Phát huy vai trò chủ động tích cực của các hộ nông dân.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ NÔNG DÂN HUYỆN THANH MIỆN TỈNH HẢI DƯƠNG (Trang 31 - 34)

Ngoài các giải pháp tác động một cách khách quan như đã nêu ở trên thì việc phát huy vai trò chủ động tích cực của chính bản thân các hộ nông dân trên địa bàn toàn huyện, để phát triển kinh tế gia đình mình cũng là một giải pháp tốt nhằm giúp các hộ nông dân tiếp cận với trình độ khoa học mới, làm quen dần với cách thức sản xuất hàng hoá sẽ đến với họ trong tương lai.

-Học tập phương pháp lập kế hoạch làm ăn, chuẩn bị các nguồn lực và công nghệ cho sản xuất, cho dịch vụ và thương mại mà mình sẽ thực hiện. Học tập cách làm ăn có hiệu quả thông qua các điển hình tiên tiến trong công cuộc phát triển kinh tế cũng như việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

-Tiến hành ghi chép, theo dõi bằng tiền mặt việc thu chi của gia đình phục vụ cho sản xuất hay trong tiêu dùng. Từ đó có thể biết được việc sử dụng tiền mặt vào sản xuất, vào sinh hoạt một cách rõ ràng để có kế hoạch cân đối và xác định số dư cần thiết trong mỗi tháng dùng để trả nợ, tích luỹ đầu tư mở rộng sản xuất hoặc gửi tiết kiệm.

-Tập hạch toán giá thành sản phẩm từ giản đơn tới đầy đủ, tập phân tích hiệu quả công việc làm ăn sau mỗi vụ, mỗi năm sản xuất. Từ đó có thể nhận biết những khâu công việc nào cần đầu tư, dành nhiều tiền vốn và những khâu công việc nào cần sự đầu tư ít. Giúp xác định được nguồn vốn phải có cho mỗi thời điểm sản xuất cũng như cho cả quá trình sản xuất để có kế hoạch chuẩn bị tương tự vào vụ sau. Cũng qua hạch toán giá thành sản phẩm xác định được những cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, những cây trồng, vật nuôi cho nguồn thu nhập chủ yếu. Từ đó có kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn vào vụ sau và năm sau.

-Không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm sản xuất sau mỗi chu kỳ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là tiếp thu các khoa học tiên tiến, những cách làm ăn hiệu quả, những biện pháp canh tác và chăm sóc cây, con mới cũng như không ngừng nâng cao trình độ thâm canh những cây, con quen thuộc để phục vụ cho việc phát triển kinh tế gia đình mình.

-Tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực của các hộ nông dân. Nhằm tìm kiếm lợi ích thiết thực cho từng thành viên cũng là điều cần thiết.

Đồng thời với quá trình thúc đẩy ngành nông nghiệp của huyện phát triển thì việc tích cực thu hút các dự án đầu tư phát triển TTCN với quy mô vừa và nhỏ. Tập trung phát triển chế biến hàng nông sản, thực phẩm theo quy mô gia đình. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ tư nhân đầu tư phát triển TTCN. Mở rộng các ngành nghề, làng nghề truyền thống gắn với thị trường, tạo thêm ngành nghề mới, làng nghề mới, hướng vào sản xuất hàng hoá có chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Tranh thủ sự giúp đỡ của TW và tỉnh xây dựng một số cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, dệt may hoặc giầy dép xuất khẩu. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ- thương nghiệp, phục vụ cho sản xuất và đời sống, hình thành các khu thương mại tập trung tại thị trấn, thị tứ. Cải tạo nâng cấp, mở rộng số chợ hiện có, xây thêm một số chợ mới ở những địa điểm thuận lợi, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ xây dựng, cung ứng vật liệu, vật tư, dịch vụ thuỷ nông, làm đất bằng cơ giới, dịch vụ BVTV, dịch vụ vật tải và chuyển giao tiến bộ khoa học tiến bộ trong khâu sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin liên lạc ngày càng hiện đại, là những điểm mà Thanh Miện phải đạt được trong những năm tới đây.

Sự phát triển đồng bộ của tất cả các ngành Nông nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp-Thương nghiệp-Dịch vụ trên địa bàn huyện sẽ là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của từng ngành, tạo đà cho nền kinh tế Thanh Miện phát triển lên một tầm cao mới tương xứng với đặc điểm và tiềm năng của huyện.

Hy vọng rằng trong những năm tới đây, với sự cố gắng, đoàn kết, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ và sức lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện, kinh tế huyện Thanh Miện sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa. Thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra, góp phần quan trọng đưa Thanh Miện vững bước tiến lên phát triển cùng đất nước.

Kết luận

Bằng những kiến thức đã được học, kết hợp với sự tìm hiểu, nghiên cứu thực tế tại địa phương, đề tài “Một số giải pháp phát triển kinh tế hộ nông dân huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương” đã tập chung làm rõ:

-Những lý luận chung về kinh tế hộ nông dân đó là khái niệm, bản chất, đặc trưng, vai trò, những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của hộ; sự phát triển của kinh tế hộ nông dân ở một số nước điển hình trên thế giới. Từ đó có sự nhận thức đúng đắn về kinh tế hộ nông dân trên cơ sở phân tích các khái niệm đã có từ nhiều góc độ, thấy được vai trò to lớn của nó đối với sự tồn tại và phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, nhận thức được nhữnh nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế hộ, rút ra được sự tồn tại lâu dài và xu hướng phát triển tất yếu của kinh tế hộ nông dân cũng như những bài học kinh nghiệm từ chính sự phát triển của nó trong thời gian vừa qua.

-Những chủ trương-chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của kinh tế hộ nông dân thông qua một số văn bản chủ yếu đã ban hành. Thấy được quan điểm của Đảng và Nhà nước, sự định hướng, quan tâm tạo điều kiện và đảm bảo tính pháp lý cho kinh tế hộ nông dân tồn tại và phát triển.

-Trên cơ sở khái quát những lợi thế và tiềm năng, những khó khăn và hạn chế của điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế hộ nông dân ở Thanh Miện cũng như tình hình sản xuất của huyện trong một số năm vừa qua, bài viết đã đi sâu phân tích thực trạng phát triển kinh tế hộ nông dân trên các mặt cơ cấu các loại hộ; các yếu tố sản xuất của hộ nông dân; thị trường đầu vào, đầu ra cho hộ; vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và kết quả sản xuất kinh doanh của hộ. Từ đó rút ra nhận xét, đánh giá về những việc đã làm tốt, những việc chưa làm được và những vấn đề tồn tại còn giải quyết trong qúa trình phát triển kinh tế hộ nông dân huyện Thanh Miện cho đến nay.

-Trên cơ sở phân tích các quan điểm phát triển của kinh tế hộ nông dân, bám sát các mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX xác định, em đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những ưu điểm đã đạt được, khắc phục, tháo gỡ dần những vướng mắc, tồn tại có trong quá trình phát triển kinh tế hộ nơi đây đó là: Giải pháp về đất đai; giải pháp về vốn, tín dụng cho các hộ nông dân giải pháp về thị trường; giải pháp về chuyển dịch cơ cấu cây trồng và giải pháp phát huy vai trò chủ động, tích cực của chính bản thân các hộ nông dân.

Trong thời gian thực thập và thực hiện bài viết em đã có được sự giúp đỡ rất nhiều từ các phòng, ban và những hộ dân đã tiếp xúc trong toàn huyện. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nguồn số liệu chưa thật đầy đủ và ăn khớp, tình hình thực tế chưa được các cán bộ cơ sở nắm chắc, sâu, sát vì vậy có rất nhiều vấn đề em đã phải tự tìm hiểu và điều tra nhưng do thời gian quá ngắn so với khối lượng công việc phải làm, địa bàn nghiên cứu rộng lên trong phạm vi bài viết này em chỉ mới đề cập đến những điều cơ bản nhất về kinh tế hộ nông dân ở Thanh Miện. Chưa làm rõ được những vấn đề của từng xã, từng vùng cụ thể.

Em rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, phê bình của các thầy, cô; các bác, các chú, các bạn và tất cả những người quan tâm đến đề tài này để đề tài được hoàn chỉnh hơn.

Cuối cùng cháu xin chân thành cám ơn các bác, các chú công tác tại phòng NN&PTNT; Phòng địa chính; Phòng thống kê; Phòng kế hoạch-tài chính- thương nghiệp; Phòng tổ chức-lao động-xã hội; Phòng giao thông-công nghiệp- xây dựng; Ngân hàng NN&PTNT huyện; Chi nhánh ngân hàng phục vụ người nghèo huyện; Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi huyện Thanh Miện; Trạm xuất khẩu nông sản thực phẩm huyện Thanh Miện và tất cả những hộ gia đình đã tiếp xúc, đã giúp đỡ cháu hoàn thành bài viết này.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ NÔNG DÂN HUYỆN THANH MIỆN TỈNH HẢI DƯƠNG (Trang 31 - 34)

w