- Tín dụng Ngân hàng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả hơn.
VỀ PHÍA NGÂN HÀNG
Thứ nhất, về thông tin,chính sách tín dụng
Thông tin tín dụng đó là thông tin về khách hàng, về môi trường kinh doanh của khách hàng, rủi ro mà khách hàng gặp phải. Thông tin đầy đủ, kịp thời chính xác sẽ nâng cao chất lượng tín dụng cho Ngân hàng, tạo uy tín cho Ngân hàng, hơn nữa nhằm mục đích ngày càng đẩy mạnh mở rộng tín dụng Ngân hàng.
Chính sách tín dụng là những quy định của mối ngân hàng khi cho khách hàng vay,được lập ra nhằm nhiều mục đích khác nhau,đem lại cho cán bộ tín dụng sự hướng dẫn cần thiết để hình thành nên sự thống nhất trong hoạt động cho vay. Chính sách tín dụng quyết định tới sự thành công hay thất bại của ngân hàng.
Một ngân hàng muốn có chất lượng tín dụng tốt phải có chính sách tín dụng phù hợp nghĩa là, chính sách và thể lệ tín dụng phải đúng đắn, phù hợp với đối tượng trong quá trình thực thi nghiệp vụ, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển xã hội, của Chính phủ, đồng thời đảm bảo kết hợp hài hoà quyền lợi của người gửi, người đi vay và chính bản thân Ngân hàng. Chính sách tín dụng đúng đắn sẽ đảm bảo cho khả năng sinh lời của hoạt động tín dụng và ngày càng thu hút được nhiều khách hàng tới Ngân hàng mình.
Thứ hai, về chiến lược kinh doanh của ngân hàng.
Chiến lược kinh doanh là một trong những nhân tố có ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng của ngân hàng. Chiến lược kinh doanh sẽ giúp cho ngân hàng hoạt động có mục đích và đúng đắn.
Thứ ba, về chất lượng nhân sự và cơ sở vật chất thiết bị
Chất lượng nhân sự đó chính là trình độ nghiệp vụ, khả năng giao tiếp, marketing, trình độ ngoại ngữ, vi tính, sự nhiệt tình trong công việc của người cán bộ. Còn cơ sở vật chất thiết bị chính là nhữnh máy móc thiết bị, phương tiện làm việc của con người. Cả hai điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ tới nguồn tin của khách hàng và Ngân hàng. Nếu như khách hàng giao tiếp với cán bộ mà thấy yên tâm, thoả mãn về trình độ nghiệp vụ, sự tận tình, chu đáo của cán bộ thì chắc chắn sẽ tìm đến Ngân hàng đó để quan hệ.
* Về phía kinh tế ngoài quốc doanh
Nếu kinh tế ngoài quốc doanh làm ăn có hiệu quả, có uy tín thì chắc chắn nhu cầu vay vốn Ngân hàng ngày càng tăng và sẽ được Ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn đó. Ngược lại nếu làm ăn thua lỗ, phá sản, khó khăn về tài chính, mất uy tín với Ngân hàng, cạnh tranh không lành mạnh thì bản thân Ngân hàng cũng không thể cấp tín dụng cho các thành phần kinh tế này và như vậy mục tiêu mở rộng tín dụng không thể thực hiện được.
Mặt khác việc cho vay của Ngân hàng cần phải có tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản. Kinh tế ngoài quốc doanh với uy tín chưa cao do vậy việc vay vốn bằng tín chấp là rất khó khăn. Vì vậy, thành phần này cần phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý về các tài sản thế chấp, cầm cố để được vay vốn Ngân hàng.
Tóm lại, do nhiều nguyên nhân mà nhân tố này có ảnh hưởng trực tiếp tới việc hoàn trả nợ vay, qua đó quyết định khá lớn đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.
1.3.3.2.Các nhân tố khách quan.
Nhân tố khách quan là các yếu tố thuộc về môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội,..nhiều khi không thể hiện rõ sự hiện diện của nó nhưng trong một số điều kiện nhất định,đây lại là những nhân tố quan trọng có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động ngân hàng nói chung và chất lượng tín dụng nói riêng.
+ Môi trường kinh tế
Thực tế cho thấy rằng môi trường kinh tế có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cuả tất cả các thành phần kinh tế trong nền kinh tế. Khi nền kinh tế ở trạng thái hưng thịnh, tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất của mình. Khi đó nhu cầu vốn của họ tăng lên và hoạt động tín dụng Ngân hàng có thể mở rộng theo. Điều ngược lại sẽ xảy ra với hoạt động tín dụng của Ngân hàng nếu như các doanh nghiệp không thể phát triển được trong môi trường kinh tế có nhiều biến động.
Trong quá trình hoạt động của mình các doanh nghiệp ngoài quốc doanh rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách kinh tế khi họ gặp phải môi trường kinh tế không ổn định. Ví dụ như sự sụt giảm các mặt hàng nông sản trên thế giới như: gạo, cà phê, thuỷ sản... Khi đó, các biện pháp trợ giúp của Nhà nước như việc thu mua lương thực, hỗ trợ giá, các quy định về lãi suất ưu đãi sẽ giúp các doanh nghiệp tạm thời vượt qua được khó khăn, đứng vững được trên thị trường.
+ Môi trường pháp lý
Trong nền kinh tế, mọi chủ thể đều có quyền tự chủ về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trong phạm vi, khuôn khổ pháp luật cho phép. Trước hết, đứng trên góc độ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, kể từ khi có Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1990) và năm 2000 Luật Doanh nghiệp được chính thức áp dụng, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã có một hành lang pháp lý tương đối an toàn để hoạt động.Cùng với việc quy định,
hướng dẫn cụ thể của các văn bản dưới luật, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể nắm được phương thức tổ chức, cách thức hoạt động cũng như ngành nghề được phép kinh doanh. Trên cơ sở đó, họ có thể xây dựng được kế hoạch mở rộng, phát triển chính bản thân mình và có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng trong những trường hợp cần thiết.