Nguyên nhân chủ quan.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MARKETING QUỐC TẾ (Trang 35 - 37)

III. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MARKETING QUỐC TẾ CỦA CÔNG TY NHỮNG NĂM QUA

b.Nguyên nhân chủ quan.

Đạt được những kết quả như trên là sự cố gắng hết sức của Ban lãnh đạo công ty và toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân viên công ty. Với ưu thế là công ty mới thành lập, hệ thống dây chuyền công nghệ được đưa vào sử dụng hoàn toàn mới, đạt tiêu chuẩn của G7. Cùng với sự nhanh nhạy của một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động đã giúp sản phẩm của công ty luôn được đánh giá chất lượng cao, giá thành hạ tại thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Song, một số hạn chế trong quá trình htực hiện chính sách Marketing quốc tế bắt nguồn từ chính các nguyên nhân chủ quan sau:

Về cơ cấu tổ chức công ty.

- Công ty chưa thành lập một bộ phận hoạch định và quản lý việc thực hiện các chính sách Marketing, trong đó có chính sách Marketing quốc tế. Điều đó dẫn đến tình trạng thông tin về thị trường, về đối thủ cạnh tranh, về khả năng xuất khẩu các sản phẩm hoá dầu tới thị trường nước ngoài bị hạn chế.

- Công ty chưa có một đội ngũ nhân viên am hiểu Marketing quốc tế, tinh thông nghiệp vụ và đảm nhận tốt việc tổ chức các hoạt động Marketing quốc tế nên việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng tại thị trường xuất khẩu chưa được kịp thời.

Về quá trình thực hiện chính sách sản phẩm quốc tế.

Chính sách sản phẩm quốc tế chưa gắn với từng thị trường riêng biệt. Cụ thể:

- Các chủng loại mặt hàng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng nước ngoài.

- Quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm chưa theo kịp các đối thủ cạnh tranh khác như Shell, Caltex… dẫn đến tình trạng khả năng cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường nước ngoài chưa cao. Mặt khác, nguồn nguyên liệu sử dụng cho sản xuất và pha chế phải nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

- Bao bì sản phẩm chưa thực sự phù hợp với đặc trưng văn hoá, thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường.

Về quá trình thực hiện chính sách giá quốc tế.

Nhìn chung, chính sách giá quốc tế chưa gắn với từng thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, giá thành sản phẩm nói chung và giá thành sản phẩm xuất khẩu nói riêng của PLC hay gặp biến động do cách định giá phụ thuộc rất lớn vào các nhân tố sau:

- Giá của đối thủ cạnh tranh: Việc tìm hiểu mức giá mà đối thủ cạnh tranh đưa ra đối với các đơn đặt hàng lớn là vô cùng khó khăn, tốn kém. PLC phải ấn định được mức giá vừa mang lại lợi nhuận cao, vừa có tính cạnh tranh là điều hết sức phức tạp.

- Chi phí sản xuất bao bì cao là nguyên nhân trực tiếp khiến giá sản phẩm xuất khẩu cao.

- Chi phí cho hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt là chi phí vận chuyển hàng hoá cao có ảnh hưởng lớn tới việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hoá dầu ra thị trường nước ngoài.

Về quá trình thực hiện chính sách phân phối quốc tế.

- Các kênh phân phối quốc tế chưa thực sự rộng khắp

- Hiệu quả hoạt động của mạng lưới phân phối quốc tế chưa cao. Các trung gian phân phối quốc tế thiếu một hệ thống kiến thức đầy đủ về Marketing quốc tế.

Về quá trình thực hiện chính sách khuyếch trương quốc tế.

Công ty chưa quan tâm và đầu tư thoả đáng cho hoạt động khuyếch trương quốc tế. Vì vậy, hoạt động khuyếch trương quốc tế còn đơn giản và hết sức bị động. Trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, Công ty cần có kế hoạch thực hiện chính sách này một cách có hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MARKETING QUỐC TẾ (Trang 35 - 37)