Tình hình sử dụng vốn của các doanh nghiệp ở trong nước

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN TRONG DOANH NGHIỆP (Trang 25 - 29)

Nước ta đang trong quá trình thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trước đây, trong nền kinh tế, hầu hết chỉ có các DNNN, phương thức đầu tư vốn nhà nước vào

doanh nghiệp tiến hành theo cơ chế "Nhà nước cấp phát vốn, doanh nghiệp giao nộp sản phẩm và kết quả sản xuất". Những chỉ tiêu pháp lệnh mà Nhà nước giao, doanh nghiệp phải chấp hành, tính kế hoạch được thực hiện tập trung cao độ, tự chủ tài chính của doanh nghiệp bị hạn chế. Việc tài trợ vốn cho các doanh nghiệp chủ yếu từ hai kênh là Ngân sách và Ngân hàng với việc cấp phát vốn và tín dụng ưu đãi. Trong thời kỳ này, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng thừa vốn, chỉ có một số ít doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với Ngân hàng. Doanh nghiệp được sử dụng vốn rộng rãi nên nảy sinh hiện tượng lãng phí vốn, vốn sử dụng từ Ngân sách không phải trả chi phí sử dụng; vốn nhà nước giao không được bảo toàn và phát triển. Hiệu quả sử dụng đồng vốn quá thấp, tình trạng sản xuất hàng hoá đơn điệu, nghèo nàn cũng diễn ra ở thời kỳ bao cấp này. Để tránh được hiện tượng nêu trên, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà nước đã đưa ra chủ trương giao vốn, bảo toàn và phát triển vốn tại các DNNN, nghĩa là Nhà nước là đại diện chủ sở hữu tiến hành giao vốn. Sau mỗi thời kỳ, sẽ có sự kiểm tra so sánh giữa số vốn kiểm kê tại thời kiểm cuối năm cùng với hệ số trượt giá về tài sản hoặc vật tư, so với số vốn được giao ở thời điểm đầu năm có tính tới hệ số.

Trong thời kỳ này, Nhà nước thực hiện việc thu toàn bộ khấu hao TSCĐ về cho Ngân sách, điều đó làm vốn của doanh nghiệp bị giảm dần, TSCĐ lạc hậu, ít được đổi mới thay thế. Đối với vốn lưu động và TSCĐ cũng bị giảm dần do thông qua việc nộp NSNN dưới dạng chênh lệch giá hoặc phân chia cho người lao động dưới hình thức tiền lương hay tiền thưởng, từ đó có thể thấy rằng cơ chế đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp còn mang tính bao cấp, chưa thực sự đúng với ý nghĩa là đầu tư vốn.

- Khi Luật DNNN ra đời (1995), có một sự thay đổi quan trọng theo đó, quy định DNNN là tổ chức kinh tế được Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ; tổng công ty là DNNN độc lập, có tư cách pháp nhân, được nhà nước giao vốn, có trách nhiệm bảo toàn và sử dụng vốn có hiệu quả. Theo luật này thì DNNN chia ra làm hai loại là DNNN hoạt động kinh doanh và DNNN hoạt động công

ích. Đối với DNNN hoạt động công ích, NSNN cấp 100% vốn và được hỗ trợ để thực hiện mục tiêu mà nhà nước giao. DNNN vẫn phải thực hiện các quy định về bảo toàn vốn. Doanh nghiệp được trích lập các khoản dự phòng như: dự phòng hàng hoá tồn kho, nợ phải thu khó đòi. Việc trích lập nợ phải thu khó đòi không vượt quá 20% tổng số nợ phải thu của doanh nghiệp.

- Từ khi có Luật DNNN sửa đổi (2003) và Nghị định 199/2004/NĐ-CP thì Nhà nước chỉ đầu tư vốn cho công ty nhà nước độc lập và Tổng công ty nhà nước mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc các doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ vốn chi phí được chuyển đổi từ Tổng công ty Nhà nước. Thông qua công ty Nhà nước, Nhà nước sẽ đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác. Các công ty nhà nước lại sử dụng vốn nhà nước đầu tư, vốn vay và các khoản nợ phải trả khác để đầu tư, góp vốn thành lập các công ty con, công ty liên kết... Không khống chế tổng mức vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác: Công ty nhà nước có toàn quyền lựa chọn và quyết định việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác trên nguyên tắc hiệu quả.

Vốn của Nhà nước được đầu tư vào các công ty Nhà nước và các doanh nghiệp khác. Tính đến cuối tháng 12/2005, số lượng công ty nhà nước là 3.067 công ty và số lượng tổng công ty nhà nước là 101, một số tổng công ty được thành lập mới theo mô hình công ty mẹ, công ty con[17].

Vốn Nhà nước đầu tư cho các công ty kinh doanh có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, cung cấp dịch vụ, các sản phẩm công ích, trong đó nguồn vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế chiếm 17,2% so với tổng số vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp. Vốn bổ sung trực tiếp từ ngân sách nhà nước chỉ bằng 1,4% số vốn hiện có. Đại bộ phận các công ty Nhà nước hàng năm được bổ sung vốn từ lợi nhuận sau thuế.

Tổng số vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần là 17.910 tỷ đồng, vốn Nhà nước đầu tư vào 1.941 doanh nghiệp có loại hình sở hữu khác (cuối 2004) doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trên 51% vốn điều lệ là 35%; doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư dưới mức 50% vốn điều lệ chiếm 65%.

Tuy số lượng công ty nhà nước có giảm, nhưng các công ty nhà nước đã giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Năm 2005 các DNNN đã tạo ra 680.000 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 40% GDP cho Nhà nước, tỷ suất lợi nhuận vốn tăng 16% so với năm 2004. Số doanh nghiệp có lãi là 83%, số doanh nghiệp hoà vốn là 7%. Các doanh nghiệp, công ty Nhà nước có lợi nhuận cao tập trung nhiều ở các ngành như: Bưu chính viễn thông, dầu khí, cao su, điện lực, rượu, bia...

Hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tăng lên là một điều đáng mừng, song, một số lĩnh vực, một số ngành, một số tổng công ty Nhà nước, hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn cũng còn kém, một số tổng công ty còn để mất vốn, chi phí sản xuất quá cao, nợ phải thu, nợ khó đòi phát sinh nhiều. Năm 2005, nợ phải trả tăng từ 1% đến 3% so với năm 2004; nợ quá hạn phải trả chiếm khoảng 56.000 tỷ đồng. Có tới 20 tổng công ty hiệu quả kinh doanh thấp, những ngành sử dụng vốn kém hiệu quả như nông nghiệp, xây dựng hạ tầng cơ sở như: dệt, giấy, dâu tằm tơ, mía đường, thuỷ sản, cầu đường.

Hiện nay, quá ít DNNN có đủ vốn tự có theo quy định và thực tế hơn 50% vốn tự có không phát huy hiệu quả, đang nằm trong tài sản chờ thanh lý (38% thiết bị chờ thanh lý) và trong nợ khó đòi. Hầu hết DNNN có tổng tài sản gấp 10 đến 20 lần vốn tự có, tổng nợ ngân hàng bình quân gấp 6 đến 8 lần, trong lĩnh vực thương mại, xây dựng gấp 10 đến 20 lần. Trong khi hệ số an toàn vốn vay / vốn tự có ở Mỹ và EU từ 2,5 – 3,5 lần, ở Singapo và Thái Lan từ 3 – 4 lần [17]. Như vậy, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh là vấn đề các doanh nghiệp đều phải quan tâm; không chỉ đối với vốn doanh nghiệp tự huy động mà cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; không thể sử dụng vốn với bất cứ giá nào, hoặc sử dụng một cách tràn lan kém hiệu quả.

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN TRONG DOANH NGHIỆP (Trang 25 - 29)