ĐÁNH GIA CHUNG VỀ THỰC TRẠNG KINH TẾ HỘ NÔNG DÂN HUYỆN THANH MIỆN.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ NÔNG DÂN Ở HUYỆN THANH MIỆN (Trang 37 - 41)

HUYỆN THANH MIỆN.

Trong hơn một thập kỷ vừa qua, cùng với quá trình đổi mới của nền kinh tế đất nước, kinh tế huyện Thanh Miện cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng quyết định trên con đường phát triển của mình. Kinh tế liên tục phát triển, tổng sản phẩm nội huyện tăng gần 3 lần so với năm 1985. Tốc độ tăng bình quân 8,5%/ năm đã làm thay đổi cơ bản đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong toàn huyện. Sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước mà trọng tâm là quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế đã được thực hiện. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần trong GDP, nhường chỗ cho tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ của huyện tăng trưởng.Cùng với xu hướng đó, giá trị tuyệt đối của nông nghiệp không ngừng tăng lên báo hiệu một sự khởi sắc rõ rệt trong đời sống kinh tế của các hộ nông dân trong huyện. Thu nhập bình quân đầu người; sản lượng lương thực bình quân đầu người tăng mạnh là những cơ sở vững chắc thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp-nông thôn, phát triển kinh tế hộ nông dân trong toàn huyện. Số hộ khá và giầu liên tục tăng, số hộ nghèo liên tục giảm trong tổng số hộ nông dân, là thành tựu cơ bản và là sự ghi nhận những cố gắng của toàn thể nhân dân trong huyện. Có được những kết quả to lớn đó là do Thanh Miện đã biết khai thác tốt những lợi thế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nông nghiệp vào phát triển sản xuất, đặc biệt:

-Việc quy hoạch, phân loại đất đai thành đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, đất ở và đất chưa sử dụng đã được tiến hành dứt điểm. Toàn huyện đã xây dựng được bản đồ hiện trạng hai cấp xã và huyện. đảm bảo cho diện tích đất nông nghịêp sẽ không bị biến động lớn vào các năm tiếp theo.Từng loại đất đã được giao cho các cơ quan và các cá nhân quản lý, sử dụng rõ ràng. Việc cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, ỏn định cho bà con nông dân

cơ bản đã được hoàn thành. Các quyền của người sử dụng đất đã được đảm bảo, quyền chuyển nhựơng được khuyến khích thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương, tạo điều kiện cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, đầu tư tiền vốn, lao động, khoa học kỹ thuật vào ruộng đất của mình giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đất do các UBND xã quản lý đã được đưa vào sử dụng, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định.

-Việc cấp vốn vay cho sản xuất của các hộ nông dân đã được quan tâm đúng mức. Với mạng lưới cung cấp đa dạng gồm ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng phục vụ người nghèo và các quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động ngày càng sâu, rộng, tỷ lệ dư nợ luôn đạt ở mức cao và ngày càng tăng đã tạo lên một thị trường vốn hết sức sôi động ở nông thôn.

Số vốn cho vay phát triển hộ nông dân ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vốn vay, thủ tục cho vay đã được cải thiện, vốn cho vay trung hạn và dài hạn ngày càng nhiều, đối tượng được mở rộng thực sự đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho các hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất.

-Sự nghiệp giáo dục được coi trọng, trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao. Hàng trăm lớp bồi dưỡng chuyển giao khoa học kỹ thuật với hàng vạn người tham gia, chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh lúa; bảo vệ thực vật; nhân chọn giống lúa; kỹ thuật nuôi thả cá; thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò, tổ chức thăm quan mô hình nhân giống; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát tài liệu cho hàng nghìn hộ nông dân...bằng các hình thức thiết thực đã được thực hiện, đã tạo những cơ sở vững chắc cho các quá trình sản xuất, phát triển kinh tế hộ nông dân, đem lại những hiệu quả cao thiết thực.

-Thị trường đầu vào với các nguồn cung ứng đa dạng, thuận tiện đã cung cấp đầy đủ những yếu tố sản xuất cần thiết cho các hộ nông dân một cách nhanh nhất với chủng loại đa dạng, phương thức thanh toán nhanh, gọn, dễ dàng. Thị trường đầu ra đã bước đầu được xác lập mặc dù sản phẩm nông sản của huyện chưa nhiều với mức độ cạnh tranh lành mạnh. Nhiều loại nông sản hàng hoá , các hộ nông dân trước khi nuôi trồng được cung ứng hạt giống từ nguồn phù hợp nhất , được hướng dẫn kỹ thuột nuôi trồng và chăm sóc ,và sự đảm bảo từ nơi thu mua. Đã tạo ra sự thuận lợi cho sản xuất, xác lập được lòng tin từ nhân dân, khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo sự quan tâm hơn đến phát triển sản xuất và tính tóan hiệu quả từ các hộ nông dân.

-Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã được quan tâm đúng mức từ các cấp các ngành và toàn thể nhân dân. Bước đầu đã đem lại những kết quả đáng mừng ở cả hai loại cây là cây dài ngày và cây trồng hàng năm. Hiệu quả thiết thực mà nó mang lại đang là động lực thúc đẩy chuyển đổi phát triển sản xuất hàng hoá, hình thành những vùng cây, con sản xuất chuyên môn hoá. Tạo những tiền đề bước đầu cho kinh tế trang trại trong nông nghiệp của Thanh Miện ra đời và phát triển.

-Cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp-nông thôn cơ bản đã được hoàn tất và đang từng bứơc hiện đại hoá. Các dự án khoanh vùng, nâng cấp, tu tạo và làm mới các cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp phát triển đang được triển khai thực hiện. Mạng lưới đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng được quan tâm đúng mức. Các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm được ưu tiên tạo lập và đảm bảo phát triển. Các hình thức liên doanh liên kết trong nông nghiệp được thúc đẩy... hệ thống khuyến nông hoạt động mạnh. Các chính sách của huyện uỷ-Hội đồng nhân dân-UBND huyện quan tâm, ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn. Đã tạo lên những điều kiện thuận lợi và cần thiết cho kinh tế hộ nông dân phát triển đặc biệt là sự quan tâm về đất đai, vốn, thị trường, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo lập, ra đời và sự phát triển của kinh tế trang trại, tạo lập bộ mặt mới, tiến bộ trong nông nghiệp-nông thôn của Thanh Miện.

Mặc dù đã đạt được những thành quả bước đầu to lớn, tác dụng cũng như ưu điểm của những việc đã làm được cho sự phát triển kinh tế hộ nông dân của Thanh Miện là không thể bàn cãi. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những nhược điểm, những tồn tại đang đặt ra một loạt các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và giải quyết trong thời gian tới, đó là:

-Việc áp dụng các chính sách của nhà nước đối với hộ nông dân trong huyện vẫn còn nhiều bất cập. Vì nhiều lý do khác nhau mà có lúc, có nơi việc áp dụng các chính sách này không thật hoàn toàn giống nhau, gây thiệt thòi, phiền hà cho người dân. Tình trạng hạch sách, gây khó khăn cho các hộ nông dân trong các cơ quan hàng chính vẫn còn diễn ra khiến một bộ phận không nhỏ các hộ không muốn tiến hành những công việc có liên quan hoặc phải xin phép các cơ quan này. Thêm vào đó, một số nơi việc giải quyết các tranh chấp mất công bằng gây tâm lý lo lắng, bất bình trong các hộ nông dân.

-Tuy phần lớn diện tích đất trên địa bàn huyện đã được quy hoạch sử dụng vào các mục đích khác nhau, diện tích đất nông nghiệp do các hộ nông dân sư dụng lâu dài đã đem lại hiệu quả cao. Nhưng tỷ lệ đất do các UBND xã quản lý khá lớn, trong đó có cả những diện tích đất nông nghiệp, chưa được sử dụng có hiệu quả tương xứng với tiềm năng của nó. Diện tích đất chưa sử dụng có thể đưa vào cải tạo để sản xuất tuy không quá lớn (3% diện tích tự nhiên) nhưng cũng cần có giải pháp sử dụng cho có hiệu quả lâu dài. Bình quân đất nông nghiệp trên đầu người của huyện thấp lại rất manh mún, phân tán gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và sản xuất hàng hoá của các hộ nông dân. Do không có sự quản lý chặt chẽ từ các xã lên việc người dân tự ý lấy đất ngoài ruộng về đóng gạch, đổ thùng ao diễn ra khá phổ biến.

-Các nguồn tín dụng trong những năm vừa qua tuy đã có những bước tăng trưởng khá nhưng do xuất phát điểm rất thấp nên kết quả hoạt động còn chưa tương xứng với nhu cầu đòi hỏi từ các hộ nông dân. Nguồn vốn huy động chưa cao, đối tượng cho vay còn hạn hẹp; lãi suất cho vay tuy đã có những cải thiện nhưng vẫn còn khá cao đối với các hộ nghèo vay từ Ngân hàng nông nghiệp; món vay nhỏ; thời hạn cho vay chủ yếu vẫn là ngắn hạn; thủ tục vay vốn tuy đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn còn gây khó khăn cho các hộ nông dân, là những tồn tại mà trong thời gian tới Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần tìm cách tháo gỡ. Thêm vào đó là tình trạng mất công bằng, đầu tư cho vay chưa đúng lúc, đúng chỗ làm cho hiệu quả đồng vốn cho vay chưa cao,. Trong khi nhu cầu vay vốn của các hộ nông dân khá lớn thì khả năng đáp ứng của các tổ chức tín dụng chính thức lại khá khiêm tốn, khiến cho các đơn vị tín dụng phi chính thức còn hoạt động và tồn tại. Hộ nông dân không thể đầu tư có hiệu quả nếu vay từ các nguồn phi chính thức này.

-Trong những năm vừa qua, trình độ dân trí của người dân đã được nâng lên đáng kể, trình độ; kỹ năng của người lao động trong hộ nông dân cũng đã được cải thiện. Tuy nhiên mức độ chuyển biến đó còn dàn trải, chưa có một sự đột phá, nổi trội trong những người lao động. Kéo theo đó là một sự tiến lên từ từ của sản xuất, chưa có một sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp- nông thôn. Lực lượng lao động thiếu những người có trình độ cao, xuất sắc.

-Một ưu điểm của thị trường đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở Thanh Miện là sự đa dạng của các nguồn cung ứng, sự phong phú của các sản phẩm. Nhưng cũng chính điều đó đòi hỏi một sự quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng và giá thành sản phẩm, sự hướng dẫn tỷ mỉ về cách sử dụng và thời điểm sử dụng, những điều mà Thanh Miện chưa làm tốt. Thị trường đầu vào gần như bị buông lỏng mặc cho người nông dân phải chịu thiệt thòi.

Thị trường đầu ra cho các sản phẩm hàng hoá của hộ nông dân còn quá eo hẹp, không có sự cạnh tranh thích hợp. Phần lớn các sản phẩm hàng hoá của hộ nông dân do các tư thương trực tiếp thu mua. Các điểm chế biến với phương tiện, công cụ thô sơ lại ít nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu của hộ.

-Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi diễn ra quá chậm chạp, diện tích đưa vào chuyển đổi quá ít nhưng số loại cây trồng nhiều nên dẫn đến tình trạng chưa đồng nhất, chưa hình thành được những vùng sản xuất chuyên môn hoá, hàng hoá lớn. Có nhiều vùng, nhiều xã chưa chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều diện tích đã chuyển đổi trên địa bàn huyện do không thực hiện đúng quy trình khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả mang lại chưa cao, chưa trở thành điển hình để các hộ nông dân khác học hỏi. Nên chưa khuyến khích được hoặc nói đúng hơn là chưa đủ mạnh, chưa đủ sức thuyết phục để có thể khuyến khích, thúc đẩy tất cả các hộ nông dân đi vào chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp.

Sản phẩm hàng hoá của huyện còn quá ít, lại phân tán nên gây khó khăn rất nhiều cho việc thu mua ở mức độ lớn. Ngoài ra chất lượng các sản phẩm hàng hoá này lại chưa đồng đều cũng là một vấn đề cần khắc phục.

-Số hộ nông dân còn chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng số hộ gia đình của huyện. Trong khi đó tỷ lệ hộ thuần nông cao đã làm cho thu nhập của các hộ nông dân rất thấp.Thu nhập này chưa đủ để có thể tích luỹ tái sản xuất mở rộng bằng nguồn vốn tự có của mình. Thêm vào đó là tư tưởng cổ hủ, truyền thống sản xuất nhỏ, lười thay đổi, ngại khó khăn đã gây cản trở rất nhiều cho quá trình tiến lên sản xuất hàng hoá, hình thành và phát triển các trang trại trong nông nghiệp-nông thôn của huyện.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ NÔNG DÂN Ở HUYỆN THANH MIỆN (Trang 37 - 41)