Khái niệm chung

Một phần của tài liệu Mô hình bảo mật hộ chiếu điện tử (Trang 26)

Hộ chiếu là một loại giấy tờ tuỳ thân xác nhận công dân mang quốc tịch của một quốc gia. Thông thường, hộ chiếu chứa các thông tin cơ bản như họ tên, ngày sinh, quê quán, quốc tịch, ảnh khuôn mặt, các thông tin về cơ quan cấp hộ chiếu, ngày cấp, thời hạn có giá trị...

Với sự ra đời của thẻ phi tiếp xúc sử dụng công nghệ RFID, rõ ràng những thông tin cá nhân thể hiện trong một hộ chiếu của công dân hoàn toàn có thể được lưu trữ trên thẻ thông minh phi tiếp xúc. Việc lưu trữ những thông tin cá nhân của hộ chiếu trong thẻ thông minh phi tiếp xúc cho phép nâng cao hiệu quả của quy trình cấp phát, kiểm duyệt hộ chiếu thông qua các hệ thống xác thực tự động. Các tiếp cận này cho phép xây dựng và phát triển mô hình hộ chiếu mới : “Hộ chiếu điện tử” (HCĐT). Từ đó, HCĐT được định nghĩa như là hộ chiếu thông thường kết hợp cùng thẻ thông minh phi tiếp xúc phục vụ lưu trữ những thông tin cá nhân, trong đó có cả những dữ liệu sinh trắc của người mang hộ chiếu. Vì lý do này mà HCĐT còn có tên gọi khác là Hộ chiếu sinh trắc (biometric passport) [15,16].

Hộ chiếu truyền thống đã sử dụng một số kỹ thuật bảo vệ để tăng tính an toàn, bảo mật hộ chiếu như thuỷ ấn (watermarking), các vùng quang học chỉ ghi được bằng các máy in chuyên dụng được tạo ra khi sản xuất phôi hộ chiếu… Tuy nhiên, việc làm giả hộ chiếu vẫn còn xuất hiện với những kỹ thuật truyền thống như vậy. Với việc tích hợp sử dụng công nghệ RFID cùng những phương pháp bảo đảm an toàn an ninh thông tin, hộ chiếu điện tử sẽ cho phép nâng cao chất lượng bảo mật cũng như an toàn thông tin hộ chiếu, chống được sự giả mạo sản xuất hộ chiếu.

Trong chương này, chúng tôi tập trung đi sâu giới thiệu và phân tích mô hình hộ chiếu điện tử với phương thức tổ chức dữ liệu, quy trình cấp phát, quản lý và kiểm duyệt hộ chiếu điện tử.

Một phần của tài liệu Mô hình bảo mật hộ chiếu điện tử (Trang 26)