Mặc dù là những tiểu thuyết bám sát các sự kiện lịch sử, thiên về kể nhưng hầu hết các tác phẩm đều có sự xuất hiện sự độc thoại nội tâm của nhân vật với mức độ đậm nhạt khác nhau. Các nhân vật thường bộc lộ suy nghĩ của mình về sống và cái chết hoặc đó là những cảm xúc với cách mạng, về trách nhiệm của người cầm quân, vv.... Độc thoại nội tâm không chỉ là tiếng nói bên trong của các nhân vật mà nó còn cho thấy nghệ thuật phân tích
tâm lí nhân vật của các nhà văn.
3.3.2. Ngôn ngữ người kể chuyện
Trong các tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng 2004- 2009, ngôn ngữ người kể chuyện chiếm một lưu lượng lớn. Người kể chuyện là tác giả đóng vai trò quan trọng nhưng ngoài ra còn có sự bổ sung lời kể của nhiều nhân vật khác ở trong tác phẩm. Điều này làm cho chân dung của các nhân
vật hiện lên sinh động và đầy đặn hơn rất nhiều. Trong Những bức tường lửa,
lời kể của người kể chuyện thường ngắn gọn, dễ hiểu, ít khi dùng mĩ từ, rất gần gũi với đời sống tạo cảm giác tin cậy ở bạn đọc, đôi khi pha chút dí dỏm,
làm xóa nhòa cái ranh giới về người kể chuyện. Tiếng khóc của nàng Út có
giọng kể thâm trầm như hô ứng với âm hưởng của toàn truyện. Ngôn ngữ của
người kể chuyện mang đầy cảm xúc. Lời của người kể chuyện trong Thượng
Đức thường đơn giản, chính xác, trung thực. Xen kẽ trong tác phẩm là lời kể
có phần hóm hỉnh, hài hước, nhanh gọn, có sức lôi cuốn người đọc. Một số chỗ người kể chuyện lộ diện, thể hiện thái độ của mình. Trong Mùa hè giá buốt người kể chuyện không trực tiếp xuất hiện và tham gia vào câu chuyện. Nhìn chung, lời kể của tác phẩm mang tính khách quan, tự nhiên.
3.4. Giọng điệu
Các tiểu thuyết có sự đa dạng trong sắc thái giọng điệu hay nói cách khác đó là hợp xướng của nhiều giọng điệu.
3.4.1. Giọng điệu hào hùng, ngợi ca, thành kính
Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009, người đọc vẫn có thể bắt gặp nó ở một số chương đoạn ca ngợi vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẻ đẹp của người chiến sĩ trong hành động chiến đấu. Nhìn chung, giọng điệu ngợi ca, thành kính không phải là gam giọng chủ đạo trong các sáng tác về chiến tranh cách mạng giai đoạn hiện nay. Nhiều khi chỉ mang tính chất bổ sung cho những gam giọng điệu khác của tác phẩm, ngay cả khi các tiểu thuyết này có khuynh hướng sử thi.
3.4.2. Giọng điệu trữ tình, mang đậm chất thơ
Nhiều nhà văn đã sử dụng giọng điệu này để tạo nên những áng thơ trữ tình bằng văn xuôi. Hiệu quả thẩm mĩ đem lại khiến cho câu chuyện có độ co
giãn, hài hòa, tạo nên những xúc cảm sâu lắng cho người đọc. Ở Những bức
tường lửa, những trang nhật kí của nhân vật, hay các đoạn văn tả cảnh ban đêm ở chiến trường có sức khơi gợi những khoảnh khắc rung động lòng
người. Trong Tiếng khóc của nàng Út, đó chính là giọng điệu đầy tình cảm
của những trang viết về phong tục nguyên thủy của các tộc người Tây Nguyên hay vẻ đẹp hùng vĩ nên thơ của núi rừng nơi đây. Đó còn là trường đoạn kể sự tích cuộc đấu tranh khai khẩn lập nên xứ Bàu Ốc, gắn sự trù phú ở đây cho
đến triều đại Lê Thánh Tông. Chất thơ trong Thượng Đức biểu hiện ở cách
dựng lại không khí của một thời cả nước hừng hực lên đường, nhất là trường đoạn diễn tả tâm lí Nguyễn Quốc Hùng sắp tự sát. Gam giọng điệu này cho thấy các tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng hiện nay có xu hướng tìm tòi, làm giảm bớt định kiến khô khan về tiểu thuyết chiến tranh.
3.4.3. Giọng điệu xót xa, ngậm ngùi
Giọng điệu xót xa, ngậm ngùi xuất hiện với tần số cao trong tiểu thuyết của các nhà văn. Người đọc có thể bắt gặp giọng điệu này trong các trường
đoạn nói lên sự hy sinh, mất mát, khi chứng kiến sự hủy diệt tàn khốc của
chiến tranh. Trong Những bức tường lửa, gam giọng buồn bã, xót xa ta
thường gặp trong những đoạn độc thoại, thậm chí cả đối thoại của các nhân vật. Tiếng khóc của nàng Út lại thể hiện nỗi đau đớn về vận mệnh và xứ sở, về sự hy sinh cao cả nhưng hết sức thầm lặng của những người anh hùng. Vì thế giọng điệu thống thiết bao trùm tác phẩm thường gợi nên sự suy ngẫm chứ không bi lụy.
3.4.4. Giọng điệu suồng sã, tự nhiên
Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh hiện nay, hầu như các tác phẩm đều có sự xuất hiện của giọng điệu này. Điều đó cho thấy tiểu thuyết đã bám sát và tái hiện đời sống như nó vốn có. Hệ thống các từ ngữ thông tục và một phần nhỏ ngôn ngữ hàng ngày thể hiện trong lời nói của nhân vật khiến cho giọng điệu thân mật hơn và nó đem lại hiệu quả trong cách kể của tác phẩm. Chính giọng điệu này đã tạo ra những đoạn văn mang tính hài hước, góp phần làm nên sự đa giọng điệu của nhiều tiểu thuyết. Giọng điệu nghiêm trang, nhanh gọn, dứt khoát được toát lên qua các mệnh lệnh chiến đấu như được “mềm hóa” hơn qua các giọng điệu mang tính suồng sã, thông tục này. Những sắc thái giọng điệu này không chỉ thể hiện rõ cá tính mà còn cho thấy đặc trưng ngôn ngữ của những người lính trẻ tuổi, yêu đời, vô tư.
3.4.5. Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư
Đây là giọng điệu mà các tác phẩm đều sử dụng. Nó cho thấy giọng điệu này không phải là hiếm trong các tác phẩm khi mà các nhà văn đều có “nhu cầu” nhận thức lại những vấn đề của chiến tranh. Các nhân vật triết lí về sự sống, quyền lực danh vọng, về chiến thắng và mất mát hy sinh, vv...
KẾT LUẬN
Nhìn lại một chặng đường phát triển ngắn của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng trong khoảng giao thời giữa hai thế kỉ từ 2004- 2009, chúng ta dễ dàng nhận thấy, mảng tiểu thuyết về đề tài này vẫn có sức hút lớn đối với nhà văn và độc giả nhiều thế hệ. Đặt trong xu thế phát triển chung của
nền văn học dân tộc, mảng tiểu thuyết về đề tài này tuy không chiếm vị trí chủ lưu như những giai đoạn trước nhưng thực sự nó vẫn có vị trí trang trọng trong nền văn học của nước nhà.
Không chỉ phong phú, đa dạng về số lượng mà chất lượng của các tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng giai đoạn 2004- 2009 cũng có những đổi mới nhất định trên cơ sở kế thừa thành tựu của tiểu thuyết cùng đề tài các giai đoạn trước.
Từ việc đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, các nhà văn đã xây dựng được hình tượng người lính, người anh hùng có sức thuyết phục hơn. Đó là những con người đa diện, gần gũi với cuộc sống đời thường. Những người lính, dù là ở cương vị chỉ huy hay chiến sĩ đều mang những nét đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ở trong họ, cái tốt và cái xấu cùng tồn tại. Các nhân vật kẻ thù, phản diện không còn được phản ánh một chiều theo công thức địch – ta nữa. Hiện lên trong nhiều trang sách là những con người với các phần sáng- tối cùng tồn tại. Bên cạnh các cảm hứng khác, nhiều tác phẩm vẫn khai thác bi kịch song không gợi cảm giác bi lụy.
Xét trên phương diện nghệ thuật, các tiểu thuyết về dường như không có sự đổi mới mang tính đột phá như tiểu thuyết giai đoạn những năm 90. Cách xây dựng cốt truyện, không gian, thời gian, kết cấu của các tiểu thuyết vẫn là sự tiếp nối cách thể hiện của văn học giai đoạn trước song có phần linh hoạt hơn và ở mỗi tác giả lại có thể hiện riêng. Tuy vậy ngôn ngữ và giọng điệu trong các tác phẩm có sự thay đổi theo hướng ngày càng gần gũi với cuộc sống. Ở đó có sự giảm đi của giọng điệu mang tính sử thi và gia tăng giọng điệu trung tính, khách quan và suồng sã, thân mật.
Những biểu hiện trên tuy chưa thực sự khái quát hết song chúng cũng đã phần nào cho chúng ta thấy được diện mạo, xu hướng khai thác đề tài này của các nhà văn viết về chiến tranh trong mấy năm trở lại đây. Trên thực tế, mảng tiểu thuyết này phát triển có phần chững lại sau chiến tranh nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn chấm dứt sứ mệnh thể loại của mình. Chỉ có
điều tiểu thuyết về đề tài vốn quen thuộc này đã không giữ nguyên “vóc dáng” như như giai đoạn trước 1975. Nó đã có những tìm tòi, biến đổi để cho phù hợp với thị hiếu và tâm lí tiếp nhận của người đọc trong thời đại hiện nay. Nhìn vào khối lượng tác phẩm được xuất bản, nhìn vào danh sách các tác phẩm đoạt giải của Hội Nhà văn, Bộ Quốc phòng, chúng ta có thể khẳng định mảng tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng vẫn có đóng góp không nhỏ vào nền văn học dân tộc trong những năm đầu thế kỉ XXI và mai sau.