Xu hướng tác nghiệp của nhà báo

Một phần của tài liệu Bước đầu nhận diện loại hình truyền thông mới trên điện thoại di động ở Việt Nam tt.PDF (Trang 26)

7. Kết cấu luận văn

3.1.3.Xu hướng tác nghiệp của nhà báo

Công nghệ điện thoại di động có tác động không nhỏ tới nghề làm báo. Thậm chí, nó tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt của báo điện tử. Thí dụ sau đây cho thấy các nhà báo có thể làm được hơn trước kia rất nhiều. Lary Đích-nan cùng lúc là Giám đốc biên tập của hai mạng thông tin một trang mạng, viết cho chuyên mục dịch vụ tài chính và công nghệ của nhiều tờ báo... Ðể làm được từng ấy việc thì Lary phải sử dụng điện thoại di động 3G nối Internet, kết nối mạng không dây (wifi) mạnh, một công cụ trợ giúp vô cùng đắc lực cho ông trên tàu xe, trong quán cà phê, trên bãi biển”.

3.1.3.1. Xu hướng sản xuất thông tin nhờ điện thoại di động của nhà báo công dân

Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Đức Dũng, “công chúng hiện đại đã có những thay đổi cơ bản trong quan hệ với các cơ quan truyền thông. Họ không còn là những người thụ động chờ được ban phát thông tin, mà còn chủ động tìm kiếm thông tin, thậm chí tham gia vào sản xuất thông tin” [17]

Những thông tin đầu tiên của CNN ghi lại được từ sự kiện 11/9/2001 là những video do những người chứng kiến ghi lại bằng điện thoại di động.

Trên thế giới, báo chí công dân được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như báo chí theo mạng lưới, báo chí nguồn mở, truyền thông công dân… Nhưng gọi theo cách nào thì đặc điểm chung của xu hướng báo chí này cũng nằm chủ yếu ở từ “công dân”. Đó cũng là điểm chính yếu phân biệt báo chí công dân với báo chí truyền thống do các nhà báo chuyên nghiệp thực hiện.

Đặc điểm quan trọng nhất của xu hướng báo chí mới này chính là sự tham gia tích cực chủ động của các công dân - những người dân bình thường - vào quá trình thu thập, tường thuật, phân tích và phổ biến tin tức và thông tin. Tỷ lệ đóng góp của công dân vào quá trình thông tin trong báo chí công dân có thể rất cao, thậm chí là tỷ lệ 100%.

Công nghệ hiện đại có thể dễ dàng trang bị cho các nhà báo những công cụ tác nghiệp thì cũng có thể đặt vào tay công chúng những công cụ đó. Với những chiếc điện thoại di động, máy nghe nhạc cá nhân có chức năng ghi âm, những chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn có bộ nhớ cao, những chiếc máy quay phim tiện lợi có chất lượng hình ảnh đẹp… mọi công dân đều có thể trở thành một người sản xuất tin.

3.1.3.2. Xu hướng tác nghiệp bằng điện thoại di động của nhà báo chuyên nghiệp

Theo nghiên cứu của Arketi Group (2007), 90% các nhà báo sử dụng các ứng dụng mới của công nghệ để tìm kiếm nguồn tin. Mô hình phóng viên di động sẽ được chú trọng. Phóng viên di động là thuật ngữ dùng để chỉ những nhà báo tác nghiệp với sự hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật như máy tính xách tay kết kết nối Internet không dây, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay video, máy ghi âm, điện thoại di động. Các phóng viên di động thường không ngồi cố định trong tòa soạn và tác nghiệp theo kiểu phóng viên sa lông mà vốn dĩ các nhà báo trong mô hình tòa soạn truyền thống hay mắc phải. Văn phòng của các phóng viên di động là các quán cà phê, sân vận đông, phòng đợi nhà ga, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng, khách sạn, một làng bản xa xôi, thậm chí ngay nhà riêng của mình. Các phóng viên di động phải rèn cho mình một tác phong liên tục di chuyển, tìm đến những sự kiện nóng hổi mà dư luận quan tâm để đưa tin, thậm chí đưa tin tức ngay tại hiện trường bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, trong đó có điện thoại di động.

3.2. Nâng cao hiệu quả của loại hình truyền thông trên điện thoại di động ở Việt Nam

Hiện nay, có thể thấy hầu hết các dịch vụ đọc báo trên điện thoại di động của các báo điện tử ở Việt Nam đều được phát triển trên một nền tảng công nghệ giống nhau. Do vậy, về hình thức, khi hiển thị trên màn hình điện thoại, độc giả dễ có cảm giác là “báo nào cũng như báo nào”. Vì vậy, người viết xin đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần phát huy tối đa các ưu điểm của loại hình truyền thông trên điện thoại di động ở Việt Nam.

3.2.1. Đề xuất với đơn vị báo chí sử dụng loại hình truyền thông trên ĐTDĐ

Đơn vị báo chí phải có nguồn nhân lực có khả năng sản xuất sản phẩm báo chí nhờ các phương tiện truyền thông mới, trong đó có điện thoại di động.

Đơn vị báo chí phải trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật là điều kiện quan trọng để tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động báo chí đa phương tiện, trong đó đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên phải làm chủ được các thiết bị kỹ thuật tiên tiến ứng dụng trong hoạt động nghề nghiệp.

3.2.2. Đề xuất với cơ quan quản lý báo chí Việt Nam hiện nay

Phương tiện truyền thông mới hội tụ phương tiện truyền thông truyền thống đang trở thành một xu hướng có tính quy luật. Phương tiện truyền thông mới đã và đang có sự liên kết chặt chẽ, thậm chí không tách bạch. Báo in, phát thanh, truyền hình sẽ gắn với mạng Internet và điện thoại di động cùng nhau phát huy những thế mạnh sở trường của mình.

Do vậy, việc nhận biết đầy đủ, đúng đắn về xu hướng này rất có ý nghĩa không chỉ với những người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông mà còn là của các cấp ngành lãnh đạo quản lý và cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí.

Hiện nay, rất nhiều đơn vị báo chí đã có hình thức cung cấp thông tin qua điện thoại di động. Các cơ quan báo chí cần đưa ra những tiêu chí rõ ràng trong việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ qua điện thoại di động. Hơn nữa, việc quảng cáo thông qua dịch vụ thông tin trên điện thoại di động cũng cần có sự quản lý để tránh những quảng cáo phản cảm, gây khó chịu cho độc giả.

3.2.3. Đề xuất với các cơ sở đào tạo báo chí

Các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cần chú trọng đào tạo chuyên ngành báo chí đa phương tiện. Đối với hệ đào tạo cử nhân báo chí, ngoài đào tạo chuyên ngành chuyên sâu hoặc đào tạo kiến thức tổng hợp, kỹ năng về báo chí, truyền thông, các cơ sở đào tạo báo chí cần đồi mới nội dung, chương trình, cải tiến phương pháp theo hướng đào tạo báo chí đa phương tiện. Có thể thành lập khoa hoặc chuyên ngành mới, khóa học chuyên đề về báo chí đa phương tiện, về cách sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong quá trình tác nghiệp.

Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu xu hướng phát triển báo chí và truyền thông trên thế giới và ở Việt Nam. Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu xu hướng phát triển của báo chí nói chung, xu hướng phát triển của các loại hình báo chí mới, của các phương tiện truyền thông mới, từ đó xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ làm báo hiện đại.

Các cơ sở đào tạo cần chú trọng việc bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo, báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Lãnh đạo các đơn vị báo chí cần được đào tạo về kiến thức và kỹ năng điều hành hoạt động của một tòa soạn đa phương tiện. Thực tế cho thấy ở Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo các chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí truyền thông, nhất là đối với các loại hình báo chí mới. Nếu chức danh này được đào tạo chuyên nghiệp, chắc chắn các nhà lãnh đạo, quản lý tòa soạn sẽ điều hành tòa soạn đa phương tiện tốt hơn.

KẾT LUẬN

Ngày nay, nhân loại đang ở thời kỳ mà chúng ta vẫn thường gọi là “bùng nổ công nghệ thông tin”. Với sự xuất hiện của Internet và điện thoại di động cùng nhiều phương tiện truyền thông mới, các loại hình truyền thông truyền thống ở Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển vô cùng mạnh mẽ với đặc điểm là hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện. Sự phát triển có tính chất nhảy vọt của công nghệ truyền thông, của Internet và cá ứng dụng của công nghệ mới trong mọi lĩnh vực của đời sống… đang ngày càng phổ biến, đã tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việc đọc báo trên các phương tiện truyền thống đang bị thu hẹp. Ngay cả với báo điện tử - loại hình từng được đánh giá là phương tiện của tương lai cũng đang gặp khó khăn và bão hòa. Do vậy, việc các trang web, cơ quan báo chí trên thế giới hướng tới dịch vụ đọc báo trên điện thoại di động là xu thế tất yếu.

Người đọc có thể tiếp cận thông tin thông qua phương tiện điện thoại di động, bằng cách kết nối Internet, truy cập vào các địa chỉ báo điện tử để đọc tin tức. Ở thời điểm hiện tại, nội dung của hình thức truyền thông trên điện thoại di động cơ bản vẫn giống như các phiên bản của báo điện tử. Sự khác biệt của của các phiên bản báo điện tử trên điện thoại di động so với báo điện tử mới chỉ ở hình thức, nhưng dần dần những yếu tố như ngôn ngữ, hình ảnh, phong cách viết, bố cục bài báo, trang báo… sẽ có sự thay đổi nhất định để phù hợp với phương tiện điện thoại di động cũng như nhu cầu của công chúng. Điều này đang góp phần hình thành nên một loại hình truyền thông mới – truyền thông trên điện thoại di động cũng như thói quen mới của công chúng – tiếp cận thông tin qua điện thoại di động.

Một phần của tài liệu Bước đầu nhận diện loại hình truyền thông mới trên điện thoại di động ở Việt Nam tt.PDF (Trang 26)