(1930 - 89), nhà văn Việt Nam. Quê: xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1950, nhập ngũ, tham gia hoạt động ở vùng địch hậu Sông Hồng. Từ 1954, viết văn và công tác tại tạp chí “Văn nghệ quân đội”. Trong Kháng chiến chống Mĩ, Nguyễn Minh Châu vào chiến trường Trị - Thiên - Huế nhiều đợt, cùng sống chiến đấu và tích luỹ vốn sống chuẩn bị cơ sở cho những tác phẩm xuất sắc về chiến tranh. Các tập truyện ngắn: “Cửa sông” (1967), “Những vùng trời khác nhau” (1970), “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1984), “Bến quê” (1985), “Chiếc thuyền ngoài xa” (1988), “Cỏ lau” (xuất bản sau khi Nguyễn Minh Châu qua đời, 1989). Tiểu thuyết: “Dấu chân người lính” (1972), “Miền cháy” (1977), “Những người đi từ trong rừng ra” (1982). Ngoài sáng tác, Nguyễn Minh Châu còn viết lí luận phê bình, phần lớn các bài viết được tập hợp trong cuốn “Trang giấy trước đèn” (1994).
Ô HENRY:
(O’ Henry; tên thật: William Sidney Porter; 1862 - 1910), nhà văn Hoa Kì. Cha là thầy thuốc, mẹ mất sớm. Lớn lên, không được học hành nhiều. Mười lăm tuổi, thôi học, đến làm việc tại một hiệu thuốc của chú ruột. Hai mươi tuổi, rời quê hương đi Têchdơt (Texas), sau đó đến Ôxtin (Austin), lần lượt làm nhiều nghề để kiếm sống: nhân viên kế toán, vẽ tranh, thủ quỹ ngân hàng, làm báo... Là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Sáng tác rất nhiều: 65 truyện (1904), 50 truyện (1905)... Các truyện lần lượt in thành từng tập khi ông còn sống và cả sau khi qua đời: “Bắp cải và vua chúa” (1904), “Bốn triệu” (1906), “Trung tâm miền Tây” (1907), “Tiếng nói của thành phố” (1908), “Những sự lựa chọn” (1909), “Những con đường của số phận” (1909), “Hỗn loạn” (1911), “Đá lăn” (1913)... Truyện của Ô Henry phần lớn hướng vào cuộc sống của những người dân Hoa Kì bất hạnh, nghèo khổ, toát lên tinh thần nhân đạo, nhiều khi rất cảm động. Một số truyện mang ý nghĩa phê phán xã hội rõ rệt. Các truyện thường được dàn dựng chu đáo với các tình tiết được sắp xếp khéo léo, đặc biệt là kiểu đảo lộn một cách đột ngột, bất ngờ, lôi cuốn được hứng thú của người đọc.