Tất cả những yếu tố địa chất, địa hoá, địa vật lý và những yếu tố khác trực tiếp hoặc gián tiếp chứng tỏ sự có mặt của khoáng sản trong phạm vi những khu vực nghiên cứu của vỏ Trái Đất đều được xem là những dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản. Chúng bao
gồm 1) Biểu hiện quặng hoá; 2) Các vành phân tán nguyên sinh; 3) Các vành phân tán thứ sinh; 4) Các dị thường địa vật lý; 5) Các đá gần quặng bị biến đổi; 6) Dấu vết khai thác cũ, tư liệu địa lý - lịch sử và những tài liệu khác.
+ Biểu hiện quặng hoá ở những vết lộ tự nhiên và nhân tạo (các vết lộ quặng) là những dấu hiệu quan trọng để suy đoán không chỉ về sự có mặt của khoáng sản, mà cả về thành phần và chất lượng của quặng.
+ Vành phân tán nguyên sinh là sự phân bố của các khoáng vật và các nguyên tố đồng hành (chỉ thị) với quặng hoá xuất hiện ở trong các đá vây quanh đồng thời với quá trình hình thành các tích tụ quặng. Chúng có kích thước lớn hơn các thân quặng nhiều lần và có thể được xem như những đới bên ngoài của các thân quặng đó. Kích thước của các vành phân tán nguyên sinh phụ thuộc trực tiếp vào hàm lượng của các nguyên tố trong các thân quặng và tỷ lệ nghịch với phông (nền) địa hoá của chúng trong các đá vây quanh.
+ Vành và dòng phân tán thứ sinh được hình thành do kết quả của các quá trình phong hoá trên bề mặt các thành tạo quặng, các quá trình vận chuyển và phân tán các khoáng vật và các nguyên tố có ích. Các vành và dòng phân tán thứ sinh của các nguyên tố tạo quặng có thể gặp trong tất cả các môi trường tự nhiên như đá, nước, không khí và thực vật. Trong thân nhiều loài thực vật như cỏ, cây bụi v.v... có thể phát hiện ra hàm lượng tăng cao của một số các nguyên tố chỉ thị có trong đất trồng.
+ Dị thường địa vật lý phản ánh những thuộc tính của một số loại khoáng sản và cũng là dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản. Những dị thường từ, xạ, điện với cường độ cao là những dấu hiệu trực tiếp của các mỏ sắt, thori - urani và sulfur tương ứng.
+ Các đá gần quặng bị biến đổi (metasomatit) là những dấu hiệu gián tiếp quan trọng của quặng hoá, nhất là đối với các mỏ hậu magma. Tuỳ theo đặc tính của những biến đối gần quặng có thể suy đoán không chỉ về tiềm năng quặng hoá của diện tích nghiên cứu mà cả về kiểu thành hệ, thành phần và chất lượng quặng. Thí dụ, liên quan với skarn có quặng magnetit, sheelit (CaWO4), đồng, vàng và đa kim, với greizen có quặng liti, beryli thiếc, wolfram và molybden v.v...
+ Những dấu tích khai thác cũ như các công trình khai đào, các máng tuyển hay các bãi thải v.v... cũng là những dấu hiệu trực tiếp của quặng hoá. Những tư liệu địa lý - lịch sử và khảo cổ có thể cho biết sự khai khoáng trong quá khứ xa xưa nên cũng là những dấu hiệu tìm kiếm gián tiếp. Địa danh đôi khi cũng được xem là
những dấu hiệu tìm kiếm gián tiếp; ví dụ Ngân Sơn là vùng trước đây đã khai thác bạc, Thần Sa là vùng chứa quặng thuỷ ngân v.v..