Đây là yếu tố không trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng cho vay nhưng nếu công tác tổ chức hoạt động của ngân hàng không khoa học, không có sự phối hợp hoạt động giữa các phòng ban thì hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và của bộ phận tín dụng sẽ không có được kết quả tốt. Đặc biệt cần quan tâm tới sự phối hợp giữa phòng nguồn vốn và phòng tín dụng để chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao.
a, Về phía khách hàng
Phương án sản xuất kinh doanh
Ngay từ khi lập hồ sơ vay vốn, DN đã phải lập một phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, phù hợp với khả năng tài chính, năng lực lãnh đạo của mình. Đây là bước đầu tiên để thiết lập quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, tuy nhiên, chất lượng tín dụng lại được quyết định phần lớn ở việc khách hàng đó sử dụng đồng vốn đó như thế nào, họ có tiến hành sản xuất kinh doanh đúng với phương án đã nêu hay không, hay họ lại sử dụng vốn đó vào việc khác. Muốn quản lý được việc này, các cán bộ tín dụng phải thường xuyên kiểm tra đối với các doanh nghiệp cũng như tư nhân đã nhận các món vay của ngân hàng, làm như vậy mới giảm được rủi ro cho ngân hàng và nâng cao chất lượng tín dụng.
Uy tín của doanh nghiệp
Chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu, đó là phương châm làm việc của các khách hàng muốn có quan hệ lâu dài với ngân hàng, cũng như của hầu hết các DN làm ăn đứng đắn. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng như vậy. Vậy uy tín của khách hàng trong quan hệ tín dụng với ngân hàng là gì ? Đó là sự sẵn lòng trả nợ cũng như mong muốn thực hiện những gì đã thoả thuận trong bản hợp đồng tín dụng.
Tình hình tài chính của doanh nghiệp
Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của khoản vay. Một DN đã đến kỳ trả nợ, có thiện chí trả nợ tuy nhiên khả năng về tài chính của họ lại không có thì làm sao thực hiên được những gì đã cam kết trong hợp đồng. Thông thường, ngân hàng quy định số lượng vốn tự có của khách hàng phải tương đương với số vốn mà ngân hàng cho vay. Một yếu tố quan trọng nữa góp phần nâng cao chất lượng tín dụng đó là tính lỏng của tài sản mà khách hàng sở hữu.
Nhà quản lý doanh nghiệp
Nói đến nhà quản lý DN chúng ta thường quan tâm đến năng lực quản lý, tư cách đạo đức của họ. Một ông chủ nắm bắt được thị trường, có kiến thức về ngành nghề kinh doanh của mình cũng như những ngành liên quan sẽ dẫn dắt DN của mình đi đúng hướng, gặt hái được nhiều thắng lợi. Doanh nghiệp kinh doanh có lãi sẽ góp phần nâng cao chất lượng tín dụng đối với ngân hàng.
Tài sản đảm bảo
Đây là yếu tố hạn chế rủi ro đối với các ngân hàng. Ở đây chúng ta quan tâm tới khia cạnh quyền sở hữu tài sản đảm bảo của khách hàng, giá trị thị thực tế của tài sản đó. Một ngân hàng khi cho vay sẽ không mong muốn phải sử dụng tới tài sản đảm bảo của khách hàng, vì như vậy tốc độ luân chuyển vốn tín dụng của ngân hàng sẽ giảm đi do thời gian để thanh lý tài sản đó là rất dài, thủ tục thanh lý rườm rà.
Quan hệ của khách hàng và ngân hàng
Một khách hàng có quan hệ tốt với ngân hàng sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện các quy trình của hợp đồng. Trong tâm lý của các cán bộ tín dụng, một khách háng có lịch sử không tốt trong quan hệ với ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong những lần vay khác. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có nhừng khách hàng truyền thống, họ là những khách hàng lớn, số dư nợ thường cao, tốc độ luân chuyển vốn của những khoản vay này thường lớn.
b, Các nhân tố bên ngoài
Chủ trương chính sách của nhà nước
Từ khi nhà nước có chính sách cho phép phát triển kinh tế ngoài quốc doanh, ngân hàng có thêm một lượng khách hàng lớn để mở rộng cho vay. Nhưng trên thực tế, chưa có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi thích hợp đối với khu vực DNVVN. Đặc biệt trong mấy năm trở lại đây, sau nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tín dụng nghiêm trọng, NHNN đã đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt điều kiện cho vay. Các DNVVN vốn đã khó tiếp cận với nguồn vốn
ngân hàng nay lại gặp nhiều khó khăn hơn. Như vậy, những chính sách của nhà nước có thể là động lực nhưng cũng có thể là cản trở để DNVVN có điều kiện vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Môi trường tự nhiên
Trong số những DNVVN quan hệ với ngân hàng có rất nhiều DN kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, vì vậy yếu tố môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sản xuất, kinh doanh của họ. Nhiều năm vừa qua, các ngân hàng thường xuyên phải giãn nợ hoặc gia hạn nợ cho các cá nhân hoặc các DN hoạt động trong lĩnh vực này vì thời tiết có nhiều biến động bất lợi, thiên tai thường xuyên xảy ra. Như vậy ta có thể thấy được môi trường tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đối với chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý là cơ sở để cho các thành phần kinh tế hoạt động một cách hợp pháp có hiệu quả. Các NHTM hoạt động trong môi trường các văn bản pháp luật của nhà nước cũng như của NHNN Việt Nam, như vậy, muốn các NHTM hoạt động có hiệu quả thì các văn bản pháp luật này phải đầy đủ, đồng bộ, tránh sự chồng chéo gây cản trở cho hoạt động của các NHTM nói chung và cho hoạt động tín dụng nói riêng.
Môi trường kinh tế
Mọi thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh trong môi trường kinh tế luôn chịu sự chi phối của các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước hoặc chịu sự chi phối của quy luật cung- cầu, quy luật giá trị trên thị trường. Do vậy, muốn các DN hoạt động tốt phải tạo lập được một môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định. Góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh tốt, các nhà ngân hàng phải làm tốt các dự báo và luôn chuẩn bị khả năng thích ứng với các biến động của thị trường.