Nguyên nhân từ phía công ty.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ NỢ VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (Trang 33 - 35)

Sự thành công hay thất bại trong hoạt động của một công ty không phải chỉ phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài là thuận lợi hay khó khăn mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực, linh hoạt của bản thân công ty. Trước những khó khăn trong hoạt động, bên cạnh những nguyên nhân từ phía môi trường vĩ mô còn là những tồn tại chính trong bản thân công ty.

a. Nguồn vốn còn bị động, chưa đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động của công ty.

Hiện nay, mặc dù luật cũng đã cho phép các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng thương mại được huy động vốn từ các nguồn như vốn vay tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, từ các quỹ trích lập và vốn khác bên cạnh vốn điều lệ do ngân hàng thương mại cấp, nhưng nguồn vốn hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn do ngân hàng nông nghiệp cấp, chứ công ty chưa thực sự chủ động trong công tác huy động vốn. Mà số vốn hiện nay của công ty, 30 tỷ đồng, rõ ràng là chưa thể đủ để công ty có thể hoàn thành nhiệm vụ xử lý 7917 tỷ đồng nợ khê đọng khó đòi của toàn hệ thống. Tất nhiên, trong quá trình hoạt động, công ty sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bù vốn, nhưng việc cấp vốn sẽ phải qua nhiều khâu, cấp, phải được ngân hàng xem xét, đánh giá rất kỹ càng, điều này khiến hoạt động cấp vốn của ngân hàng khó có thể đáp ứng được kịp thời và đầy đủ nhu cầu của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản. Việc chờ đợi một cách bị động, dựa vào nguồn vốn từ trên cấp xuống như vậy sẽ khiến hoạt động của công ty không được linh hoạt, khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

b. Đội ngũ cán bộ còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nợ.

Đội ngũ cán bộ có ý nghĩa rất lớn, nó quyết định một phần tới mức độ thành công của mỗi tổ chức. Mỗi tổ chức, công ty hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau thì đòi hỏi đội ngũ các cán bộ công nhân viên của tổ chức, công ty ấy cũng phải có những hiểu biết, kỹ năng khác nhau. Bên cạnh sự thành thạo về chuyên môn, một cán bộ còn cần có những kiến thức cơ bản về kinh tế – xã hội và những vấn đề liên quan khác. Đối với hoạt động mua bán, xử lý nợ tồn đọng thì điều này lại càng cần

thiết. Công tác xử lý nợ có liên quan tới rất nhiều những lĩnh vực, chủ thể khác nhau trong nền kinh tế chứ không chỉ đơn thuần là một nghiệp vụ của ngân hàng. Vì vậy, một cán bộ công ty quản lý nợ và khai thác tài sản không những phải có chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực xử lý nợ mà còn phải nắm được những nét chung nhất về hoạt động của ngân hàng, biết phân tích tình hình doanh nghiệp, có hiểu biết rộng về kinh tế – xã hội... và hiểu luật pháp. Để đáp ứng được hết những đòi hỏi này là điều rất khó khăn đối với một cán bộ công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, đặc biệt là trong giai đoạn mới bắt đầu hình thành và pháp triển hoạt động xử lý nợ đọng như hiện nay.

Tại công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , hầu hết các cán bộ đều được điều chuyển từ các chi nhánh, trụ sở ngân hàng nông nghiệp sang, nên có thể nói họ đều đã có được những hiểu biết tương đối đầy đủ về hoạt động ngân hàng nói chung cũng như tình hình, đặc điểm kinh doanh của hệ thống ngân hàng nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, do hoạt động xử lý nợ tồn đọng còn quá mới mẻ, đội ngũ cán bộ ở đây còn tỏ ra bỡ ngỡ, lúng túng trong công tác vì chưa được trang bị những kiến thức cụ thể, chuyên sâu về vấn đề này, và nhất là vì họ còn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Hơn nữa, với việc liên tục có những văn bản pháp luật mới, sửa đổi, bổ sung các quyết định về hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, đội ngũ cán bộ cũng gặp phải khó khăn trong việc tìm hiểu, áp dụng, và kịp thời thích ứng với những thay đổi, quy định mới này.

c. Hoạt động nghiệp vụ của công ty còn nhiều vướng mắc.

Mặc dù công ty được luật pháp cho phép tiến hành nhiều những biện pháp xử lý nợ và xử lý tài sản bảo đảm nợ vay khác nhau như sửa chữa, nâng cấp, bán tài sản hoặc cho vào hoạt động kinh doanh, đem góp vốn liên doanh, cơ cấu lại nợ, bán hay chuyển thành vốn góp cổ phần... nhưng đến nay công ty mới chỉ chủ yếu sử dụng một vài biện pháp cơ bản như xoá nợ, bán tài sản, cơ cấu lại nợ mà chưa đa dạng hoá hoạt động nghiệp vụ của mình. Điều này khiến hoạt động xử lý nợ của công ty còn thiếu linh hoạt, chưa tận dụng được hết các khả năng, và nhiều khi còn bỏ qua những phương án xử lý tối ưu hơn, đem lại hiệu quả cao hơn.

Hơn nữa, hoạt động xử lý nợ của công ty còn gặp phải nhiều khó khăn là do công tác phân loại, thẩm định, định giá của công ty còn chưa mạnh. Nếu việc phân loại, thẩm định các khoản nợ cũng như khách hàng nợ không tốt thì sẽ dễ dẫn đến

những quyết định xử lý không hợp lý, chính xác, không tối ưu, khiến cho việc xử lý nợ gặp khó khăn, không đạt được kết quả như mong đợi, thậm chí không thu hồi lại được giá trị khoản vay, việc xử lý bị kéo dài. Công tác thẩm định, định giá không tốt cũng sẽ ảnh hưởng tới việc bán tài sản. Bản thân việc bán các tài sản bị xiết nợ đã không phải là điều dễ dàng đối với các nh và công ty quản lý nợ và khai thác tài sản vì hoạt động này còn chưa phổ biến, quen thuộc và vì tâm lý không thích tài sản xiết nợ nói chung. Nếu tài sản còn bị định giá quá cao hay quá thấp so với giá thị trường thì việc bán còn trở nên khó khăn hơn, công ty hoặc sẽ không bán được tài sản, hoặc sẽ chịu thua thiệt, không thu hồi được đúng giá trị của tài sản.

***

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , một trong những ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam, giữ một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế ở nước ta. Nhu cầu giải quyết vấn đề nợ tồn đọng khó đòi không chỉ là nhu cầu bức thiết của bản thân ngân hàng mà còn là đòi hỏi của chương trình tái cơ cấu ngân hàng, lành mạnh hoá tình hình tài chính mà Chính phủ đề ra và đang từng bước thực hiện. Để đáp ứng yêu cầu này, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được thành lập.

Mặc dù mới đi vào hoạt động được 1 năm nhưng công ty đã đạt được nhiều thành quả hết sức đáng khích lệ trong công tác xử lý nợ và tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng, công ty còn gặp phải không ít khó khăn, tồn tại mà nguyên nhân được xác định là do sự thiếu kinh nghiệm, thiếu linh hoạt của bản thân công ty cũng như những điểm bất cập, thiếu sót trong hệ thống luật pháp điều chỉnh hoạt động của công ty và môi trường vĩ mô nói chung.

Việc đánh giá đúng những mặt được và chưa được, tìm ra nguyên nhân của thành công cũng như của tồn tại có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển, hoàn thiện hơn nữa hoạt động của công ty trong thời gian tới nhằm mục tiêu giả quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả vấn đề nợ đọng cho Ngân hàng Nông nghiệp nói riêng và hệ thống ngân hàng thương mại nói chung ở nước ta.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ NỢ VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(35 trang)
w