Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của Internet thì các kỹ thuật về quản lý mạng cũng đã được phát triển ở mức cao, điều này có thể minh chứng bằng sự phát triển của rất nhiều ứng dụng quản lý mạng nổi tiếng như HP-Openview, Castle Rock’s SNMPc,… đây là các sản phẩm thương mại. Ngoài các sản phẩm thương mại, cũng có nhiều sản phẩm về quản lý mạng miễn phí và mã nguồn mở như: OpenNMS, Nino, Jffnms,… Tuy nhiên, các sản phẩm đó chỉ phục vụ cho phía trạm quản lý, còn các ứng dụng cho phía tác tử quản lý thì chỉ có để phục vụ cho các yêu cầu chung như các hệ điều hành, thiết bị chuẩn. Nguyên nhân là do các tác tử phải gắn trên các đối tượng quản lý, mà đối tượng quản lý chủ yếu là do các hãng cung cấp thiết bị phát triển. Do đó, chỉ có các tác tử đặc thù tuỳ theo yêu cầu của các hãng sản xuất nhất định, ví dụ như chỉ có tác tử cho các thiết bị mạng của Cisco, IBM,... Như vậy, để quản lý được các đối tượng riêng, buộc ta phải tự phát triển tác tử quản lý phục vụ cho yêu cầu riêng đó.
Trong khuôn khổ luận văn này, tác giả lựa chọn quản lý hệ thống máy chủ web, mà cụ thể là cho máy chủ Apache. Nguyên do lựa chọn này là vì web là dịch vụ phổ biến, dễ thử nghiệm và ứng dụng. Đặc biệt là hiện tại cở sở dữ liệu thông tin quản lý MIB cho dịch vụ này đã được định nghĩa thành chuẩn thể hiện trong RFC 2594. Hơn nữa, Apache được cung cấp miễn phí và đặc biệt là mã nguồn mở. Do đặc điểm mã nguồn mở nên hệ thống cho phép ta có thể thực hiện tích hợp được tác tử quản lý vào nhân của nó. Apache cung cấp đầy đủ các tính năng cho một máy chủ web và giao thức HTTP. Hiện nay, Apache được sử dụng rất phổ biến bởi ngoài việc cung cấp miễn phí, nó còn có các đặc điểm ưu việt như hiệu suất hoạt động cao, đảm an toàn, và hỗ trợ các hệ điều hành phổ biến như: Unix, Linux, Window,…
Trước khi đi vào thực hiện hệ thống, ta cần nắm được các yêu cầu chung cần thiết, đầu tiên là xác định nội dung của bài toán quản trị tích hợp. Ta cần hiểu quản trị tích hợp là công việc quản lý mạng cho cả hạ tầng kỹ
thuật, ứng dụng và dịch vụ hoạt động trên đó. Cụ thể là ta cần xây dựng module tác tử tích hợp vào hệ thống máy chủ Apache nhằm quản lý các hoạt động của dịch vụ web trên đó. Ở đây, ta không tập trung nghiên cứu xây dựng ứng dụng phía trạm quản lý, vì đó là một bài toán lớn mà khuôn khổ luận văn này chưa thể thực hiện được. Hơn nữa ứng dụng phía trạm quản lý đã có rất nhiều và đều theo chuẩn SNMP nên ta có thể ứng dụng luôn.
Sau khi xác định bài toán, ta sẽ xác định các chức năng của ứng dụng. Như phần trên đã trình bày, vì hầu hết các chức năng và dữ liệu quản trị đều nằm trên phía trạm quản lý. Còn phía tác tử quản lý sẽ hết sức nhỏ gọn, chỉ chứa rất ít chức năng và dữ liệu. Do đó, đối với một ứng dụng phía tác tử quản lý mạng thì chức năng cơ bản của chúng không nhiều, mà cụ thể gồm hai nhóm chức năng là:
1- Thu thập, xử lý thông tin từ các đối tượng quản lý tuân theo cơ sở dữ liệu MIB.
2- Thực hiện trao đổi thông tin với NMS theo giao thức SNMP.
Vì là ứng dụng quản lý mạng nên yêu cầu về chức năng đầu tiên của tác tử quản lý là phải truy nhập được theo giao thức chuẩn SNMP, đây là chức năng bắt buộc phải có. Tức là nó phải có khả năng khởi tạo giao thức SNMP và thực hiện các giao tác trao đổi thông tin theo yêu cầu của ứng dụng phía trạm quản lý. Và chức năng thứ hai là phải đáp ứng được các yêu cầu cần quan tâm đối với đối tượng quản lý. Bài toán ở đây là quản lý cho dịch vụ web, nên ta có thể phân các nhiệm vụ thành ba nhóm, đó là:
1- Nhóm trạng thái của máy chủ web 2- Nhóm cấu hình cho máy chủ web 3- Nhóm dịch vụ web
Các nhóm nhiệm vụ trên sẽ có các yêu cầu như:
- Đếm các yêu cầu truy nhập web từ phía người dùng (gồm cả các yêu cầu thành công và không thành công), số byte yêu cầu.
- Trạng thái các đối tượng tài liệu.
- Trạng thái khởi tạo của dịch vụ web, thời gian khởi tạo.
- Trạng thái phục vụ và thiết lập một số thông số cơ bản của máy chủ: số lượng min, max của tiến trình, số máy trạm truy nhập đồng thời…
- Mức ghi nhật ký, thời gian timeout,…
Ngoài các yêu cầu về chức năng, một trong những mục đích quan trọng của vấn đề quản lý mạng là yếu tố thời gian thực của dữ liệu quản trị. Yếu tố thời gian thực thể hiện tức thời dữ liệu giám sát giúp cho người quản trị có được các thông tin về dịch vụ. Và do đó trong trường hợp bất thường sẽ nhận biết được để có giải pháp khắc phục kịp thời, tránh bị gián đoạn cũng như đảm bảo hiệu suất và chất lượng dịch vụ.
Công cụ phát triển cũng là một yêu cầu không thể thiếu được. Vì Apache được viết bằng ngôn ngữ lập trình C nên để tích hợp được tác tử quản trị thì ta phải phát triển bằng ngôn ngữ lập trình C. Tuy nhiên, tác giả chọn Apache trên nền hệ điều hành Linux, vì đây là hệ điều hành nguồn mở, và có nhiều tiện ích giúp cho việc nghiên cứu cũng như quản trị hệ thống rất thuận tiện trong việc quản lý dịch vụ của hệ thống.
Như vậy, sau khi đã xác định bài toán và các yêu cầu cơ bản ta sẽ tiến hành phân tích và thiết kế hệ thống tác tử quản trị. Phần tiếp theo đây sẽ thực hiện các mục đích này.