VÀ TẤM LÒNG CỦA BÁC
Năm 1965, tôi (Phan Trọng Tuệ) làm Chính ủy kiêm Tư lệnh đường mòn Hồ Chí Minh. Một hôm anh Vũ Kỳ gặp tôi và nói:
- Anh có phim tư liệu gì mới đem vào chiếu cho Bác xem.
Tôi đưa cuộn phim về giao thông vận tải, quay từ Hà Nội vào đến Vinh cho Bác xem. Bác xem phim rất chăm chú và hỏi thăm tình hình nhân dân trong đó.
Tôi báo cáo với Bác:
- Chúng cháu muốn đảm bảo giao thông phải dựa vào dân. Nhân dân nhiều khi phá cả nhà để lát đường cho xe qua.
- Nhân dân không nhà không cửa thì ở vào đâu? Các cháu học hành thế nào? Tôi thưa với Bác:
- Các cháu vẫn được học. Học dưới hầm. Giao thông vẫn có những chuyến xe đặc biệt chở dụng cụ học tập và sách vở cho học sinh.
Nghe tôi nói thế, Bác mới yên tâm và khen:
- Thế là tốt. Nếu chú có gặp các đồng chí trong đó, cho Bác gửi lời thăm đồng bào. Bác vừa nói chuyện vừa suy trầm tư, vẻ mặt Bác rất xúc động.
Tôi vào khu IV truyền đạt lời thăm hỏi của Bác cho các đồng chí trong đó, các đồng chí rất xúc động.
Bộ phim mang vào chiếu cho Bác xem có cảnh phá thủy lôi bằng kích thích. Cho ca nô chạy nhanh qua bãi thủy lôi. Thủy thủ lái ca nô mặc áo bảo vệ kèm phao bơi. Bác xem và hỏi:
- Mặc như thế kia thì cử động thế nào được? Tôi báo cáo với Bác:
- Ca nô chạy nhanh, thủy lôi sẽ nổ, thủy thủ phải mặc như thế để đảm bảo an toàn. Bác nghe xong, suy nghĩ một lát rồi nói:
- Các chú đó thật dũng cảm. Nhưng chú thử nghĩ xem có phương pháp nào điều khiển ca nô chạy tự động qua bãi thủy lôi, chứ làm thế này nguy hiểm cho tính mạng của các chiến sĩ.
Tôi suy nghĩ rất nhiều về gợi ý của Bác. Sau đó tôi cho họp Hội đồng kỹ thuật, báo cáo lại ý kiến của Bác. Mọi người đều rất tán thành và đề nghị thiết kế tàu không người lái, điều kiển từ xa.
Sau đó một loại tàu mới có biệt hiệu là T5 ra đời, có người điều khiển từ xa để phá hủy thủy lôi. Đó là do bao công sức đóng góp của các anh em làm công tác kỹ thuật sáng chế.
Khi chiếc tàu này mới được chế tạo, chúng tôi cho mang lên Hồ Tây chạy thử. Lần chạy thử đó có mời đồng chí Tố Hữu đến xem. Nhờ chiếc tàu đó mà chúng tôi đã phá được rất nhiều thủy lôi, đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt, lại không nguy hiểm đến tính mạng cho các chiến sĩ.
Lời phát biểu của Bác đã tác động đến anh em kỹ thuật, giúp họ suy nghĩ, phát huy sáng kiến và chế tạo ra chiếc tàu mang biệt hiệu T5.
Ngồi xem phim với Bác, Bác hỏi nhiều điều mà chúng tôi không lường hết được. Bác quan tâm đến mọi vấn đề. Bác muốn biết hết tất cả mọi việc.
Bác quan tâm đến công việc chung, nhưng cũng không quên những việc nhỏ, làm cho tôi rất cảm động. Tôi đưa phim vào chiếu cho Bác xem. Sau đó Bác cho phép tôi mang vợ con vào thăm Bác. Tôi còn nhớ khi đó là đầu năm 1967.
Bác hỏi tôi:
- Chú đi vào trong kia bằng phương tiện gì? Tôi báo cáo với Bác:
Bác nghe, rồi nói:
- Đi bằng ô tô hay đi bằng xe đạp cũng phải thật chú ý và cảnh giác vì máy bay Mỹ có thể bắn phá bất ngờ.
Trên đây là một số kỷ niệm về Bác mà tôi còn ghi nhớ. Những kỷ niệm này sẽ mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.