Như đã trình bày ở chương 3, do cấu trúc kế thừa của bộ sửa sóng phản hồi quyết định, kỹ thuật lặp lại được đề xuất áp dụng [4] cho bộ thu sử dụng bộ sửa sóng phản hồi quyết định trong hệ thống CDMA. Kết quả mô phỏng này được thực hiện với bộ sửa sóng phản hồi quyết định cấp độ chíp mới với số lần lặp lại lần lượt là 1, 2, 4 và 10 cho hệ thống có 5 người dùng.
Hình 4.4 cho thấy, khi tăng số lần lặp lại trong trong cấu trúc phản hồi
của bộ lọc phản hồi quyết định thì xác suất lỗi bít giảm. Có thể nhận xét rằng, khi không thực hiện vòng lặp, chất lượng tín hiệu thu được bằng phương pháp này kém hơn nhiều so với chất lượng tín hiệu thu được bằng cách sử dụng bộ DFE thông thường có số lần lặp là 10. Điều này thể hiện ở xác suất lỗi bit thu được của bộ sửa sóng phản hồi quyết định cấp độ chíp mới khi không thực hiện vòng lặp lớn hơn đáng kể so với bộ sửa sóng phản hồi quyết định thông thường (như ở hình 4.1).
Khi thực hiện vòng lặp, chất lượng của hệ thống tăng lên. Với số lần lặp là 2 thì xác suất lỗi bít của tín hiệu thu được giảm đáng kể so với trường hợp không thực hiện vòng lặp đồng thời xác suất này cũng bé hơn so với trường hợp sử dụng bộ DFE thông thường (như ở hình 4.1). Xác suất lỗi bit càng giảm khi số lần lặp càng tăng. Kết quả này cho chúng ta thấy rằng quyết định sau bao giờ cũng tốt hơn quyết định trước. Điều này cho phép khẳng định: i) vai trò quan trọng của cấu trúc phản hồi quyết định trong bộ DFE và ii) việc áp dụng kỹ thuật lặp lại trong cấu trúc DFE là hợp lý. Tuy nhiên hạn chế của phương pháp lặp lại cũng phát sinh đồng thời cùng với ưu điểm của nó. Tức là, khi thực hiện lặp lại để làm tăng chất lượng của hệ thống thì độ phức tạp của hệ thống cũng tăng lên và do đó thời gian thực hiện bị kéo dài. Kết quả mô phỏng cho thấy, khi số lần lặp khoảng 3 hoặc 4 lần thì chất lượng của hệ thống được đảm bảo. Trong thực tế, cần phải cân nhắc giữa một bên là
chất lượng nhằm đảm bảo cho hệ thống hoạt động và một bên là độ phức tạp của hệ thống.