Những mối quan hệ chính trong kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.

Một phần của tài liệu CHƯƠNG I NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ DỊCH VỤ GIAO NHẬN HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU (Trang 25 - 27)

V. MARKETING QUAN HỆ, MỘT PHẦN TẤT YẾU TRONG KINH DOANH DỊCH VỤ GIAO NHẬN HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU.

V.2.Những mối quan hệ chính trong kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.

hóa xuất nhập khẩu.

Cũng như các ngành kinh doanh khác, ngành dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu cần thiết có được những mối quan hệ với các đối tượng sau: với khách hàng, với nhà cung ứng, với đại lý phân phối, với cơ quan công quyền và quan hệ nội bộ.

Hơn nữa, các mối quan hệ đó là vô cùng quan trọng đối với người kinh doanh dịch vụ giao nhận vì bản thân người giao nhận khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng họ phải thuê các nhà cung ứng và thông qua mạng lưới đại lý để hoàn tất các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

1. Quan hệ với khách hàng.

Khách hàng vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của mỗi doanh nghiệp, có được mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng là mong muốn của mọi công ty. Mong muốn đó càng mạnh mẽ hơn đối với các công ty giao nhận vì khách hàng của họ là các tổ chức, số lượng khách hàng ít và lợi ích thu được khi quan hệ với mỗi khách hàng là rất lớn.

Duy trì được khách hàng truyền thống là mong mỏi của mọi công ty giao nhận, muốn duy trì được khách hàng truyền thống công ty cần thoả mãn họ ngay từ lần đầu phục vụ, xây dựng thành công mối quan hệ với họ ngay trong lần đầu tiên đó. Mỗi khách hàng sử dụng dịch vụ giao nhận thường tham gia xuất nhập khẩu liên tục theo một chu kỳ thời gian nhất định. Do đó, có được mối quan hệ với họ thì cơ hội phát triển của công ty là rất lớn.

Tuy nhiên công ty cũng luôn luôn chú ý tới việc thu hút khách hàng mới bởi vì khách hàng mới chính là lực lượng bổ sung giúp công ty tăng trưởng trong tương lai.

2. Quan hệ với nhà cung ứng.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty giao nhận cần thiết và không còn cách nào khác phải thuê dịch vụ của các nhà cung ứng (đây là thực tế tại Việt Nam). Những nhà cung ứng dịch vụ cho công ty giao nhận có số lượng lớn, có thể chia ra làm hai loại:

- Những nhà cung ứng dịch vụ đầu vào.

Những nhà cung ứng dịch vụ đầu vào là những người cung ứng những dịch vụ tạo thành dịch vụ cơ bản của công ty giao nhận. Dịch vụ cơ bản mà các nhà giao nhận cung cấp đó là sự di chuyển về mặt không gian của hàng hóa từ quốc gia này sang quốc gia khác và các nghiệp vụ giao nhận cơ bản khác. Như vậy những nhà cung ứng dịch vụ đầu vào cho công ty là: những hãng tàu, hãng hàng không …

- Những nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ.

Bên cạnh dịch vụ cơ bản, công ty giao nhận còn cung cấp cho khách hàng một hệ thống những dịch vụ bao quanh như dịch vụ khai thuê hải quan, thuê kho bãi, đóng gói hàng hoá, kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa… những dịch vụ vụ này, hầu hết công ty cũng phải đi thuê từ những nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ như: chủ kho bãi, hãng bao bì, công ty bảo hiểm, nhà tư vấn pháp luật,…

3. Quan hệ với cơ quan công quyền.

Để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cần phải làm thủ tục khai báo hải quan, hàng hóa phải qua các cảng biển, cảng hàng không (sân bay) và phải lưu kho tại các cảng đó. Do vậy công ty cần thiết lập quan hệ với cơ quan hải quan, cảng vụ. Ngoài ra hoạt động kinh doanh của công ty còn phụ thuộc vào các cơ quan

khác thuộc nhà nước như các ngân hàng, toà kinh tế, trọng tài kinh tế (khi tranh chấp xảy ra).

4. Quan hệ với các đại lý.

Hàng hoá trong kinh doanh dịch vụ giao nhận di chuyển vượt ra ngoài phạm vi biên giới một quốc gia vì vậy để kinh doanh dịch vụ này công ty cần thiết phải có được mối quan hệ đại lý với các công ty khác thuộc các quốc gia khác. Những công ty đó sẽ đảm nhận hoàn tất các công việc thuộc phạm vi của họ tại quốc gia họ hoạt động ngược lại khi công ty được sự uỷ quyền của các đại lý đó thực hịên các dịch vụ khi hàng hóa đến Việt Nam thì bản thân công ty, tới lượt mình, sẽ đóng vai trò là đại lý cho các công ty ở nước ngoài. Công ty có mạng đại lý càng lớn thì cơ hội kinh doanh càng lớn.

5. Quan hệ nội bộ.

Các mối quan hệ khác sẽ trở nên vô nghĩa khi mà mối quan hệ trong nội bộ công ty không được quan tâm chú trọng đúng mức. Bản thân các thành viên, các cán bộ trong công ty là người tìm hiểu và đưa ra những giải pháp, sau đó trực tiếp thiết lập, duy trì mối quan hệ với các đối tác khác như khách hàng, nhà cung ứng, đại lý. Để chất lượng của các mối quan hệ khác được nâng cao trước hết công ty cần nâng cao chất lượng của quan hệ nội bộ. Quan hệ nội bộ bền chặt và thống nhất sẽ tạo điều kiện để công ty xây dựng và củng cố mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác khác.

Một phần của tài liệu CHƯƠNG I NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ DỊCH VỤ GIAO NHẬN HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU (Trang 25 - 27)