, sự thiếu thông tin… gây ảnh hưởng xấu tới tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm bởi những rủi ro do chính mình gây ra như:
- Do trình độ của cán bộ ngân hàng không đạt yêu cầu dẫn đến không đánh giá được chính xác tình hình và khả năng thực hiện nghĩa vụ của khách hàng trước khi quyết định bảo lãnh.
- Việc thực hiện quy trình bảo lãnh đôi khi còn tuỳ tiện nhất là khâu theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ đã cam kết của khách hàng khi thư bảo lãnh còn hiệu lực. Điều này đã khiến cho ngân hàng không thể có được những biện pháp thích hợp, kịp thời để can thiệp, xử lý khi cần thiết.
- Công nghệ ngân hàng và sự thiếu hụt thông tin cũng gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng. Khi thiếu hụt thông tin, cán bộ ngân hàng không có đủ cơ sở để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại cũng như trong tương lai và đặc biệt là khả năng thực hiện nghĩa vụ của khách hàng ở hợp đồng gốc.
Tự bản thân ngân hàng cũng phải gánh chịu ảnh hưởng của những nhân tố khách quan khác, đặc biệt là những quy định của pháp luật. Tất cả những yếu tố này đều làm giảm chất lượng bảo lãnh và tăng những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động bảo lãnh của ngân hàng.
1.3.2. Rủi ro với người được bảo lãnh.
Với những đặc điểm và vai trò của mình, bảo lãnh đã làm cho người được bảo lãnh luôn bị ràng buộc trong việc thực hiện hợp đồng đã ký kết với người thụ hưởng. Họ luôn phải chịu sức ép phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình ngay cả khi họ gặp phải những rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Bởi vì họ sẽ phải đền bù về mặt tài chính nếu sự vi phạm của mình được chứng minh trong suốt thời gian có hiệu lực của thư bảo lãnh. Không những thế người được bảo lãnh còn phải đề phòng khả năng lừa đảo của bên đối tác khi người này lập những chứng từ giả mạo để yêu cầu ngân hàng thanh toán, nhưng trên thực tế người được bảo lãnh vẫn hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình.